Ngân nga khúc then, đàn tính đầu xuân

24/05/2019 - 03:39 PM
Thông thường, nghi lễ hát Then diễn ra trong 2 ngày đêm với nhiều nội dung như: Lễ cúng tổ tiên; Lễ dọn đường cho các quan... Nghi lễ hát Then bắt đầu với cuộc hành trình lên mời Ngọc Hoàng và các bậc tiên tổ sư phụ Then cùng về làm lễ, với các phần lễ cúng mời, cúng dâng rượu, cúng trừ ma, cúng giải hạn, cúng cầu an rồi dần phát triển thêm các lễ cúng tổ tiên, cúng sinh nhật, cúng cầu an, cúng nhà mới... Được coi là sứ giả của thần thánh, là người gửi vía cầu thần, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của gia chủ tới thần linh, nên những thầy Then, đặc biệt là những thầy đã đạt đủ 13 quai - thang bậc cao nhất của những người biết hát Then, luôn được dân làng tin tưởng, kính trọng.
 
Ngân nga khúc then, đàn tính đầu xuân 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hát Then không đơn giản chỉ là một làn điệu dân ca mà còn là một hoạt động nghệ thuật, được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian phong phú. Phải xem và nghe Then mới thấy nể, thấy phục những người hát Then làm lễ. Giống như một diễn viên phải thể hiện nhiều vai cùng lúc, người được gọi ông Then, bà Then miệng vừa hát theo những giai điệu biến chuyển linh hoạt, mặt vừa diễn theo những cung bậc cảm xúc, tay múa lúc chậm lúc nhanh, chân đi nhạc ngựa lúc khoan, lúc nhặt.

Là một loại hình diễn xướng tổng hợp được thể hiện trong không gian nghi lễ mang màu sắc tâm linh, thần thoại, nhưng kỳ thực những lời ca, điệu hát Then lại vô cùng bình dị. Lời hát Then vừa là những câu chữ được dân gian chắt lọc, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu. Những điệu Then khi là lời tri ân hướng tới ông bà tổ tiên, khi tái hiện cuộc sống gần gũi, chân thực của người dân buôn làng từ lúc ở chốn Mường người đến khi về cõi Mường ma, khi lại là lời khuyên răn, khích lệ, là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế…

Nói đến nghệ thuật hát Then không thể không nhắc đến cây đàn Tính, một loại nhạc cụ dân gian độc đáo có âm thanh ngọt ngào, mượt mà và ấm áp. Người xưa vẫn hay rỉ tai kể cho nhau nghe truyền thuyết xa xưa về cây đàn tính: Vốn đàn có chín dây, mỗi khi cất lên, tiếng đàn lại làm ngẩn ngơ muông thú cỏ cây, đến nỗi:

Cá nghe chết chín đoạn suối
Chuột nghe chết mười quãng rừng
Trai gái nghe chết chín cõi lòng”
(Trích bài “Thau Tính”)

… nên Ngọc Hoàng đã tước bớt số dây đi, chỉ để lại hai đến ba dây như bây giờ. Nhưng không vì thế mà những thanh âm của đàn tính mất đi sức ám ảnh, hoặc lòng người. Mỗi khi tiếng trầm bổng ngân nga từ cây đàn Tính quyện với những lời ca, tiếng hát của Then mang cảm giác bâng khuâng, lưu luyến, như đưa người nghe vào một thế giới ảo, huyền bí… Lời Then, tiếng Tính lúc gấp gáp, khẩn trương khi phải băng rừng, lội suối; lúc quyết liệt, dứt khoát khi phải đương đầu với giặc cướp hung hăng; lúc da diết, xót xa khi gặp phải những thân phận éo le, cùng quẫn; lúc lại tha thiết, ngọt ngào khi cầu xin người lái đò giúp đỡ qua sông...

Giống như mỗi nốt nhạc trong một bản nhạc, từng dòng Then ở mỗi vùng lại có những làn điệu hát khác nhau, mang đến những âm hưởng khác nhau. Nếu Then Lạng Sơn dìu dặt tha thiết, Then Giang chậm rãi, dặt, Then Bắc Kạn thủ thỉ tâm tình thì Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận. Nhưng tựu chung đều mang giai điệu, lối hát tình tứ, lôi cuốn người nghe. Tất cả quyện lấy nhau, mang theo từng cung bậc cảm xúc, hòa cùng tiếng suối đại ngàn tuôn chảy qua bao thế hệ. Mỗi khi làn điệu Then cất lên cũng là dịp để cả gia đình, dòng họ ôn lại những điều tâm niệm về sự đoàn kết, gắn bó trong gia đình, những quy ước chung của dòng họ nhằm duy trì kỷ cương như: Tôn trọng người già, tôn trọng truyền thống văn hóa, lệ tục của dòng họ; để nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình có ý thứctrách nhiệm về cội nguồn, với tổ tiên với gia đình, dòng họ và chính bản thân mình.

Then vốn dĩ ra đời để phục vụ cho việc thờ cúng, chữa bệnh, dùng để cầu tự (cầu con), cầu duyên, hay nối số (kéo dài tuổi thọ), song với cuộc sống hiện tại chỉ có thể lưu giữ Then cấp sắc mà điển hình là “Lẩu Then”- một hình thức nâng cấp bậc cho Then. Đến nay, nghi lễ hát Then vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc phía Bắc và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, hoà trong vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc là những câu hát Then, tiếng đàn Tính réo rắt, trầm bổng, khi gần, khi xa hoà quyện trong tiếng gió, tiếng xào xạc của lá rừng, tạo thêm vẻ yên bình, nét đẹp văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây./.

 
Ngọc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top