Ngành hàng sen Đồng Tháp - Định hướng phát triển đến năm 2025

04/11/2022 - 03:42 PM
Sở hữu tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, Sen là một trong 6 ngành hàng chủ lực được tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những năm qua, với việc đẩy mạnh áp dụng đa dạng nhiều hình thức mới trong nuôi trồng và khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sen mang lại đã cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đến nay, tỉnh đã có hơn 20 sản phẩm chế biến từ sen được sử dụng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, mang về giá trị kinh tế cao cho người dân. Thời gian tới, với định hướng và mục tiêu phát triển ngành hàng sen theo hướng đa giá trị, Đồng Tháp đang kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển ngành hàng sen để cây sen không chỉ là mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, con người vùng đất Sen hồng.
 
Ngành hàng sen Đồng Tháp - Thực trạng và tiềm năng phát triển

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đặc tính sinh học của hoa sen, cây sen, từ bao đời nay, loài cây này không chỉ là biểu tượng đẹp gắn liền với con người và quê hương Đồng Tháp mà còn mang lại nhiều lợi ích đảm bảo sinh tồn cho người dân nơi đây. Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gần đây, tỉnh đã xác định cây sen là một trong những ngành hàng chủ lực và hướng tới phát triển các sản phẩm từ sen với hình thức đa giá trị hơn thông qua những chính sách, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ mặt hàng sen. Theo đó, nhiều tập thể, HTX và cá nhân của tỉnh đã được nhà nước hỗ trợ vốn để đưa sản phẩm đặc sản sen vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, giúp khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh từ cây sen gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của địa phương.

Theo thống kê, những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây sen của tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng tăng lên. Hiện toàn tỉnh có 1.252ha (được trồng tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò…), sản lượng 1.088 tấn, với khoảng trên 220 sản phẩm từ sen. Tỉnh cũng đa tiến hành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia Chương trình OCOP, kết nối nông dân để cùng sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu phát triển cây sen. Nhiều sản phẩm làm ra từ sen đã được chứng nhận OCOP. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị cây sen và trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Sen hồng.

Đồng Tháp hiện có hơn 20 sản phẩm OCOP từ sen đạt 3 - 4 sao, nhiều sản phẩm chất lượng cao, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế hứa hẹn trở thành những ngành hàng phát triển mạnh như: Thư pháp lá sen, tranh lá sen, hoa sen ướp tươi, lụa tơ sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà sen thượng hạng… Tỉnh đang triển khai các hoạt động phát triển ngành hàng sen, quan tâm đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen, nhất là các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp từ sen nhằm đưa ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển bền vững. Một số dự án khởi nghiệp từ sen đã thành công như: Ecolotus của Khởi Minh Thành Công, tinh dầu Hương Đồng Tháp, nhang sen Liên Tâm, sữa hạt sen Ba Tre…

Ngoài trồng sen để bán gương, lấy ngó, lá…, sen ở Đồng Tháp còn được chế biến thành nhiều món ăn ưa thích, mang lại hiệu quả trong kinh doanh ẩm thực. Những món ăn ngon ở Đồng Tháp được chế biến từ sen phải kể tới như: Cơm hạt sen, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, gà hầm sen, trà lá sen, trà tim sen, hạt sen sấy, rượu sen, chè sen, sen luộc, sen rang, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen,… Mới đây, việc xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen cũng là dịp để tôn vinh văn hoá ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế bởi các sản phẩm chế biến từ sen, sen tại Đồng Tháp còn trở thành biểu tượng của ngành du lịch. Các hoạt động dịch vụ du lịch, như: Ngắm cảnh đồng sen, ẩm thực từ sen cũng mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2014, mô hình du lịch cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười” được ra mắt đã thu hút được sự chú ý và tạo được sự bất ngờ, độc đáo đối với khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Tại huyện Tháp Mười, các hộ dân đã khai thác loại hình du lịch trải nghiệm như: Chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê... Sự xuất hiện của mô hình này đã tạo điểm sáng cho ngành du lịch ở Đồng Tháp.

Năm 2017, tỉnh triển khai thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn khẩu hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”; thiết lập bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu “Đất Sen hồng” qua hình ảnh“Bé Sen”; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu“Sen Tháp Mười”... Từ những chính sách này, hình ảnh của Đồng Tháp ngày càng được du khách biết đến và yêu mến. Hình ảnh từ cây sen ngày càng được khẳng định và trở thành biểu tượng của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, hầu hết mô hình trên cây sen hiện nay đều kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm. Các hoạt động du lịch kết hợp này giúp tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm với chi phí đầu tư thêm không đáng kể. Các mô hình chuyên canh, luân canh kết hợp du lịch sen không chỉ tạo ra việc làm ổn định cho người dân mà còn đem lại một “nguồn thu nhập tinh thần” cho khách du lịch và cả người dân tại vùng.

 
Ngành hàng sen Đồng Tháp - Định hướng phát triển đến năm 2025

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Đến nay, Đồng Tháp đã có hàng chục điểm tham quan lý tưởng cho du khách là cánh đồng sen bao la, bát ngát ở các huyện Tháp Mười, Hồng Ngự, Lấp Vò, Tam Nông,…

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao còn cho biết, việc chế biến sâu, các sản phẩm mỹ thuật, nội thất, thời trang... từ sen cũng có giá trị độc đáo và đặc sắc. Các nhà nghiên cứu về y học cũng cho biết, sản phẩm y học từ sen có nhiều giá trị quý hiện đang được nghiên cứu chế biến sâu, chiết xuất, bào chế, đánh giá tác dụng, hiện đại hóa sản phẩm, ứng dụng trong điều trị bệnh và giúp nâng cao chăm sóc sức khoẻ. Cụ thể như: Lá sen để trị sốt cao, chống béo phì; giảm đau, kháng khuẩn, chống ôxy hóa... Thân, rễ sen giúp lợi tiểu, an thần, chống tiểu đường... Hoa sen để điều trị tăng huyết áp, suy nhược, mất cân bằng nhiệt cơ thể; Nhị hoa củng cố chức năng thận; Hạt sen dùng làm thuốc bổ tỳ vị. Chiết xuất hạt sen chống tăng sinh, chống xơ hóa, chống trầm cảm, chống viêm, chống ôxy hóa, bảo vệ gan, điều hóa miễn dịch, kháng virus, chống béo phì; Tâm sen điều trị một số rối loạn thần kinh, mất ngủ, tăng huyết áp…


Định hướng và kế hoạch phát triển ngành hàng sen Đồng Tháp đến năm 2025
 
Có thể thấy, những giá trị lớn về kinh tế cũng như văn hóa, tinh thần của cây sen mang lại cho Đồng Tháp đã khiến Sen thực sự trở thành biểu tượng của đất và người dân nơi đây. Tuy nhiên, Đồng Tháp đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trên con đường đưa sen trở thành một ngành hàng phát triển đa giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, tinh thần như kỳ vọng. Một số khó khăn, hạn chế trong phát triển ngành hàng sen, đó là: Ngành hàng sen hiện có tính ổn định phát triển chưa cao, quy mô phát triển còn nhỏ, liên kết còn lỏng lẻo và chưa xây dựng chuỗi thống nhất từ trồng trọt, chế biến, xuất khẩu, dẫn đến việc chưa phát huy hết giá trị ngành hàng này. Năng lực bảo quản và vận chuyển còn hạn chế. Phần lớn, các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều được thực hiện thủ công, chưa có máy móc hỗ trợ nên chi phí còn khá cao... Cùng với đó, hoạt động kinh doanh du lịch, ẩm thực từ sen còn manh mún, chưa phát huy được hết tiềm năng, giá trị của cây sen...

Trước những khó khăn và hạn chế trên, mới đây tại Kế hoạch số 310/KH-UBND về phát triển ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 (ngày 31/8/2022) được UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành đã thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn để phát triển sen trở thành ngành hàng đa giá trị và mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần của người dân Đồng Tháp. Theo Kế hoạch, Đồng Tháp sẽ phát triển ngành hàng sen hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm và bền vững; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến một cách đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu ổn định, tạo ra sản phẩm đủ số lượng, chất lượng và với giá cạnh tranh; nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen.

Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu: Đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 khoảng 1.400ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen. Tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100ha vùng trồng tại Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất. Phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 01 sản phẩm chiết xuất từ sen. Nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen.

Thực hiện cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các vùng sen nguyên liệu và các sản phẩm chế biến. Xây dựng và hoàn thiện ít nhất 03 mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm. Các mô hình được trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp mã số vùng.

Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Tháp sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất sen tập trung theo chuỗi giá trị (Quy hoạch vùng trồng, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và liên kết tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc vùng trồng); xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ (Dự báo, nghiên cứu thị trường; chuẩn hóa về giống, quy trình kỹ thuật canh tác; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất; phát triển kinh tế tập trể trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng...); Phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu; nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý sen Đồng Tháp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại...

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nhân lực trong ngành hàng sen, Đồng Tháp tập trung tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về Quy trình kỹ thuật canh tác sen an toàn, sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quản lý dịch hại; thực hiện các lớp đào tạo, tập huấn về kinh tế tập thể, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản; đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ năng số cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…

Triển khai thực hiện tốt liên kết tiêu thụ và dịch vụ du lịch. Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu; định hướng sắp xếp lại hệ thống các cơ sở chế biến và tiêu thụ phù hợp với các vùng sản xuất nguyên liệu theo phạm vi thích hợp. Có cơ chế hỗ trợ nông dân, cơ sở chế biến trong tổ chức các hoạt động liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; đồng thời, cần tạo môi trường thuận lợi, nhất là các thủ tục hành chính, các chính sách kinh tế thu hút cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng. Tổ chức lại sản xuất của ngành hàng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với sản xuất an toàn (sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, an toàn dịch bệnh...); tăng cường hợp tác, liên kết vùng và liên kết 4 nhà, kết hợp phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững…

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu ngành hàng sen. Kết nối các Lễ hội Sen với việc quảng bá sản phẩm từ sen. Tạo điểm nhấn, mang lại những dấu ấn riêng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP từ sen. Từng bước xây dựng điểm du lịch cộng đồng để là điểm giao thoa, kết nối nhiều tour, tuyến du lịch khác nhau trong và ngoài tỉnh, hoàn thiện và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười”…

Với những nỗ lực và quyết tâm để phát triển ngành hàng sen theo hướng đa giá trị và đưa sen trở thành mặt hàng không chỉ mang lại giá trị cao về mặt kinh tế mà còn thể hiện tinh thần, ý nghĩa văn hóa của người dân, Đồng Tháp kỳ vọng, thời gian tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có sự kết nối, hợp tác, thêm nhiều dự án, tạo chuỗi liên kết phát triển ngành hàng sen bền vững, nâng tầm cây sen của Đồng Tháp./.
Thu Hòa
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top