Ngành Ngân hàng trợ lực cho phục hồi kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nam Định

20/08/2022 - 03:07 PM
Những năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành Ngân hàng tỉnh Nam Định đã chủ động, quyết liệt và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ, góp phần hỗ trợ các thành phần kinh tế tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực trong việc phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp


Tính đến tháng 6 năm 2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 93.234 tỷ đồng, tăng 7,0% so với đầu năm, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Nam Định ước đạt 93.234 tỷ đồng, tăng 7,0% so với đầu năm. Trong đó, cho vay doanh nghiệp là 27.099 tỷ đồng, chiếm 30,3% (tương ứng với 1.946 khách hàng). Chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,56%, đảm bảo duy trì ở mức dưới 3% theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đặc biệt, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, cho vay mới theo Thông tư số 01 của Thống đốc, đồng thời thiết lập số điện thoại đường dây nóng và thành lập bộ phận thường trực tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân liên quan đến Thông tư số 01 qua đường dây nóng, đảm bảo việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng được thực hiện kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình, các TCTD đã nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đã đạt được kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho khách hàng trong việc trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để người dân tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh.
Đến nay dư nợ bị ảnh hưởng covid là 10.368 tỷ đồng, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 4.512 khách hàng, với dư nợ là 4.542 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 19,8 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 2.185 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 2.698 tỷ đồng.

 
Ngành Ngân hàng trợ lực cho phục hồi kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nam Định

Ngân hàng chính sách xã hội Giao Thủy triển khai chương trình tín dụng ưu đãi
phục hồi và phát triển KTXH theo Nghị quyết 11 của Chính phủ

 
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với 07 doanh nghiệp, số tiền 1.598 triệu đồng, trong đó cho vay theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 là 02 doanh nghiệp, số tiền 241 triệu đồng; cho vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 là 05 doanh nghiệp, số tiền 1.356 triệu đồng. Hiện có 05 doanh nghiệp còn dư nợ, số tiền 1.356 triệu đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi. Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã triển khai chương trình dành cho doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ bổ sung vốn lưu động, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4%/năm, cùng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ. Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra trong năm 2021, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất trung bình từ 0,5-1,0%/năm đối với VND và 0,3%/năm đối với USD. Tổng dư nợ được giảm lãi suất là 22.321 tỷ đồng, với 69.325 khách hàng, số tiền lãi được giảm ước tính 71,8 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 0,5 – 2%/năm tùy theo ngân hàng, khách hàng và loại hình cho vay.

Bằng nhiều hoạt động đồng hành thiết thực ngành Ngân hàng đã góp phần cùng khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế tháo gỡ khó khăn, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), về đích trước 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đóng góp vào thành tựu đó, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng tỉnh Nam Định đã tích cực chung tay, góp sức thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các chính sách tín dụng chính gồm: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015  của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu… Các chính sách tín dụng trên đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân và tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thông qua chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phát các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi một sản phẩm); đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập…qua đó nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn và đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.

 
Ngành Ngân hàng trợ lực cho phục hồi kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nam Định 1

Đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định,ký kết Kế hoạch phối hợp
thực hiện Chính sách tín dụng Nông nghiệp, Nông thôn tại địa bàn tỉnh Nam Định

 
Các TCTD đã chủ động cân đối nguồn vốn, mở rộng mạng lưới hoạt động về khu vực nông thôn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản suất, kinh doanh và xây dựng NTM. Hiện nay, trên địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định có 235 điểm giao dịch của các ngân hàng, bình quân mỗi xã có hơn 01 điểm giao dịch, ngoài ra còn có mạng lưới tổ vay vốn và tiết kiệm của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội phủ rộng khắp. Hầu hết các ngân hàng thương mại, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước cũng đã có mạng lưới hoạt động tại địa bàn nông thôn tỉnh.

Trong những năm gần đây, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Đến ngày 31/3/2022, dư nợ cho vay xây dựng NTM tại 204 xã đạt 45.908 tỷ đồng, bình quân mỗi xã có dư nợ 225 tỷ đồng; doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 17.724 tỷ đồng; nợ xấu 110 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23%. Tại những xã có sử dụng vốn vay ngân hàng lớn có thể thấy rõ kinh tế từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân được nâng cao. Điều này cho thấy, nguồn vốn vay ngân hàng là đòn bẩy quan trọng, tạo điều kiện cho các xã hoàn thiện tiêu chí NTM nhanh hơn./.
Thành Nam

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top