Ngành Xây dựng Lai Châu: Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý chất lượng công trình

19/06/2022 - 07:05 PM

Thời gian qua, ngành Xây dựng Lai Châu có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong toàn ngành. Điều này không chỉ giúp toàn Ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, đặc biệt là trong công tác lập và quản lý quy hoạch mà còn góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Công tác quy hoạch đi trước một bước

Xác định quy hoạch phải đi trước một bước, tỉnh Lai Châu đang tập trung để hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngành Xây dựng tỉnh Lai Châu đã phối hợp với cơ quan chủ trì cùng các sở, ngành, huyện, thành phố tích cực tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị với đơn vị tư vấn bổ sung vào Quy hoạch để đảm bảo tính thực tế, cụ thể hóa được mục tiêu phát triển của tỉnh và của các địa phương đảm bảo định hướng và nội dung quy hoạch từ Trung ương đến địa phương. 

Về quan điểm phát triển, Lai Châu sẽ tập trung khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế về địa kinh tế, văn hoá, khí hậu và cảnh quan; nắm bắt kịp thời các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm gia tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; huy động mọi nguồn lực phát triển một trục động lực, hai vùng kinh tế và ba ngành trụ cột, trong đó, trục động lực sẽ bao gồm các địa phương: Than Uyên - Tân Uyên - Tam Đường - TP. Lai Châu - Phong Thổ, kết nối theo trục từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai nút giao IC16,  Lào Cai tới cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng); phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi số, công nghệ và mô hình mới; đảm bảo hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường;…

Đồng chí Hoàng Đại Thắng (bên phải) trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện
về các điểm nhấn trong công tác quy hoạch xây dựng ở Lai Châu 

 

Bên cạnh việc tham gia xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành xây dựng Lai Châu có nhiều đổi mới trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quy hoạch xây dựng, tiền đề cho mọi hoạt động xây dựng, mọi nhu cầu phát triển vật chất của tất cả các ngành kinh tế - xã hội. Được sự quan tâm và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh việc triển khai quy hoạch đô thị mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu được thực hiện một cách đồng bộ, theo hướng hiện đại kết hợp với bản sắc, văn hóa vùng miền đáp ứng với phát triển kinh tế của địa phương.

Đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung 8/8 đô thị; đồng thời, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung và làm cơ sở để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, phát triển và thay đổi diện mạo đô thị trong tương lai. Kết quả, đến hết năm 2021, tỷ lệ quy hoạch chi tiết của các đô thị trong tỉnh được phê duyệt đạt khoảng 72%.


Các đồ án quy hoạch chung các đô thị đều được lập bởi đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác quy hoạch đô thị như: Viện quy hoạch quốc gia và Viện Kiến trúc quốc gia thuộc Bộ Xây dựng. Vì vậy, chất lượng các đồ án quy hoạch cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, kinh tế - xã hội và văn hóa ở địa phương có sự gắn kết các quy hoạch chuyên ngành, đảm bảo sự phát triển hệ thống đô thị, đảm bảo cho sự phát triển hài hòa bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch được chặt chẽ hơn.

Quy hoạch chung đô thị Sìn Hồ được phê duyệt là cơ sở để huyện Sìn Hồ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, mở ra không gian phát triển mới cho thị trấn Sìn Hồ
 

Công tác quản lý quy hoạch đã được quan tâm từ tỉnh đến các địa phương. Các địa phương đã chủ động xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; đưa nội dung quản lý quy hoạch, kiến trúc vào đề án nếp sống văn minh đô thị, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai với quy hoạch được duyệt giảm theo từng năm.

Tăng cường hiệu lực quản lý chất lượng công trình xây dựng

Trong những năm gần đây, Lai Châu tiếp tục được sự quan tâm của Trung ương, nhiều công trình được đầu tư thông qua các chương trình lớn. Bên cạnh đó, Tỉnh dành các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Nhờ những nguồn lực này, diện mạo các đô thị từng bước được khang trang với việc đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình điện chiếu sáng, bưu chính viễn thông, phát thanh truyền hình. Hệ thống giao thông trục chính tại các thị trấn và thành phố được đầu tư xây dựng đồng bộ đã kết nối các mạch vận chuyển hàng hóa, kinh tế cũng như giao lưu văn hóa của tỉnh và các địa phương lân cận.

Để các công trình xây dựng (đặc biệt các công trình sử dụng vốn ngân sách) đảm bảo chất lượng, nhưng năm trước đây, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND, ngày 09/8/2017 Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 về việc Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Trên cơ này, Sở Xây dựng đang trình UBND tỉnh ban hành Quyết định Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng, bảo trì công trình xây dựng và quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Lai Châu thay thế Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND.

Căn cứ vào quy định hiện hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn, hằng năm, Sở Xây dựng đều có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn theo định kỳ công tác quản lý chất lượng của các Chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh để phát hiện những sai sót và hướng dẫn kịp thời các Chủ đầu tư. Các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trước khi đưa vào sử dụng đều được các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các phòng có chức năng quản lý xây dựng trên địa bàn huyện, thành phố kiểm tra công tác nghiệm thu. Song song, Sở đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Qua công tác kiểm tra, hướng dẫn, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng hơn.

Xây dựng chỉ đạo các Phòng chuyên môn của Sở, các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng nâng cao hiệu quả thực hiện các nghiệp vụ về thẩm định, giám định, kiểm tra chất lượng công trình. Cụ thể, trong năm 2021, Sở tổ chức thẩm định 47 công trình đảm bảo thời gian và chất lượng theo quy định. Qua đó, Sở kiểm soát chặt chẽ chất lượng hồ sơ thiết kế trước khi phê duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và tiết kiệm chi phí trong đầu tư xây dựng (tỷ lệ cắt giảm trung bình sau thẩm định khoảng 0,5% (tỷ lệ cắt giảm cao nhất là 2,6%); kiểm soát chặt chẽ năng lực các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn và công bố rộng rãi trên trang thông tin của Sở để các Chủ đầu tư tham khảo, lựa chọn. Nhờ vậy, các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã được chủ đầu tư, các đơn vị thi công tổ chức thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy định, các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư.

Hoàng Đại Thắng
Giám đốc Sở Xây dựng Lai Châu


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top