Ngành Nông nghiệp Bắc Giang: Nỗ lực phát triển, mạnh mẽ chuyển mình

03/04/2022 - 08:39 AM

Sau 8 năm thực hiện "Đề án Tái cơ cấu", nền Nông nghiệp Bắc Giang đã xuất hiện trên bản đồ nông nghiệp trong cả nước như một "dấu son" bởi quá trình này luôn song hành với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Điều đó càng chứng tỏ ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển "nông nghiệp, nông thôn" nhằm mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang

Đổi mới tích cực
Với trên 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của tỉnh Bắc Giang vừa là mục tiêu, động lực, vừa là công cụ, giải pháp hiệu quả nhất nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, các ngành, lĩnh vực được quan tâm đầu tư. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nông dân.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, hàng loạt thể chế, chính sách mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành đã kịp thời bổ sung nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực then chốt, tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành nông nghiệp nói chung và sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt 2,4%/năm, đóng góp 17,5% GRDP của tỉnh (năm 2020). Giá trị sản xuất/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng/ha. Đến tháng 8/2021, tỉnh Bắc Giang có 585 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 48 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng 322 hợp tác xã so với năm 2013, trung bình tăng khoảng 40 hợp tác xã/năm. Về loại hình, có 322 hợp tác xã trồng trọt, 82 hợp tác xã chăn nuôi, 40 hợp tác xã thủy sản và 141 hợp tác xã tổng hợp. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Bắc Giang đạt bình quân từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường, trong đó mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung,
trong đó có mặt hàng chủ lực là vải thiều

Trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng được gần 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Bắc Giang có các vùng chuyên canh cây ăn quả diện tích trên 51 ha đứng thứ 4 trên cả nước, trong đó vải thiều trên 28 nghìn ha lớn nhất cả nước, xuất khẩu đi 30 nước trên thế giới, được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Ở các địa phương, đã có 36 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 119 sản phẩm đạt 3 sao cùng nhiều sản phẩm khác đang được địa phương thực hiện chuẩn hóa để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bắc Giang cũng đã hình thành các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP đẹp cả về hình thức, chất lượng, có sức tiêu thụ rất tốt. Thương hiệu sản phẩm OCOP của Bắc Giang được người tiêu dùng rất tin tưởng.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm sáng tạo, Bắc Giang đã trở thành tỉnh đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới. Một trong số đó là công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá toàn diện, đáng chú ý là hệ thống giao thông đường trục xã được cứng hóa trên 7000 km, đây là điều kiện hết sức thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, trên toàn tỉnh có 6/10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 23 xã đã đạt nông thôn mới nâng cao.

Thu hoạch nấm đùi gà tại Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương,
xã Quang Châu, huyện Việt Yên
Quyết tâm vươn cao 
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có khoảng 85% xã về đích nông thôn mới, 6 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện về đích nông thôn mới nâng cao và hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu để đưa đời sống nhân dân lên một tầm cao mới. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bắc Giang sẽ làm đồng bộ, quyết liệt, không dừng lại và thường xuyên nâng cao tiêu chí. Ngoài việc phát triển sản xuất, củng cố hạ tầng, nâng cao các thiết chế văn hoá, an ninh chính trị ở nông thôn, thì Bắc Giang cũng sẽ tập trung xử lý vấn đề môi trường, rác thải nông thôn.

Gà đồi là một trong những mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện Yên Thế,
mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân

Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 40%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20%. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng. Có khoảng 50% số hợp tác xã nông nghiệp có các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tối thiểu 1/3 hợp tác xã có các ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất.

Do đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về các giải pháp để tăng cường đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, ưu tiên hợp tác xã mô hình điểm, các hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị đã hình thành có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích kiểm tra sản phẩm rau, quả của HTX Nông nghiệp Mỹ Thái, huyện Lạng Giang

Để tiếp tục tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều quy trình kỹ thuật, công nghệ cao, tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp như quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ; quy trình sản xuất SRI, 3 giảm, 3 tăng; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, có hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt; chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp, chuồng trại khép kín, có máng ăn, máng uống tự động, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… sẽ được áp dụng tại địa phương.

Đối với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất (đường giao thông, kênh mương nội đồng, hệ thống điện), nhà sơ chế, kho lạnh. Đối với các loại cây trồng không sản xuất trong nhà lưới, nhà màng như cây lúa, cây công nghiệp, cây vải, cây ăn quả có múi…, tỉnh có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón và quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ huyện Sơn Động

Với những mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang thể hiện quyết tâm rất lớn nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, khiến Bắc Giang ngày càng trở thành miền quê đáng sống./.

                                                  Dương Thanh Tùng
                                                     Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top