Ngành Tài chính Ninh Bình: Nỗ lực vì sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh

26/02/2022 - 03:20 PM

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, ngành Tài chính tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt chức năng và trách nhiệm trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách địa phương, theo đó đã góp phần đạt được những kết quả quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định bổ nhiệm và tặng hoa 
chúc mừng đồng chí Hoàng Văn Kiên, tân Giám đốc Sở Tài chính  
 

Giai đoạn 2016-2020, Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình đã chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách tài khóa nổi bật như: Quy định phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương; quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn; chính sách, cơ chế đặc thù cho các huyện, xã. Từ đó các huyện, thành phố chủ động, khai thác tiềm năng trong việc huy động nguồn thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo ra cơ chế khuyến khích các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo đầu tư phát triển tạo môi trường cho sản xuất kinh doanh để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách; đảm bảo hiệu quả trong quản lý chi tiêu ngân sách chặt chẽ, đặc biệt đảm bảo cân đối ngân sách.

Bên cạnh đó, tiến độ thu ngân sách được tiến hành theo dõi sát sao, trong đó tập trung phân tích, đánh giá cụ thể kết quả thu, chỉ rõ những nguồn thu, địa bàn thu thấp, xác định rõ nguyên nhân để tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện. Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước thực hiện giai đoạn 2016-2020 là 64.895 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 31.634 tỷ đồng); tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước đạt 23,7% GRDP, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 18,5% GRDP), trong đó từ thuế, phí đạt 18,7% GRDP vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 16,7%). Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, bình quân chiếm 72,9% tổng thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 69%). Tỷ trọng thu ngân sách địa phương được hưởng trong tổng thu ngân sách nhà nước bình quân 68,2% vượt kế hoạch đề ra.

Đại hội Thi đua yêu nước Sở Tài chính giai đoạn 2020-2025
 

Nhiệm vụ điều hành chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả cũng là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Tài chính Ninh Bình. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 thực hiện 63.898 tỷ đồng. Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng dự kiến chi đầu tư phát triển tăng dần, bình quân 05 năm là 39,6% tổng chi ngân sách địa phương, nếu loại trừ yếu tố chi đầu tư phát triển bổ sung từ ngân sách Trung ương là 3.780 tỷ đồng, thì tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân 05 năm là 36,6% tổng chi cân đối ngân sách địa phương, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 15,7%). Tỷ trọng chi thường xuyên (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương) bình quân giảm xuống dưới 59% tổng chi ngân sách địa phương, trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tự đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội do Trung ương và địa phương ban hành, chủ động cân đối nguồn để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh như: dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch Covid-19.



Dây chuyền lắp ráp ô tô của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu) -
Doanh nghiệp tiêu biểu có số nộp ngân sách cao nhất tỉnh

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài chính tỉnh Ninh Bình thời gian qua đó là nhiệm vụ tăng cường quản lý đầu tư, xử lý nợ xây dựng cơ bản của UBND tỉnh. Để triển khai tốt những nhiệm vụ này, ngành Tài chính tỉnh Ninh Bình đã thực hiện những giải pháp cụ thể. Đối với công tác quản lý đầu tư, nợ xây dựng cơ bản, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách cho đầu tư phát triển ở các huyện, thành phố để tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tăng cường công tác quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư cho phát triển trên địa bàn các huyện, thành phố. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện dự án. Huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quản lý, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất  hiệu quả. Cùng với đó, Sở tiến hành nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định. Tập trung nguồn vốn để xử lý nợ xây dựng cơ bản ngân sách cấp huyện, xã, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án đã hoàn thành và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể thanh toán nợ. Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cấp xã trong việc phê duyệt dự án sử dụng vốn ngân sách, Sở chú trọng đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện, cấp xã.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết thực hiện nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách Nhà nước năm 2021,
triển khai nhiệm vụ năm 2022 Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình

 
Với những nỗ lực và quyết tâm, Sở Tài chính đã đóng góp một phần không nhỏ đưa kinh tế tỉnh Ninh Bình phát triển toàn diện, tốc độ tăng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân giai đoạn 2016-2020 là 8,03%. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch 2016-2020 đã đạt và vượt. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, ngành Tài chính Ninh Bình chủ trương đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách của tỉnh./.

                                                                                                      Trọng Nghĩa

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top