Năm 2021 ngành du lịch chủ động vượt khó

11/08/2021 - 10:59 AM

Năm 2021, dự báo đại dịch Covid -19 vẫn chưa thể kiểm soát trên toàn cầu, ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động không nhỏ. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam đã chủ động vượt khó, phát huy nội lực và khôi phục hoạt động trong tình hình mới.

Du lịch nội địa nỗ lực phục hồi

Mùa du lịch Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 mở đầu cho hoạt động du lịch năm 2021 có thời tiết khá thuận lợi để du khách đi thăm quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, tại thời điểm này trên địa bàn một số tỉnh, thành phố xuất hiện các ca lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng làm ảnh hưởng tới nhiều chương trình du lịch của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành khi du khách yêu cầu hoãn, hủy tour. Cùng với đó, việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa-du lịch phục vụ du khách tại các địa phương trong cả nước dừng tổ chức làm lượng khách du lịch nội địa giảm mạnh. Theo Tổng cục Du lịch (TCDL), lượng khách du lịch nội địa giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 trung bình khoảng từ 60-80%; công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt từ 10-20%; doanh thu du lịch thấp; một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa không đón khách; một số doanh nghiệp du lịch tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh... Tuy nhiên, tại thời điểm này vẫn ghi nhận sự nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch của một số địa phương không nằm trong vùng dịch Covid-19 nhưng có các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh đẹp.

 Năm 2021 ngành du lịch chủ động vượt khó

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chỉ từ giữa tháng 2 trở lại đây và sau khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, thị trường du lịch bắt đầu cho thấy dấu hiệu sôi động trở lại. Theo các chuyên gia, sau khoảng thời gian thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19, đây là thời điểm nhu cầu đi du lịch trở lại của người dân tăng cao. Hiện, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch của khách nội địa tăng mạnh so với thời điểm đầu năm, thậm chí có lúc cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, cuối tháng 2, có thời điểm nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tại Công ty Du lịch Vietravel hiện đang tiếp nhận lượng khách đăng ký tour tăng trở lại, đặc biệt, từ ngày 8/3/2021-14/3/2021số khách mỗi ngày tăng gấp 2 lần so với tuần 1/3-7/3/2021, những tuần trở lại đây, có tuần tổng số đăng ký qua Vietravel đạt khoảng 10 nghìn lượt. Tỷ trọng khách đi du lịch trọn gói chiếm 50%, khách chọn dịch vụ xe/máy bay và khách sạn chiếm 50%. Các địa điểm được du khách lựa chọn làm điểm đến là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Phú Quốc… Tại Saigontourist cũng cho thấy sự sôi động trở lại của thị trường du lịch, khi lượng khách quan tâm gọi đến Saigontourist hỏi dịch vụ tour đã tăng lên. Để kích cầu du lịch, đón lượng khách cho mùa du lịch cao điểm sắp tới, Saigontourist cũng đã gửi các bảng báo giá và tư vấn cho khách hàng để họ lựa chọn chuyến đi phù hợp. Nghiên cứu về xu hướng du lịch 2021 từ Booking.com cho thấy, 65% khách du lịch Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ rất nóng lòng được du lịch trở lại. Còn theo các chuyên gia ngành du lịch, Du lịch Việt Nam đang chuẩn bị bước vào mùa du lịch cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và thông tin về vắc xin đem lại sự yên tâm và lạc quan cho người dân, dự báo ngành du lịch sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch của du khách tăng cao, để kích cầu du lịch nhiều doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động chăm sóc hình ảnh, thông báo đến khách hàng các chương trình ưu đãi qua Website, Fanpage, Group cộng đồng, SMS, Email Marketing. Đặc biệt, các điểm đến du lịch trên khắp đất nước như: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến, triển khai tour thực tế ảo. Tại các địa phương có hoạt động du lịch phát triển như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình ... cũng đã bắt đầu khởi động các hoạt động chào đón khách du lịch với hàng loạt các chương trình nghệ thuật đặc sắc.

 Năm 2021 ngành du lịch chủ động vượt khó 1

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa thể kiểm soát, Việt Nam tiếp tục chưa mở cửa du lịch quốc tế nên trong quý I/2021 khách quốc tế vẫn tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam quý I/2021 ước tính đạt 48,1 nghìn lượt người, giảm 98,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo: Khách du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ quý III/2021, tuy nhiên để đạt được mức bằng năm 2019, ngành du lịch cần khoảng thời gian từ 2,5 đến 4 năm, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh. Du lịch Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của quốc tế, vì vậy cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế.

Chủ động nắm bắt xu hướng du lịch

Năm 2021, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cách lựa chọn và quyết định điểm đến, khoảng cách và hình thức chuyến đi của mọi người khi đi du lịch. Theo đó, thay vì đi theo đoàn và đi nhiều ngày như trước đây, năm 2021 du khách có xu hướng đi ngắn ngày, đi nhiều lần, đi nhóm nhỏ và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn) … Các chuyến đi du lịch không đơn thuần chỉ là vui chơi, chụp ảnh, du khách còn kỳ vọng chuyến đi cho họ những trải nghiệm và sự thư thái gần với thiên nhiên và bảo vệ môi trường hơn. Nắm bắt xu hướng này, chuẩn bị cho các kỳ nghỉ 30/4, 1/5, Giỗ tổ Hùng Vương và chào đón mùa du lịch hè năm 2021, các nhà đầu tư và doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã có những thay đổi trong các chương trình, sản phẩm du lịch để phù hợp với xu hướng của khách du lịch hiện nay. Theo đó, ngoài những điểm đến từng được du khách ưa thích lựa chọn hay những khách sạn và khu nghỉ dưỡng hàng nghìn phòng trước đây, các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm, khai thác các điểm đến mới, tạo không gian các khu du lịch riêng biệt và đa dạng hóa dịch vụ chuyên biệt. Không đầu tư theo quy mô lớn mà chia nhỏ, phân tán nhưng kết nối với nhau. Đặc biệt, tập trung vào những hoạt động coi trọng nền tảng văn hóa bản địa.

 Năm 2021 ngành du lịch chủ động vượt khó 2

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Một xu hướng khác được du khách đặc biệt quan tâm trong năm 2021 là du lịch “xanh”, giúp du khách tìm đến những điểm du lịch hài hòa với thiên nhiên. Xu hướng này hiện đang được các tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An triển khai với mô hình du lịch cộng đồng; Nha Trang với mô hình phát triển du lịch biển đảo; các tỉnh Nam bộ với mô hình phát triển du lịch miệt vườn… Khi tham gia vào các mô hình du lịch “xanh”, du khách sẽ có những trải nghiệm du lịch gần gũi hơn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường vì một hành tinh xanh.

Về các sản phẩm du lịch, doanh nghiệp chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch có chiều sâu để đáp ứng xu hướng của du khách hướng vào các loại hình du lịch có chất lượng như: Sản phẩm du lịch sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Giải pháp phục hồi phát triển thị trường du lịch nội địa

Nhận thấy thị trường khách du lịch quốc tế chưa thể phục hồi trở lại, ngành du lịch xác định trong năm 2021, du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Hiện tiềm năng của thị trường du lịch nội địa là rất lớn với gần 100 triệu dân, nhu cầu được khám phá, trải nghiệm cao. Ngoài ra, mỗi năm, Việt Nam có từ 9-10 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài sẽ đóng góp vào lượng khách tiềm năng cho du lịch trong nước. Phục hồi, phát triển du lịch trong nước đúng hướng sẽ mang đến nguồn thu ổn định, bền vững cho du lịch và nhiều ngành khác, do đó, trong thời gian tới ngành du lịch cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả; nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu.

Hai là, tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch…

Ba là, khuyến khích các địa phương phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Năm là, quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao ở cả cơ quan quản lý Nhà nước và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Sáu là, tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài và chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh ngành du lịch sau đại dịch Covid-19./.

Hùng Đạt

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top