Ngành Hồ tiêu với bài toán cung cầu

04/11/2019 - 04:11 PM
Việc diện tích trồng hồ tiêu được mở rộng một cách nhanh chóng, thiếu quy hoạch như hiện nay đã đẩy nguồn cung vượt cầu, trong khi chất lượng và thị trường đầu ra chưa được nâng cao và mở rộng tương xứng đã khiến cho hồ tiêu rớt giá mạnh. Đây chính là bài toán khó đang cần tìm lời giải đối với bà con nông dân trồng hồ tiêu và các doanh nghiệp thu mua, phân phối.
 
Từ năm 2001, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm 28% tổng lượng xuất khẩu của cả thế giới. Diện tích gieo trồng hồ tiêu của Việt Nam khi đó là 36,1 nghìn ha với tổng sản lượng đạt 44,4 nghìn tấn. Đến hết năm 2018, Việt Nam vẫn giữ vị trí đứng đầu với sản lượng xuất khẩu luôn trên mốc 200 nghìn tấn/năm, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu thế giới và có mặt tại khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ; diện tích gieo trồng hồ tiêu của Việt Nam đã tăng lên đến 149,9 nghìn ha, đồng thời sản lượng hồ tiêu đạt đến con số 255,4 nghìn tấn, gấp 4,5 lần sản lượng của năm 2001.


Thực trạng sản xuất ngành Hồ tiêu

Trong vài năm trở lại đây, khi nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu toàn cầu được dự báo tăng trưởng khoảng 2%/năm và với việc Việt Nam đã trải qua 18 năm giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hồ tiêu thì ngành hồ tiêu đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ cuối năm 2008, giá hồ tiêu đã tăng gấp đôi các năm trước và đạt kỉ lục vào năm 2011 với mức 5.500-5.800 USD/tấn đối với tiêu đen và 8.000-8.500 USD/tấn đối với tiêu trắng. Theo đó, chỉ số giá xuất khẩu hồ tiêu năm 2011 đạt 168,49% so với năm trước. Từ đây, diện tích gieo trồng hồ tiêu bắt đầu có sự tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên đến năm 2013, giá hồ tiêu xuống thấp kỉ lục do nguồn cung tăng cao vượt quá cầu, chỉ số giá xuất khẩu hồ tiêu so với năm trước chỉ đạt 92,89%. Thực trạng đó khiến nông dân chán nản, bỏ bê các vườn tiêu, cùng với đó, các khoản nợ do đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng từ các năm trước đổ xuống đã đẩy ngành hồ tiêu vào khủng hoảng. Năm 2014, sau rất nhiều nỗ lực để vượt qua, giá hồ tiêu đã tăng 14,45% so với năm trước và đây cũng là năm đầu tiên hồ tiêu tham gia vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam. Đỉnh điểm là năm 2015, giá hồ tiêu tăng cao hơn 27,65% so với năm trước (theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tháng 11/2015, giá hồ tiêu đã vượt mức kỉ lục của năm 2011, đạt 9.528 USD/tấn). Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam chỉ giữ được kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 4 năm. Cụ thể: Năm 2014, xuất khẩu được 155 nghìn tấn với kim ngạch trên 1,2 tỷ USD; năm 2015 xuất khẩu đạt 131 nghìn tấn, kim ngạch 1,26 tỷ USD; năm 2016 xuất khẩu đạt 178 nghìn tấn, kim ngạch gần 1,43 tỷ USD; năm 2017 đạt 215 nghìn tấn, kim ngạch gần 1,12 tỷ USD. Đến năm 2018, mặc dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 232 nghìn tấn, tăng 7,9% so với năm 2017, nhưng giá trị lại chỉ đạt 758,8 triệu USD, chỉ số giá xuất khẩu chỉ bằng 87,88% năm 2017. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam đầu năm 2019 ổn định ở mức 46 nghìn đồng/kg - mức giá thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng nửa đầu năm 2019 đạt 176,8 nghìn tấn, trị giá 452,1 triệu USD, tăng 34,96% về lượng nhưng lại giảm 0,12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, ngành hồ tiêu đang bước vào giai đoạn khó khăn khi giá giảm sâu so với 3-4 năm trước. Nguyên nhân chính được nhắc đến là do người dân đã mở rộng diện tích trồng tiêu một cách ồ ạt khiến cho nguồn cung tăng lên trong khi thị trường không được mở rộng tương ứng, dẫn đến cung thừa cầu, làm cho giá hồ tiêu tụt giảm.

 
Ngành Hồ tiêu với bài toán cung cầu
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet


“Vỡ” quy hoạch vùng trồng


Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến cho nguồn cung tăng đột biến là do giá hồ tiêu tăng mạnh từ năm 2015 đổ về trước. Việc giá hồ tiêu tăng cao kỷ lục, đem lại lợi nhuận lớn, đã làm tăng hiện tượng người dân chặt bỏ một số loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu, dẫn đến vỡ quy hoạch trong sản xuất hồ tiêu ở nhiều địa phương.

Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam, cây hồ tiêu được trồng tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với khoảng 90% diện tích trồng của cả nước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu như năm 1998, diện tích trồng hồ tiêu trên cả nước mới chỉ có 12,8 ha với tổng sản lượng đạt 6,2 nghìn tấn thì sau 10 năm, diện tích trồng hồ tiêu tăng lên 50 nghìn ha, tổng sản lượng đạt 103,3 nghìn tấn vào năm 2008. Thống kê năm 2018, cả nước có đến 149,9 nghìn ha diện tích gieo trồng hồ tiêu, sản lượng đạt 255,4 nghìn tấn. Số liệu trên cho thấy, trong vòng 10 năm kể từ năm 2008 đến năm 2018, diện tích vùng trồng hồ tiêu ở Việt Nam đã tăng lên gần 100 nghìn ha. Trong khi đó, theo quy hoạch trồng hồ tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích trồng hồ tiêu của cả nước chỉ ở mức 50 nghìn ha, tương đương với diện tích đã đạt được từ năm 2008. Như vậy, diện tích trồng hiện nay cũng đã vượt quá 2 lần so với quy hoạch đã được đề ra. Điển hình là tại Gia Lai, một trong những vùng trồng hồ tiêu trọng điểm, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu sẽ là 5,5 nghìn ha. Nhưng số liệu từ Niên giám thống kê Gia Lai cho thấy, đến cuối năm 2017, con số này đã lên tới 17,75 nghìn ha, gấp 3,2 lần quy hoạch. Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020, hai vùng trồng hồ tiêu trọng điểm Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ có lần lượt 7 nghìn ha và 5 nghìn ha diện tích trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, thống kê của Viện khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, diện tích gieo trồng hồ tiêu của hai tỉnh này tính đến năm 2016 đã có lần lượt là 38,6 nghìn ha và 34,1 nghìn ha.

Diện tích gieo trồng hồ tiêu tăng quá nhanh không thể kiểm soát được đang đặt ra những vấn đề lớn. Dưới áp lực dư cung, tồn kho từ vụ trước dồn sang vụ này còn nhiều, giá tiêu thời điểm này tại Việt Nam cũng như ở hầu hết các quốc gia trồng tiêu đều lâm vào tình trạng khủng hoảng, nếu không tháo gỡ kịp thời sẽ không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng này.


Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Để sản xuất hồ tiêu giữ vững vị trí là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cần nhanh chóng có những biện pháp tích cực, kịp thời để tháo gỡ khó khăn và điều quan trọng nhất hiện nay chính là cần phải tái cơ cấu ngành hồ tiêu. Nhiệm vụ trước mắt là phải kiên quyết giảm diện tích hồ tiêu ở những nơi không phù hợp; khuyến khích nông dân không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết, thay vào đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác phù hợp với điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, ngành nông nghiệp phải tập trung làm ngay công tác lựa chọn giống tiêu được quốc tế công nhận, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.

Kế đó, cần sự vào cuộc của các chuyên gia, hiệp hội ngành thường xuyên cập nhật, phân tích, tổng hợp các nguồn thông tin tin cậy để định hướng dư luận, giúp nông dân, doanh nghiệp bớt rủi ro trong giao dịch. Bà con nông dân và doanh nghiệp cần phối hợp điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu, không bán ồ ạt với giá thấp, càng đẩy giá xuống, sẽ rơi vào bẫy các nhà đầu cơ.

Cần đẩy mạnh hoàn thiện và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và thương mại giữa nông dân và doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và thương mại. Các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ nhiều hơn các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, theo đó nông dân trồng hồ tiêu cần liên kết, hình thành các câu lạc bộ, hợp tác xã… Các tổ chức này sẽ là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo sản xuất hồ tiêu theo đúng tín hiệu thị trường, quản lý được qui trình từ canh tác tới thu hoạch, bảo quản đảm bảo vệ sinh, an toàn theo yêu cầu thế giới. Chỉ có như vậy ngành hồ tiêu mới có thể gia tăng giá trị, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và thương mại.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chế biến, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, đưa giá trị hồ tiêu Việt Nam lên ngang với giá thế giới; đồng thời cũng giúp cho hồ tiêu Việt Nam có cơ hội xâm nhập nhiều hơn vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, ngành sản xuất hồ tiêu cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký để tận dụng tối đa lợi ích mà những hiệp định này mang lại khi xuất khẩu.

Cuối cùng là làm tốt khâu thị trường, song song đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), cử người tham dự các hội nghị, hội thảo, hội chợ thường niên của Hiệp hội gia vị châu Mỹ - ASTA, châu Âu - ESA, Trung Đông… để quảng bá hình ảnh hồ tiêu Việt Nam đến bạn bè quốc tế, giúp thế giới hiểu rõ hơn về tiềm năng sản xuất, xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam, qua đó tìm kiếm mở rộng thị trường./.

 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top