Nhận diện thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019

03/09/2019 - 09:25 AM
Đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã đi được nửa chặng đường, ghi nhận nhiều kết quả đáng khích l. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại cần được nhận diện rõ, để từ đó có những giải pháp hữu hiệu giúp đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm như đã đề ra. 

 
6 tháng đầu năm 2019, mặc dù trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại, song bức tranh kinh tế - xã hội nước ta vẫn có những chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng GDP cả nước đạt 6,76%; Kinh tế vĩ mô ổn định; Hoạt động xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng; Niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục; Lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; An sinh xã hội được quan tâm thực hiện...
 
Nhận diện thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019
 
Mặc dù vậy, nền kinh tế nước ta vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế cũng như phải đối mặt với những thách thức mới, tác động không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% của cả năm. Một trong những vấn đề đáng lo ngại đầu tiên là tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu tăng chậm lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2019 ước đạt 6,71%, thấp hơn mức tăng 6,79% của quý I/2019 và có khoảng cách khá xa so với mức tăng 7,31% của quý IV/2018. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế là 6,76%, thấp hơn mức tăng 7,08% của cùng kỳ năm 2018. Sự suy giảm đồng thời diễn ra ở cả 3 khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ mức tăng 3,93% của 6 tháng đầu năm 2018 xuống 2,39% trong 6 tháng đầu năm nay); Công nghiệp và dịch vụ (từ 9,07% xuống 8,93%); Dịch vụ (từ 6,90 xuống 6,69%). Điều này cho thấy nền kinh tế chưa có sự bứt phá trong tăng trưởng cũng như trong từng ngành, lĩnh vực và còn gặp nhiều rào cản để phát triển.
 
Nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm chậm lại được nhận định là do sự suy giảm tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sự giảm tốc nhanh chóng của ngành nông nghiệp. Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được ghi nhận là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế cả nước nói chung, nhưng mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của ngành này chỉ đạt 11,18%, thấp hơn đáng kể so mức tăng 13,02% cùng kỳ năm 2018. Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như năm 2018.
 
Phân tích một số động lực để duy trì tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, ở lĩnh vực hóa dầu, hiện công suất Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) mới chỉ đạt 60% do khâu tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều doanh nghiệp xăng dầu trong nước vẫn còn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng ký kết nhập khẩu xăng dầu từ trước.
 
Bên cạnh đó, tuy cả nước có gần 67 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, 21,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay, song số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể vẫn ở mức cao, với 50,7 nghìn DN. Hơn nữa, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2019 cho thấy vẫn còn 16,5% số DN đánh giá gặp khó khăn và có 11,4% số DN dự báo là khó khăn hơn trong quý III/2019.
 
Một nguyên nhân khác dẫn tới sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế là sự suy giảm nhanh chóng của ngành nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất nông nghiệp gặp khá nhiều trở ngại do thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Cụ thể, rét đậm, rét hại liên tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong khi các khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên thiếu nước trầm trọng do nguồn nước trên các sông, hồ thấp hơn trung bình hàng năm và nắng nóng cao độ, khiến cho hàng nghìn hecta lúa và cây hoa màu phải chống chọi với khô hạn nặng. Tại đồng bằng sông Cửu Long (Nam Bộ) xuất hiện mưa trái mùa, xâm nhập mặn, nước biển dâng cao, khiến cho diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nước ngọt bị thu hẹp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 65,7 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha so với vụ đông xuân trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 63,5 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 66,9 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha.
 
Đáng chú ý là ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi đối diện với dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng. Tính đến ngày 25/6/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.389 xã, 458 huyện của 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số lợn phải tiêu hủy trên cả nước là 2,82 triệu con, chiếm 10% tổng đàn, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng chịu thiệt hại lớn nhất với số lợn bị tiêu hủy là 2,1 triệu con. Mặc dù thời gian qua các Bộ, ban, ngành và các địa phương đã có những biện pháp ngăn chặn và kiểm soát, song dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương và chưa có dấu hiệu dừng lại, do đó khả năng bệnh tiếp tục lây lan và bùng phát trở lại trong thời gian tới là khá cao.
 
Với những khó khăn trên, 6 tháng đầu năm 2019 ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% cùng kỳ năm 2018 và chỉ đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
 
Hoạt động xuất khẩu cũng xuất hiện một số vấn đề đáng được quan tâm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,72 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, tuy đạt mức tăng 7,3% so với cùng kỳ 2018 nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn, trong đó có nguy cơ hàng Trung Quốc“đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhằm tránh trừng phạt thuế. Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê, hiện vốn Trung Quốc vào Việt Nam có sự tăng đột biến với tổng đầu tư cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần là 7,5 tỷ USD, trong đó Hồng Kông là 5,3 tỷ USD, Trung Quốc là 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, trong năm 2017, cả Trung Quốc và Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam cũng chỉ 3,7 tỷ USD, năm 2018 là 5,8 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam có thể trở thành cứ điểm của nhà đầu tư Trung Quốc để nhập hàng vào Việt Nam, sau đó xuất sang Mỹ. Điều này vô tình khiến Việt Nam vi phạm cam kết về nguồn gốc xuất xứ, dẫn tới việc Mỹ có thể xem xét để trừng phạt thương mại. Thêm vào đó, làn sóng đầu tư Trung Quốc sẽ tạo áp lực cạnh tranh vô cùng lớn đối với doanh nghiệp nước ta ngay tại thị trường trong nước khi hiện nay Việt Nam đạt được nhiều thỏa thuận FTA với các quốc gia.
 
Điều đáng chú ý nữa là kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh lại có xu hướng giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, nhóm kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản chỉ đạt 10,4 tỷ USD, giảm tới 10,3% so cùng kỳ năm trước và chỉ chiếm 8,4% (giảm 1,7 điểm phần trăm) trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn nhóm hàng thủy sản đạt 3,9 tỷ USD, giảm 0,8% và chiếm 3,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm so cùng kỳ là: Cà phê đạt 1,6 tỷ USD, giảm 21,1%; Hạt điều đạt 1,5 tỷ USD, giảm 11,8%; Gạo đạt 1,5 tỷ USD, giảm 17,6%; Cao su đạt 822 triệu USD, tăng 0,3%; hạt tiêu đạt 461 triệu USD, tăng 1,9%...
 
Nguyên nhân của vấn đề này là do giá xuất khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ, nhiều thị trường nhập khẩu siết chặt hàng rào kỹ thuật cùng những ảnh hưởng từ biến động thương mại toàn cầu.
 
Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu mặt hàng gạo ảm đạm trong những tháng đầu năm 2019 là do những diễn biến bất lợi về thị trường. Ngoại trừ thị trường Philippines thì các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống là Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm nay và dự báo sẽ tiếp diễn cả năm 2019 với những lý do khác nhau như tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh. Bên cạnh đó, một số quốc gia trên thế giới như Myanma, Campuchia, Pakistan cũng nỗ lực gia tăng sản lượng gạo cung ứng ra thị trường thế giới, gây trở ngại cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những thay đổi về chính sách đối với mặt hàng này như: Thực hiện thuế khóa; Thay đổi phương thức nhập khẩu, cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu mở quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn cung gạo giá cạnh tranh nhất với chất lượng cao hơn. Điển hình là Trung Quốc đã đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50% cùng nhiều rào cản kỹ thuật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi đó, các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước, hướng đến sự tự chủ về lương thực, còn các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Theo dự báo, giá lúa, gạo trong nước sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ yếu, nguồn cung tăng vì sắp vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Hè Thu và số lượng hợp đồng tập trung với khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường khá ít ỏi.
 
Mặt hàng điều cũng gặp khó khăn tương tự bởi giá điều giảm do nhiều nước sản xuất hạt điều lớn như Brazil, Indonesia, Nigieri... cũng ở thời điểm thu hoạch, dẫn đến cung lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa năng lực chế biến và sản lượng sản xuất nội địa. Giá điều nhân được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng trong những tháng cuối năm nay.
 
Một vấn đề khác là trong 6 tháng đầu năm hoạt động xuất khẩu chỉ đạt mức tăng là 7,3%, thấp hơn nhiều so mức tăng 16,4% cùng kỳ năm 2018 mặc dù hiệp định CPTPP đã có hiệu lực. Là một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khi dư địa cầu nội địa còn rất nhỏ thì xuất khẩu chậm lại là một cảnh báo đối với tăng trưởng kinh tế.
 
Những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu đã khiến cán cân thương mại hàng hóa nước ta chuyển hướng nhập siêu. Trong quý I/2019, hoạt động xuất khẩu bước đầu có chút thuận lợi khi xuất siêu 1,4 tỷ USD, song sang tháng và tháng Năm lại nhập siêu tương ứng là 555 triệu USD và 1,3 tỷ USD. Mặc dù tháng Sáu quay trở lại xuất siêu 400 triệu USD, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2019 ước tính nhập siêu 34 triệu USD (bằng 0,03% tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,72 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,68 tỷ USD.
 
Thêm một thách thức cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 128,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 36,8% kế hoạch năm, trong đó: Vốn trung ương quản lý đạt thấp nhất, chỉ là 15,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch năm và giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ gây lãng phí nguồn vốn ngân sách mà còn làm lỡ cơ hội tạo tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại.
 
Việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực dịch vụ cũng đang gặp trở ngại khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Tháng 6/2019 có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm, đồng thời tốc độ tăng lượng khách trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng giai đoạn 2016- 2018.
 
Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường, sự suy giảm của thương mại toàn cầu. Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với thời kỳ“bất trắc cao” khi 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển, đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Hoạt động kinh tế, thương mại tại các quốc gia có nhiều biến động. Đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, sẽ tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam, như việc chuyển hướng chính sách xuất nhập khẩu, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam cùng những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các dòng vốn đầu tư.
 
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA, được các chuyên gia đánh giá sẽ những yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm và cả năm 2019. Theo đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (từ 6,6-6,8%); chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự kiến tăng 3,13% (so với Kế hoạch khoảng 4%); các chỉ tiêu về tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể đạt mức 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 ở mức 3,38%.
 
Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm “bứt phá” để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Do đó việc nhận diện những khó khăn trên là cần thiết để các cấp, các ngành và địa phương có được những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra. Các giải pháp cần tập trung vào giải quyết các “điểm nghẽn“ trong thời gian qua đó là: (1) Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm nhằm gỡ khó khăn, ổn định sản xuất cho ngành chăn nuôi; (2) Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt cần chú ý triển khai các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, đầu tư chui và núp bóng; (3) Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa để mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước; (4) Bám sát các diễn biến về tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, di chuyển dòng tiền và dòng vốn đầu tư, để phân tích các nguy cơ tiềm ẩn nhằm nâng cao năng lực dự phòng, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài…
 
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam sẽ tích lũy thêm được nhiều động lực tăng trưởng mới, đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra./.
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top