Ngành Y tế: Những bước tiến trong hành trình chuyển đổi số

10/08/2020 - 08:47 AM
Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của y khoa thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng và hình thành hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là những đòn bẩy quan trọng, để ngành y tế nước ta tạo những bước đột phá trong công tác quản lý, khám chữa bệnh cũng như đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
 
Ngành Y tế: Những bước tiến trong hành trình chuyển đổi số
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dành một nguồn lực tài chính đáng kể để đầu tư cho lĩnh vực y tế nói chung và hoạt động ứng dụng CNTT nói riêng. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2008-2019, tốc độ tăng chi từ ngân sách nhà nước cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước và đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách. Trong gần chục năm qua, ngoài việc đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển y tế, Chính phủ cũng đã đầu tư hơn 56 nghìn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và gần 400 triệu USD từ nguồn ODA để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT cho trên 760 bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương, khoảng 110 phòng khám đa khoa khu vực và hơn 2.000 trạm y tế trên cả nước. Nhờ đó, ngành y tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên hành trình chuyển đổi số với nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng CNTT.

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2018, 100% bệnh viện trên cả nước đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS). 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phục vụ giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử. Cả nước có gần 11.200 trạm y tế (chiếm 99% tổng số trạm y tế cả nước) và 2.300 cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng dịch vụ sử dụng hệ thống quản lý tình trạng tiêm chủng cá nhân. Trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý nhờ việc hình thành hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã triển khai thành công, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN. Đồng thời, hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Bộ được kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, hơn 20 bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đáng mừng hơn là một loạt các ứng dụng được thử nghiệm hay áp dụng trên thực tế nhờ những thành quả của cuộc CMCN 4.0, như: Công nghệ in 3D; Phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); Phần mềm kết nối các máy xét nghiệm (LIS); Hệ thống phần mềm hỗ trợ chẩn đoán bệnh, hình ảnh với trí tuệ nhân tạo; Hệ thống phẫu thuật robot; Hệ thống công nghệ y tế trực tuyến Telemedicine (y khoa từ xa/bệnh viện vệ tinh), cho phép các bệnh viện, bác sĩ trao đổi thông tin về bệnh nhân qua màn hình để thảo luận phác đồ điều trị, chia sẻ các kiến thức chuyên môn hoặc tập huấn từ xa; …

Năm 2019, ngành y tế Việt Nam tiếp tục có thêm những bước đột phá mới với việc triển khai thí điểm bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy tại một số bệnh viện từ tháng 3/2019, giúp thu thập dữ liệu không những hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ cho các công tác khác như tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê bệnh viện... Theo lộ trình, đến năm 2025, các bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt sẽ phải hoàn tất việc thay thế bệnh án giấy, chuyển hoàn toàn sang sử dụng bệnh án điện tử, các bệnh viện còn lại sẽ thay thế hoàn toàn trước năm 2030.

Thực hiện đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trong năm 2019, Bộ Y tế còn triển khai thí điểm phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân (EHR) tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho phép các cơ sở y tế, bác sỹ ở bất kỳ đâu đều có thể tra cứu đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người bệnh, giúp cho việc chuẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng sử dụng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh (ID), làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện.

Cũng trong năm 2019 vừa qua, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc đã được thực hiện. Kết quả tính đến cuối năm 2019, cả nước đã có trên 15.000 nhà thuốc đã được cung cấp phần mềm quản lý, đạt 82,76%. Qua đó giúp thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào/bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc, giúp quản lý hiệu quả hơn việc kê đơn, bán thuốc.
 
Ngành Y tế: Những bước tiến trong hành trình chuyển đổi số 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bước sang năm 2020, mặc dù phải gồng mình chống chọi dịch bệnh Covid-19 có sức lây lan chóng mặt, song ngành y tế Việt Nam xem đây là cơ hội để chuyển mình, có những bước tiến xa hơn trong hành trình chuyển đổi số với một loạt những ứng dụng mới.

Nhằm hỗ trợ người dân được chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, vào tháng 4/2020, Việt Nam đã triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh (KCB) từ xa, đáp ứng 6 lĩnh vực gồm: Tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn KCB từ xa, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa, hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa, đào tạo chuyển giao kỹ thuật KCB từ xa. Nhờ đó, hệ thống KCB từ xa tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế đồng loạt được thực hiện, giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện hay giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, qua đó tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua nhiều hình thức hoặc tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Nền tảng số này không chỉ giải quyết các vấn đề của Covid-19 mà còn giúp thay đổi cả hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam, giúp nâng cao chuyên môn các bệnh viện tuyến huyện, xã.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai giải pháp ứng dụng Bluezone áp dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy) trên các điện thoại thông minh, giúp cơ quan y tế có thẩm quyền theo dõi và cảnh báo người thuộc nhóm tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song ngành Y tế cũng thừa nhận, nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế, hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất và cán bộ trong khi các bệnh viện tuyến trên thường xuyên trong tình trạng quá tải. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại tuyến xã và tại cộng đồng còn thiếu năng lực, hệ thống bác sỹ gia đình và phòng khám gia đình đã hình thành nhưng chưa có đủ nguồn nhân lực hỗ trợ và chưa có cơ chế thích hợp. Bên cạnh đó, ngành Y tế nước ta hiện cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong khi hệ thống y tế chưa được chuẩn bị tốt để đối phó, như: Chuyển đổi dịch tễ học với gia tăng các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ, xu hướng già hóa dân số, các bệnh dịch mới nổi hoặc tái xuất hiện, các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu... Với tổng dân số cả nước năm 2019 là trên 96 triệu dân thì con số này cũng đang tạo nên một áp lực không nhỏ đối với ngành y tế nước ta, đòi hỏi việc phát triển hệ thống y tế số cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Thêm vào đó, đánh giá tình hình thực tế cho thấy, những ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực y tế ở nước ta chưa thật sự mạnh mẽ. Hiện nay các phần mềm quản lý bệnh viện chưa được khai thác tối đa, đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Các ứng dụng như Telemedicine, Mobile health, Y tế điện tử… còn rất yếu và chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, thời gian tới có rất nhiều thời cơ và thuận lợi để ngành y tế tiếp tục phát triển, như: Kinh tế vĩ mô của đất nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo điều kiện để bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục tăng đầu tư cho y tế; Việt Nam có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội có tác dụng định hướng và hỗ trợ cho phát triển y tế, nhất là phát triển công nghệ kỹ thuật cao, ngang tầm khu vực và quốc tế. Cùng với đó, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và các hiệp định thương mại tự do cũng mang lại những cơ hội cho ngành Y tế và người dân tiếp cận với những dịch vụ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB. Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Với trọng trách đó, trong thời gian tới, ngành Y tế Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận với CNTT và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tập trung đầu tư phát triển hạ tầng CNTT tại các cơ sở y tế trên cơ sở chuyển đổi số đồng bộ với đổi mới toàn diện đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để nắm bắt và ứng dụng kịp thời các công nghệ thông tin dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trí tuệ thông minh, big data và kỹ thuật 3D trong y học… Bên cạnh đó, sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ y học gắn liền với xu hướng chuyển đổi số, qua đó tạo ra các sản phẩm, thiết bị y tế và phần mềm ứng dụng thông minh cũng như đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế để xây dựng hệ thống quản trị thông minh đối với hệ thống y tế hiện nay và tạo ra các cơ sở y tế thông minh trong tương lai./.
 
Bích Ngọc

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top