Ngành da giày Việt Nam năm 2019 - Những cơ hội và thách thức do FTAs mang lại

02/06/2019 - 07:00 AM
Thực trạng ngành Da giày Việt Nam
 
Hiện nay, ngành Da giày là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Cả nước hiện có gần 3000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày với hơn 1 triệu lao động làm việc trong ngành thuộc da và 500 nghìn lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

 
Ngành da giày Việt Nam năm 2019 - Những cơ hội và thách thức do FTAs mang lại

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Các cơ sở, nhà máy sản xuất da giày tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Nam như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai… Đây là những vùng có số lao động tập trung đông nhất cả nước và có hệ thống giao thông cảng biển, hàng không, đường bộ thuận lợi cho hoạt động giao thương, vận tải.
 
Theo thống kê của Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), tính đến hết năm 2018, ngành Da giày Việt Nam đã có thị trường tiêu thụ rộng khắp với hơn 100 quốc gia, trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất, chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2018. Đáng lưu ý là, giá xuất khẩu da giày của Việt Nam cao gấp khoảng 1,6 lần giá trung bình của thế giới, điều này cho thấy, Việt Nam có khả năng sản xuất các mặt hàng cao cấp, chất lượng sản phẩm mang tính cạnh tranh cao và được thế giới công nhận.
 
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất của ngành Da giày vẫn chủ yếu theo hình thức gia công xuất khẩu (có tới 60- 70% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp da giày sản xuất theo hình thức gia công) với nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào theo chỉ định của khách hàng nhập khẩu, do đó, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ nước ngoài. Số liệu Tổng điều tra kinh tế 2017 đã cho thấy: Năm 2016, hoạt động gia công giày dép thu về 2,7 tỷ USD, chỉ chiếm 32% tổng phí gia công của Ngành, như vậy, hàng năm, Việt Nam tiêu tốn hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất da giày. Tỷ lệ nội địa hóa ngành Da giày của Việt Nam mới ở mức 50%, chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các FTA (hầu hết là 55%) đã ký kết và đang trong quá trình đàm phán. Đối với sản phẩm giày dép da, tỷ lệ nội địa hóa thậm chí còn thấp hơn do phụ thuộc vào nguồn da thuộc nhập khẩu.
 
Trong khi đó, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 các FTA đã có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể: 81,1% số doanh nghiệp được đánh giá có ảnh hưởng bởi FTA với cộng đồng kinh tế ASEAN, con số này với FTA Việt Nam - Nhật Bản là 69,1%, FTA Việt Nam - Hàn Quốc là 62,4%; FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu là 61%, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu 57,6% và các hiệp định khác là 5,6%.
 
Năm 2019, khi có thêm một số Hiệp định thương mại được ký và có hiệu lực, các chuyên gia dự kiến xuất khẩu da giày Việt Nam sẽ đạt đến con số 21,5 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2018. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức là hai mặt trái ngược luôn đồng hành với nhau, đòi hỏi các doanh nghiệp da giày phải nắm bắt được thời cơ và thấy được thách thức để tìm phương án vượt qua.
 
Cơ hội từ FTAs cho ngành da giày Việt Nam năm 2019
 
Với việc tham gia các FTA, điển hình là Hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực vào ngày 14/1/2019, da giày là một trong những ngành đầu tiên được hưởng lợi khi thuế xuất khẩu vào các nước đối tác thành viên hầu hết được cắt giảm lên đến 100% hoặc cắt giảm dần và xóa hẳn theo các năm. Riêng với 3 nước Canada, Mexico và Peru là những nước lần đầu tiên có cam kết chung với Việt Nam, tới 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada được hưởng thuế suất 0% hoặc cắt giảm 75% so với mức thuế suất trước đó, Mexico và Peru cũng áp dụng mức thuế giảm dần và xóa bỏ vào năm thứ 16 với giầy dép nhập khẩu vào hai nước này.
 
Ngoài ra, với 17 Hiệp định thương mại đã ký kết tham gia và chuẩn bị tham gia, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, được bảo hộ pháp lý, sở hữu trí tuệ bởi các FTA trên thị trường của các đối tác thành viên. Điều đó được thể hiện một phần qua tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giày trong thời gian qua. Cụ thể: Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam năm 2017 tăng 12,6% so với năm 2016; năm 2018 tăng trên 10% so với năm 2017. Năm 2018, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành Da giày Việt Nam với khoảng 36,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 2 là Liên minh châu Âu (EU) với 28,4%, kế đó là các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
 
Các FTA cũng tác động tích cực đến việc cải cách cấu trúc ngành da giày và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp FDI đang có sự quan tâm và đầu tư mạnh vào ngành Da giày Việt Nam, bằng chứng là tỷ trọng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành này tăng dần trong các năm gần đây. Mặt khác, Trung Quốc đang chủ trương giảm ưu đãi đầu tư vào dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao, các đơn hàng gia công giày dép sẽ tiếp tục có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thêm vào đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng đã thúc đẩy các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam, nhằm tránh tác động của chiến tranh thương mại và đón đầu các FTA hiệu lực trong năm 2019.
 
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực xây dựng thương hiệu của chính mình bằng việc tạo ra những bộ sưu tập, thiết kế chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thiết kế của khách hàng như trước. Đây được coi là bước tiến chiến lược đối với ngành da giày Việt Nam, nhờ đó, khoảng cách của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã được thu hẹp. Lefaso nhận định, trong khi các doanh nghiệp FDI ngành này giảm tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 xuống còn 78,8% so với 80-81% của các năm trước thì doanh nghiệp Việt Nam lại tăng từ 19,4% năm 2017 lên 21,2% năm 2018. Đó là tín hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước; đồng thời, các doanh nghiệp nội địa đang nỗ lực nâng cao năng lực đáp ứng các yêu cầu của các FTA.
 
Những FTA mà Việt Nam tham gia trong thời gian gần đây là FTA thế hệ mới toàn diện, có phạm vi rộng, nội dung vượt ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và một phần đầu tư; bao gồm các thể chế pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… bởi vậy, ngành Da giày cũng sẽ được bảo hộ bởi các thể chế pháp lý này.
 
Về lao động, Việt Nam có lực lượng lao động được đánh giá cao về sự khéo léo, khả năng tiếp nhận công nghệ cao, kỹ năng làm việc tốt hơn so với công nhân các thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Ethiopia... Các Hiệp định thương mại không chỉ mở ra cơ hội đầu tư và thị trường xuất khẩu cho ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu da giày Việt Nam mà còn góp phần đem lại hàng triệu việc làm cho đất nước. Như vậy, về mặt xã hội, ngành da giày đã góp phần tạo an sinh xã hội, giảm nghèo, tăng thu nhập…
 
Với những cơ hội từ FTA, đặc biệt là các FTA có hiệu lực trong năm 2019 đem lại, xuất khẩu da giày năm nay được các chuyên gia dự đoán tiếp tục tăng với tổng kim ngạch khoảng 21,5 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch cả nước, đứng thứ 4 trong Top 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
 
Những thách thức cần giải quyết
 
Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, trong năm 2019, ngành da giày cũng những khó khăn thách thức đang đón chờ phía trước.
 
Khi tham gia bất cứ một FTA hay một thị trường nào trên trường quốc tế, rào cản trước tiên chúng ta thường gặp phải đó là vấn đề năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, EU đang chiếm khoảng 30% thị trường xuất khẩu từ Việt Nam, sản phẩm da giày đang được EU cấp quy chế ưu đãi thuế quan (GSP) với mức thuế suất dao động dưới 8%, nhưng ngay khi EVFTA được ký và có hiệu lực, GSP sẽ được bỏ ngay. Chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu nào đạt yêu cầu theo quy định của EVFTA mới được hưởng mức thuế suất thấp và ngược lại, sẽ phải chịu mức thuế cao. Với các doanh nghiệp lớn, có sự chuẩn bị tốt thì không có gì trở ngại, tuy nhiên, với các doanh nghiệp có sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nếu doanh nghiệp không nâng cao quy mô, năng lực sản xuất nội tại, không đáp ứng được điều kiện sẽ không tận dụng được cơ hội này.
 
Đến nay, Việt Nam đã tham gia, đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, các FTA đã đem lại nhiều lợi ích và cơ hội cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp Việt mới chỉ tận dụng được khoảng 30% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết quốc tế. Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chuyên xuất khẩu lại là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA. Theo số liệu Tổng điều tra kinh tế 2017, doanh nghiệp FDI chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công. Như vậy, hoạt động gia công của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là làm thuê cho các đối tác nước ngoài, vì phần lớn nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ hưởng phần phí (tiền công) từ việc gia công.
 
Một trong những thách thức khác đối với các doanh nghiệp Việt Nam là chứng minh xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Mặc dù là ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng giá trị gia tăng của ngành da giày còn chưa cao do phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Trong khi hầu hết các FTA thế hệ mới đều có quy định nguồn gốc xuất xứ với giá trị nguyên phụ liệu sản xuất nội địa là 55%, ngành da giày Việt Nam mới tự chủ được khoảng 50% nguyên phụ liệu, vì vậy, tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải được nâng lên bằng mức yêu cầu của các FTA để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA Việt Nam tham gia, giúp giảm chi phí logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt. Song song với đó, các doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể gặp rủi ro từ việc Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc, mà Trung Quốc lại đang là một trong những nước cung cấp nguyên phụ liệu lớn nhất của Việt Nam với giá trị trên 100 triệu USD. Do vậy, muốn giữ chân được mối khách hàng lớn này, trước khi tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu, ngành da giày cần mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhất là với những nước thứ 3 có chung cam kết FTA với nước nhập khẩu sản phẩm để tận dụng ưu đãi nguồn gốc.
 
Một vấn đề nữa là, các doanh nghiệp da giày Việt mải “đem chuông đi đánh xứ người” mà bỏ ngỏ thị trường tiêu thụ trong nước và chưa tận dụng được thị trường châu Á với mức tiêu thụ lớn các sản phẩm giày dép trên toàn thế giới. Theo các cam kết, khi FTA được thực thi, thuế nhập khẩu với các mặt hàng của các nước đối tác vào Việt Nam cũng được giảm mạnh và xóa bỏ 100%, Việt Nam cũng sẽ trở thành thị trường tiêu thụ tiềm năng của các doanh nghiệp da giày nước ngoài. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 1/1/2017, số lượng da giày tiêu thụ ở thị trường nội địa là 793 triệu đôi trên tổng số 10.042 triệu đôi, tương đương chiếm 7,9% tổng số sản phẩm da giày được gia công ở Việt Nam. Một con số quá nhỏ cho thấy sự lãng phí thị trường nội địa trong khi chất lượng sản phẩm của Việt Nam đã được cả thế giới công nhận, đồng thời đặt ra thách thức lớn về bảo hộ thương mại cho các doanh nghiệp nội địa.
 
Mặc dù có lực lượng lao động dồi dào nhưng năng suất lao động của Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều so với các nước như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia… trong khi chi phí nhân công ngày càng tăng. Đây cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp da giày.
 
Ngoài ra, yêu cầu về nâng cấp trang thiết bị, máy móc hiện đại, tăng cường chuyển giao công nghệ, tự động hóa, đào tạo nâng cao năng lực chuyên gia hoạt động trong ngành cũng là những bài toán lớn đang tìm lời giải của ngành da giày Việt Nam khi tham gia các FTA.
 
Trước thực trạng trên, Nhà nước cần có các chính sách, giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm tiết kiệm chi phí, nguồn lực, phát triển chuỗi cung ứng, tạo liên kết đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu; có các chính sách đầu tư bài bản vào cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực và vật lực. Ngành Da giày Việt Nam cần sớm chủ động nguồn nguyên phụ liệu để từng bước gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, tận dụng tối đa được các lợi ích do các FTA mang lại để giữ vững tốc độ phát triển, tiếp tục là điểm sáng cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế đất nước./.

 
ThS. Nguyễn Thị Mai
Đại học Thương mại

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top