Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập

29/03/2022 - 10:32 AM

Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới cùng những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực trạng phát triển giáo dục nghề nghiệp

Trong những năm qua nhằm tạo điều kiện cho hoạt động GDNN phát triển, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, trong đó phải kể đến việc Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật GDNN năm 2014 có nhiều đổi mới quan trọng và đột phá, hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện GDNN; đồng thời giải quyết các bất cập trong thực tiễn, qua đó đã tạo nên diện mạo mới của hệ thống GDNN. Ngoài ra, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN, giai đoạn 2021-2025 cũng đã góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Cùng với hệ thống

 Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

chính sách, đến nay, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã được đổi mới, có bước chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Công tác đào tạo nghề từng bước gắn với nhu cầu đòi hỏi thực tế của thị trường lao động hiện nay. Đội ngũ giáo viên dạy nghề được nâng cao về chất lượng và chuẩn hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ sở GDNN được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực. Nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, đào tạo và quản lý kết quả đào tạo trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Đặc biệt, nhiều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá trong GDNN thời gian qua đã được triển khai như: Mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS, mô hình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; tuyển sinh gắn với tuyển dụng; hội đồng kỹ năng ngành; đại sứ nghề…

Để tiến tới hội nhập thị trường lao động quốc tế, các hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, triển khai ở nhiều lĩnh vực với sự tham gia của nhiều đối tác và nhiều quốc gia như: Anh, Đức, Pháp, Hà Lan… qua đó đã giúp GDNN của Việt Nam từng bước tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Theo Tổng cục GDNN, nhờ việc triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong GDNN đã có khoảng 5.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo; Khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài (Malaysia, Úc, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.

Những nỗ lực trong đổi mới hệ thống GDNN đã giúp cho việc tuyển sinh những năm gần đây luôn vượt chỉ tiêu. Trong giai đoạn từ năm 2011-2020, hệ thống GDNN tuyển sinh đạt 103%

kế hoạch. Năm 2019-2020 dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song các trường nghề vẫn tuyển sinh đạt 101,9% kế hoạch. Ngoài ra, trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới lao động Việt Nam cũng đã giành được nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc. Đơn cử tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 (tháng 8/2019) diễn ra tại Liên bang Nga, đoàn Việt Nam lần đầu tiên giành 1 Huy chương Bạc và được trao 8 Chứng chỉ nghề xuất sắc.

Bên cạnh những điểm sáng rõ nét, công tác GDNN vẫn còn những khó khăn, thách thức cần vượt qua như: Cơ cấu trình độ đào tạo trong GDNN chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn; đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về GDNN còn thiếu về số lượng và một bộ phận chưa đạt chuẩn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác tuyển sinh trong GDNN gặp nhiều khó khăn; quy mô lao động qua đào tạo của nước ta còn nhỏ bé so với yêu cầu của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội;

Mặt khác do tác động của dịch bệnh Covid-19 thị trường lao động đối mặt với nhiều khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, cho thấy, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Hiện, Việt Nam đã và đang tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới với những cam kết rất cao về lao động - việc làm, đặt ra những yêu cầu rất cao về chất lượng nguồn nhân lực, điều này đang đặt ra cho GDNN Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực hơn nữa để tăng sức cạnh tranh của nguồn lao động Việt Nam. Mặc khác, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngoài việc mang đến những cơ hội cho GDNN như: Hợp tác, học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ; mở rộng thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm… cũng đang tạo ra không ít thách thức về sự thay đổi công nghệ đòi hỏi Việt Nam cần có nguồn nhân lực có tay nghề. Theo các chuyên gia dự báo trong 5 năm tới, trên toàn cầu các quy trình làm việc sẽ được người sử dụng lao động nhanh chóng chuyển sang số hóa. Tác động của các yếu tố công nghệ sẽ làm một lượng lớn các công ty thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động. Còn theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cho thấy, trong 10 - 15 năm tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động lớn đến người lao động Việt Nam.

Để xây dựng được lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường lao động trong nước, ngoài nước và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2239/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

 Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập 1

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Đến năm 2045 GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về GDNN trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Để nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN trên cở sở thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:

Một là, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GDNN, trong đó, triển khai hiệu quả Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN-4 và các nền kinh tế G20. Nghiên cứu, bổ sung trình độ cao hơn của GDNN đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xu hướng quốc tế. Chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong GDNN tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới.

Hai là, đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Theo đó, phát triển khoa học số liệu ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, dùng chung toàn ngành và liên kết với quốc tế. Đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, thiết bị ảo, thiết bị tăng cường ở những ngành, nghề phù hợp. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của cơ sở GDNN, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các chương trình đào tạo cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Ba là, hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ XXI đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp. Tổ chức, sắp xếp hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo hướng phân bổ hợp lý theo vùng, miền, đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo. Phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia đào tạo các cấp trình độ của GDNN. Chuẩn hóa cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chú trọng kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ

Bốn là, xây dựng các mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp. Năm là, tăng cường nghiên cứu khoa học GDNN theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động. Hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cơ sở GDNN chất lượng cao. Đẩy mạnh hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo nghề nghiệp. Xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDNN và hệ sinh thái khởi nghiệp GDNN tại các vùng.

Sáu là, tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN với việc tăng ngân sách Nhà nước cho GDNN hàng năm. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho GDNN, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia GDNN. Thúc đẩy sự hỗ trợ, tài trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đầu tư cho GDNN.

Bảy là, đa dạng hoá các hoạt động truyền thông. Hình thành đội ngũ làm công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực cho các cán bộ truyền thông trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN.

Tám là, chủ động, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh GDNN; đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cơ sở GDNN, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp./.

ThS. Đỗ Thu Hương - ThS. Lê Thị Thu Trang

Đại học Lao động Xã hội


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top