Ngành dệt may trước cơ hội và thách thức từ thị trường châu Âu

04/10/2019 - 10:39 AM
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt khoảng 24772 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, giá trị ngành hàng này xuất sang thị trường châu Âu (EU) chiếm khoảng 13% tổng giá trị. Là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam với mức tăng trưởng hàng năm tương đối cao, cùng với Hiệp định thương mại Việt Nam - EU mới được ký, ngành Dệt may đang đứng trước những cơ hội bứt phá và mở rộng thị trường tại EU.
 
Thực trạng ngành Dệt may Việt Nam


Dệt may hiện nay đang là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Dệt may là một trong 3 ngành có tổng giá trị xuất khẩu lớn nhất và cũng đứng thứ 2 trong tốp 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng lớn nhất của 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, các chỉ số như: Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành Dệt tăng 11,5%, chỉ số sản xuất trang phục tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2018. Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Dệt may cũng tăng như: Vải dệt từ sợi tự nhiên 288,7 triệu tấn, tăng 5,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo 566,4 triệu tấn, tăng 9,4%; quần áo mặc thường 2.458 triệu sản phẩm, tăng 8,4% so với nửa đầu năm 2018. Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ ngành Dệt may cũng đều tăng lên, trong đó: Dệt đạt 106,4%, sản xuất trang phục đạt 107,3%.

 
Ngành dệt may trước cơ hội và thách thức từ thị trường châu Âu

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Năm 2019, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 10,8%, thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 2,85 triệu lao động. Tuy nhiên, đến tháng 6/2019 kim ngạch của nhóm hàng này mới đạt 15,09 tỷ USD (tương đương gần 38% mục tiêu), vì vậy, đến hết năm, ngành Dệt may cần nhiều nỗ lực và giải pháp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Trong bối cảnh đó, sau khi hai hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP được ký kết và có hiệu lực, Dệt may được cho là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút ra khỏi hiệp định CPTPP, ngành Dệt may trong nước đang phải chịu những tác động không nhỏ. Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu dệt may số một của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm, từ 57,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nửa đầu năm 2018 giảm xuống còn khoảng 46,6% cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, EU đã vượt qua Nhật Bản, trở thành thị trường lớn thứ 2 nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Qua nửa đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU đã đạt hơn 1,950 tỷ USD, tăng gần 4,82% so với con số 1,860 tỷ USD cùng thời điểm năm 2018. Mặc dù chỉ đứng thứ 2 về thị phần với khoảng cách còn xa so với Mỹ, nhưng với thị trường rộng lớn hơn 500 triệu dân, thêm việc EVFTA mới được ký kết ngày 30/6 vừa qua, EU đang trở thành cánh cửa rộng mở cho ngành Dệt may tranh thủ những cơ hội lớn để có những bước tiến bền vững và mạnh mẽ vào thị trường rộng lớn này.

Cơ hội mở ra tại thị trường EU…

Cơ hội từ việc cắt giảm các dòng thuế: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đang có những tác động nhất định đến tầm nhìn dài hạn của nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam với định hướng phát triển bền vững ngành Dệt may. EVFTA được dự báo sẽ có tác động tích cực đến dệt may Việt Nam trong dài hạn, khi có tới 42,5% số dòng thuế được áp dụng đối với ngành hàng này sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm. Điều này sẽ giúp dệt may Việt Nam tăng cơ hội cạnh tranh với các sản phẩm đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) 0% từ Bangladesh và Campuchia. Việc cắt giảm thuế khiến chi phí sản xuất và xuất khẩu giảm cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU.

Xu hướng chuyển dịch: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài chưa có hồi kết đã dẫn đến xu hướng chuyển dịch của các doanh nghiệp dệt may nước ngoài đang đầu tư tại Trung Quốc nhằm tránh những tác động tiêu cực. Việt Nam với nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công, sản xuất rẻ, lại đang trong tiến trình mở rộng cửa đón đầu tư chính là điểm đến đang được các doanh nghiệp nước ngoài hướng đến, nhất là các doanh nghiệp trong khối EU, do sức hấp dẫn từ các ưu đãi của EVFTA mang lại. Chính vì vậy, ngành Dệt may Việt Nam đang có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư, nguồn khách hàng, cũng như gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng giải quyết bài toán nguồn gốc xuất xứ để được hưởng những ưu đãi từ Hiệp định thương mại với EU, dệt và dệt nhuộm chính là 2 nhóm “điểm nghẽn” của ngành sẽ thu hút đầu tư trong và ngoài nước do có nhiều dư địa phát triển.

Thị trường tiềm năng: Liên minh châu Âu là một thị trường rộng lớn gồm 28 quốc gia với hơn 500 triệu dân. Hàng năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu trên 100 tỷ USD hàng may mặc. Trong khi đó, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt trên 4 tỷ USD. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường này còn rất lớn.

Sự tiến bộ của khoa học công nghệ: Cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 kéo theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã có tác động tích cực đến ngành Dệt may Việt Nam. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ, dây chuyền hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong đó có thị trường khó tính EU.

Quy tắc xuất xứ nguyên liệu: Trong khi với CPTPP, điều kiện để các sản phẩm dệt may Việt Nam được hưởng mức thuế suất 0% là đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi tại nước xuất khẩu hoặc được tính toán cộng gộp từ nội khối, thì đối với EVFTA, quy tắc xuất xứ nguyên phụ liệu được tính từ vải. Đây cũng được coi là một thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may Việt, bởi khi áp dụng quy tắc xuất xứ từ vải sẽ thuận lợi hơn truy xuất từ sợi. Thêm vào đó, EU cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nguồn gốc xuất xứ, nghĩa là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác với EU cũng được hưởng ưu đãi. Điển hình như việc 18% vải may xuất khẩu được Việt Nam nhập từ Hàn Quốc - nước đã có FTA song phương với EU, thì các doanh nghiệp sử dụng nguồn vải nhập khẩu này vẫn nhận được các ưu đãi theo Hiệp định.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU sau khi ký kết còn phải trải qua quá trình phê chuẩn của cả hai bên, dự kiến sang năm sau mới có hiệu lực. Đây cũng là thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng chuẩn bị tốt các điều kiện đủ về công nghiệp hỗ trợ, nguồn gốc xuất xứ, mở rộng quy mô… để có thể khai thác triệt để lợi thế có được tại thị trường châu Âu.

…Cùng những rào cản

Bên cạnh những cơ hội rộng mở, ngành Dệt may Việt Nam cần phải vượt qua thách thức để tận dụng được những ưu đãi lớn từ thị trường EU rộng lớn.

Thứ nhất, nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực là các sản phẩm Việt Nam ít gia công hoặc ít xuất khẩu vào EU, do đó sẽ không được hưởng nhiều lợi ích từ nhóm hàng này. Cơ hội trong ngắn hạn sẽ đến với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu xơ sợi.

Thứ hai, mặc dù được đánh giá là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhất từ các Hiệp định, tuy nhiên, để có thể nhận được mức ưu đãi giảm thuế, các sản phẩm ngành Dệt may phải tuân thủ chặt chẽ quy tắc xuất xứ. Cụ thể: Việc cắt may sản phẩm và vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU. Đây có thể coi là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt, bởi hiện nay Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó khoảng 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, Trung Quốc và Đài Loan đều chưa có FTA với EU; còn nguyên liệu chính cho ngành là bông xơ phải nhập khẩu đến 90%, chủ yếu từ Mỹ.

Thứ ba, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may chưa phát triển tương xứng và chưa đủ năng lực để hỗ trợ cho ngành hàng mũi nhọn này. Điều này khiến cho phần lớn các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là may gia công, đem lại lợi nhuận thấp. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm đầu ra, chủ động nguồn cung nguyên liệu, hướng đến mục tiêu xuất khẩu theo hướng FOB (chỉ định nguyên liệu đầu vào), ODM (đơn hàng trọn gói theo quy trình khép kín từ cung cấp vải - thiết kế - may - giặt ủi - hoàn tất) để nâng cao chất lượng và giá bán.

Thứ tư, doanh nghiệp dệt may Việt còn gặp nhiều khó khăn trước những yêu cầu về chứng chỉ và chất lượng sản phẩm ngày càng cao do năng lực hạn chế. Thậm chí, yêu cầu về tiến độ giao hàng cũng là một vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ đơn hàng. Trong khi đó, dù có lợi thế về nguồn lao động và chi phí thấp nhưng năng suất lao động của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nhất là với hai nước cũng phát triển mạnh gia công dệt may như Campuchia và Bangladesh.

Gỡ khó để dệt may chủ động trên thị trường EU

Để ngành công nghiệp mũi nhọn dệt may có thể đứng vững và phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường tại EU, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Các doanh nghiệp dệt may Việt cần thiết lập mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với các trung tâm phân phối, các siêu thị lớn trong thị trường EU thông qua các thương vụ Việt Nam tại EU, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các đại sứ quán của các nước EU tại Việt Nam để xuất khẩu trực tiếp, giảm thiểu tình trạng xuất khẩu qua trung gian. Chú trọng việc xây dựng liên kết chiến lược với khách hàng là những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ nhằm ổn định đơn hàng, khách hàng; đồng thời tiếp cận, học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý, kinh doanh…

Từng bước đưa thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng châu Âu bằng cách tổ chức liên doanh dưới các hình thức như sử dụng giấy phép, mua nhãn hiệu hàng hoá của các thương hiệu nổi tiếng, khi đã chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng với sản phẩm, có thể đưa nhãn hiệu sản xuất Việt Nam vào sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng cần nghiên cứu tăng cường thâm nhập bằng hình thức đầu tư trực tiếp nhằm giảm bớt các rào cản phi thuế quan.

Song song, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng may mặc Việt Nam trên thị trường EU thông qua việc tích cực chủ động tham gia các gian hàng, hội chợ, triển lãm tại nước ngoài, xây dựng các gian trưng bày trên thị trường nước ngoài…

Quan trọng hơn cả là cần nâng cao chất lượng hàng dệt may Việt Nam bằng việc đổi mới quy trình, đẩy mạnh áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu biến nhà máy sản xuất thông thường thành nhà máy sản xuất thông minh, đạt được chứng chỉ về quản lý chất lượng ISO 9000, chứng chỉ về môi trường ISO 14000. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may Việt cũng cần đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng của EU và được khách hàng thị trường này quan tâm như: Tiêu chuẩn về nhãn hiệu hàng may mặc dựa vào tiêu chuẩn ISO 3758, tiêu chuẩn về giặt dựa vào ISO 3759, 5077 và 6330; độ hút ẩm dựa vào tiêu chuẩn của Đức DIN 5411, giặt dựa vào tiêu chuẩn ISO 3175, đánh giá mức độ vải bị xù sợi dựa vào tiêu chuẩn của Anh BS 5811…

Các doanh nghiệp trong nước cần liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm giảm sức ép cạnh tranh nội bộ trong ngành và nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tận dụng cơ hội thu hút đơn hàng, duy trì và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống và phát triển thêm được khách hàng mới, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Một vấn đề rất quan trọng trong tiến trình mở rộng thị trường EU của ngành Dệt may Việt Nam đó là chủ động khâu nguyên liệu đầu vào, trong đó, vấn đề then chốt là phát triển công nghiệp hỗ trợ, dần tiến đến tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất từ bông, xơ đến vải. Trước mắt, để giải quyết căn cơ những yêu cầu khắt khe của EU về quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải tìm đến những nguồn nguyên vật liệu chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước có chung FTA với EU để tận dụng được những ưu đãi thuế quan, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Có như vậy, ngành Dệt may Việt Nam mới phát triển được chuỗi giá trị, xây dựng được chỗ đứng bền vững tại thị trường EU và mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước./.

 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top