Nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Hội An

24/05/2019 - 03:41 PM
Hát Bài Chòi

Xuất phát từ đời sống lao động của người dân xứ Quảng, nghệ thuật diễn xướng hát Bài Chòi trải qua nhiều thế kỷ, dần dần phát triển thành một loại hình nghệ thuật mang tính chất quần chúng và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đô thị cổ Hội An. Ngày nay, tại phố cổ Hội An, hát Bài Chòi được diễn xướng hàng đêm, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia. Để phù hợp với không gian, hát Bài Chòi ở Hội An thay vì có 9 chòi như trước đây giờ chỉ dựng 5 chòi, song vẫn tuân thủ cách bố trí hình chữ U theo truyền thống, trong đó chòi trung tâm dành cho các nghệ sỹ tổ chức trò diễn, bốn chòi ở hai dãy dành cho người chơi.

 
Nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Hội An 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hát Bài Chòi bắt đầu bằng một hồi trống giục giã và anh Hiệu hát rao những câu ca dao điểm lượt tên một số quân bài theo tiếng đàn nhị và nhịp trống. Bộ Bài Chòi ở Hội An gồm 30 quân. Có 3 bộ bài giống nhau về tên các quân bài. Một bộ dành cho người chơi, một bộ dành cho anh Hiệu, và bộ còn lại dành cho anh chạy hiệu. Trong đó, chỉ bộ bài dành cho người chơi là được ghép thành các thẻ bài có 3 quân, đây là một kiểu biến tấu thẻ bài chỉ riêng ở Hội An mới có.

Khi anh Hiệu rút tên một quân bài ở bộ bài cái và hô lên, người chơi nào trúng tên quân bài đó sẽ được nhận một lá cờ. Nếu trúng 3 quân bài người chơi sẽ chiến thắngván Bài Chòi kết thúc. Trong hô, hát Bài Chòi, anh Hiệu giữ một vị trí quan trọng, người diễn xướng, cầm trò, điều khiển cuộc chơi và kết nối với khán giả. Nội dung các câu hát trong Trò diễn Bài Chòi của anh Hiệu thường mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao, đó có thể là những lời tự sự về nhân tình thế thái, những niềm vui trong cuộc sống hay những sinh hoạt thường nhật như: Ngợi ca tình làng nghĩa xóm, tình vợ chồng, tình yêu quê hương, cách đối nhân xử thế... hay phê phán những thói hư, tật xấu ở đời.

Múa Thiên Cẩu

Nếu hát Bài Chòi xuất phát từ đời sống lao động của người dân xứ Quảng thì múa Thiên Cẩu lại là hoạt động biểu diễn linh vật xuất hiện ở Hội An từ đầu thế kỷ XX. Thiên Cẩu có dáng vẻ hung dữ, đầu Thiên Cẩu có sừng to cong về phía trước, giữa trán có gương trừ tà, mắt hình cá gáy, mày gai, mũi lớn, đuôi dài và nhiều chân. Bộ dạng Thiên Cẩu từ hình thể, hình đầu đến đuôi dài nhiều màu sắc đều thể hiện cho phú quý. Cùng múa với Thiên Cẩu có ông Địa, được hóa trang với vẻ mặt hớn hở, bụng to, tay cầm quạt, lưng dắt cờ lệnh. Ban đầu, múa Thiên Cẩu mang ý nghĩa cầu trăng, cầu mùa và một số nghi thức, ý nghĩa về cầu phúc, cầu tài lộc, trừ tà tống ôn, ngăn ngừa hỏa hoạn… nhưng về sau màu sắc tín ngưỡng mờ dần, thay vào đó, tính thi thố, biểu diễn, vui chơi hội hè ngày càng lấn át và trở thành chủ đạo, múa Thiên Cẩu thường xuất hiện vào các dịp Trung thu và đón Tết Nguyên đán.

Hát Bả Trạo

Nghệ thuật diễn xướng Hát Bả Trạo có vai trò lớn trong đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân vùng biển Hội An, thể hiện sự ca ngợi, thương tiếc và thành kính cá Ông “Ngọc Lân Nam Hải”, vị thần giúp đỡ các ngư dân trong những lúc gặp hoạn nạn trên biển, đồng thời thể hiện cầu mong sự bình yên trước cảnh sóng nước mênh mông, cũng như cầu mong một năm ấm no.
Trong quá trình diễn xướng, Đội hình trình diễn bao gồm ba hoặc bốn ông Tổng và đám bạn chèo có  từ 10 đến 16 người tùy theo sự sắp xếp của từng đội chèo, bên cạnh đó còn có ban nhạc lễ, người đánh trống chầu…. Mái chèo được sơn đen, trắng, ở giữa có hình mặt trăng màu vàng. Khi hát Bả Trạo, đội hát mô phỏng đời sống sinh hoạt lao động của ngư dân những khi thong thả tay chèo, sự tương trợ lẫn nhau của những người bạn thuyền cũng như khi sóng to gió lớn... Lời bài hát Bả Trạo, nhất là lời của Tổng thương (người đi chợ mua thức ăn cho ban chèo) lúc con trạo nghỉ tay chèo thể hiện tinh thần lạc quan của ngư dân miền biển dù cuộc mưu sinh trên biển nhiều khó khăn, vất vả. Ngoài ra, trong hát Bả Trạo có sự cách điệu sân khấu, một số vật có tính chất đạo cụ như: Mái chèo, gàu tát nước… Một bản hát Bả Trạo có các phần giống như Tuồng chính thống, có giáo đầu, có phát triển và giải quyết kịch tính. Hành động kịch tính trong hát Bả Trạo đơn giản hơn, thường chỉ có một mâu thuẫn. Hình thành từ sự đối chọi của con người với sóng bão. Vượt qua sóng bão, cuộc hát kết thúc. Để kéo dài thời gian, trong một buổi trình diễn, sóng bão là yếu tố hình thành kịch tính sẽ xuất hiện đến hai, ba lần./.

 
                                                                                                         M.T (st)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top