Những điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021

05/07/2021 - 04:23 PM

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất.

Để làm rõ những điểm nổi bật trong tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục trưởng  Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã có bài trả lời phỏng vấn về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021.

Phóng viên: Xin Bà cho biết một số kết quả đạt được trong tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị HươngTổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Một số kết quả đạt được như sau:

-  Về phía cung của nền kinh tế

(1) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Nguyên nhân do thời tiết các tháng đầu năm nay thuận lợi, bên cạnh đó các địa phương đã chủ động phòng chống xâm nhập mặn hiệu quả, áp dụng mô hình sản xuất truy xuất nguồn gốc đảm bảo cơ sở niềm tin cho người tiêu dùng, xuất khẩu nông sản được giá. Năng suất lúa đông xuân bình quân cả nước đạt 68,3 tạ/ha là mức cao nhất từ trước đến nay; ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2021 tăng 11,6% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số gia cầm của cả nước tăng 5,4%.

(2) Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; các tập đoàn lớn quan tâm đầu tư tại Việt Nam chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó một số năng lực mới tăng bổ sung cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021.

- Một số ngành công nghiệp trọng điểm 6 tháng đầu năm có chỉ số IIP tăng cao như: Ngành dệt tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất trang phục tăng 8,9% do năm 2020 ngành may mặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid; ngành sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 3% do sản lượng sản phẩm xăng động cơ tăng 5,5%; ngành sản xuất kim loại tăng 37%[1]; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 17,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 33,1%[2].

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,65 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.

 (3) Vận tải hàng hóa được duy trì khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ. Vận tải hàng hóa tháng Sáu tăng 8,6% về sản lượng vận chuyển và tăng 9,4% về sản lượng luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận chuyển hàng hóa tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,8%) và luân chuyển tăng 11,3% (cùng kỳ năm trước giảm 7%). Riêng đường hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn với sản lượng vận chuyển giảm 26% và luân chuyển giảm 51,8% so với 6 tháng năm 2019 (năm chưa có dịch Covid-19).

(4) Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 36,1% chủ yếu nhập tư liệu sản xuất chiếm đến 93,9% tổng kim ngạch (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước) trong đó, máy móc thiết bị tăng 33%, nguyên nhiên vật liệu tăng 40,2%, có tốc độ tăng cao hơn so với nhập khẩu hàng tiêu dùng (tăng 28%) cho thấy dấu hiệu phục hồi của sản xuất.

(5) Khu vực doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp[3], tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 26,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,9%); trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nhưng vẫn có sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm trước như Bắc Giang tăng 11,82%; TP Hồ Chí Minh tăng 5,34%; Bắc Ninh tăng 1,06%.

Tình hình lao động đang làm việc trong nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động và thu nhập của người làm công hưởng lương khả quan trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Những nội dung này sẽ được làm rõ trong buổi họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức vào sáng ngày 06/7/2021 tới đây.

- Về phía cầu của nền kinh tế

(1) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,6%). Mặc dù doanh thu tháng 6 giảm nhẹ nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng đầu năm của các địa phương vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 2,1%; Hải Phòng tăng 5,9%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,7%; Cần Thơ tăng 6,9%. Nguyên nhân chủ yếu do tháng 4 năm 2020 thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước nên người dân hạn chế ra ngoài mua sắm (doanh thu Ttáng 4/2020 đạt khá thấp 87,29%). Ngoài ra, doanh thu một số nhóm ngành hàng tăng cao như lương thực, thực phẩm chiếm 33% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, tăng 7,8%, do đây là nhóm hàng hóa thiết yếu đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

(2) Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tổng vốn FDI đăng ký chỉ giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng vốn FDI thực hiện tăng 6,8% trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên nhiều quốc gia, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã xem Việt Nam là điểm đến an toàn để đầu tư do thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua.

 (3) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn duy trì tăng trưởng ổn định và ở mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn và các thị trường có FTA với Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

- Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016[4]; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.

Phóng viên: Được biết Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu quy mô GDP đánh giá lại giai đoạn 2010-2017. Vậy từ năm 2021, Tổng cục Thống kê biên soạn GDP theo quy mô GDP cũ hay quy mô GDP được đánh giá lại?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị HươngTổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, kết quả đánh giá lại phản ánh sát thực, đầy đủ hơn bức tranh kinh tế Việt Nam. Theo đó, bình quân mỗi năm trong giai đoạn này quy mô GDP tăng thêm 25,4% so với số liệu GDP đã công bố trước đó. Kết quả đánh giá lại này đã được công bố, giải trình, làm rõ tại cuộc họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 13/12/2019[5] cùng với sự tham dự của Trưởng đại diện, chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF), chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và các chuyên gia kinh tế trong nước. Tổng cục Thống kê tiếp tục biên soạn GDP theo hai dãy số liệu (quy mô cũ và quy mô đánh giá lại của các năm từ 2018-2020). Trong đó, quy mô cũ phục vụ đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII; quy mô đánh giá lại phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Như vậy, giai đoạn 2010-2020 số liệu về GDP được phản ánh trên cả 2 dãy số liệu theo quy mô cũ và quy mô đánh giá lại.

Kể từ năm 2021, Tổng cục Thống kê biên soạn GDP theo số liệu đã được đánh giá lại giai đoạn 2010-2020. Số liệu tăng trưởng quý I, quý II và 6 tháng đầu năm 2021 vừa được công bố biên soạn dựa trên số liệu năm 2020 đã được đánh giá lại.

Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang tiến hành Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 để thu thập thông tin năm 2020 của toàn bộ các đơn vị sản xuất (gồm doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khác). Sau khi có kết quả Tổng điều tra, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật số liệu chính thức GDP đánh giá lại của 3 năm 2018-2020. Sau đó sẽ biên soạn và công bố ấn phẩm về GDP, GRDP và các chỉ tiêu liên quan của giai đoạn 2010-2020 cho cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.      

Phóng viên: Một số chuyên gia cho rằng tăng trưởng 6 tháng đầu năm khó đạt được con số 5,64% vì so với cùng kỳ năm trước tiêu dùng thấp hơn, tích lũy tương đồng và lại nhập siêu. Xin Bà giải thích rõ điều này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị HươngTheo phương pháp sử dụng, 6 tháng đầu năm 2021 tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56%; tích luỹ tài sản tăng 5,67%; xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 24,05% và 22,76% .

 Tuy nhiên, theo quy mô cũ, GDP theo phương pháp sử dụng trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 như sau: tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng 0,69%; tích luỹ tài sản tăng trưởng 1,93%, xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ giảm 0,31%; nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ giảm 2,54%. Như vậy, tiêu dùng và tích lũy 6 tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh (tăng 32,2%) so cùng kỳ; trong đó, gần 94% trị giá hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất (máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu) phục vụ cho sản xuất trong nước.

Do đó, nhận định cho rằng căn cứ vào số GDP theo tiêu dùng thì sẽ không đạt tăng trưởng 5,64% vì so với cùng kỳ năm trước, tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn, tích luỹ tài sản tương đồng và lại nhập siêu là chưa chính xác.

Phóng viên: Theo nhận định của Tổng cục Thống kê “Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước”, Bà có thể làm rõ tác động của các yếu tố này đến CPI như thế nào? Và đâu là các nguyên nhân chính kiềm chế CPI 6 tháng đầu năm nay để đạt mức tăng bình quân 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị HươngCPI tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước do tăng giá một số mặt hàng chủ yếu sau: (1) Giá nhiên liệu tăng cao đã làm cho nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước là 1,07% (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 12/5/2021; 11/6/2021 và 26/6/2021, trong đó giá xăng E5 tăng 1.340 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 1.380 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.340 đồng/lít; (2) Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm), trong đó: chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 1% và tăng 0,26% do các đợt nắng nóng trong tháng; chỉ số giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,26% theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

 Tuy nhiên, bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, do một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bởi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới như giá xăng, dầu..., làm cho giá các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng tăng lên; điểm cần lưu ý thêm CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 ở mức khá cao tăng 4,19%, chỉ số CPI năm nay được so sánh với nền chỉ số cao của năm trước nên kiềm chế mức tăng CPI so cùng kỳ của năm nay.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI 6 tháng đầu năm 2021 như sau:

+ Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.440 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.250 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.740 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17,01%, làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm.

+ Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 4 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 6 tháng giá gas tăng 16,51% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm.

+ Giá dịch vụ giáo dục 6 tháng tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

+ Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm).

+ Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng đầu năm nay tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm 2021:

+ Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 4,15%, giá thịt gà giảm 2,04%.

+ Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020) và quý IV năm 2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021). Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm 2021 giảm 3,06% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.

+ Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 6 tháng đầu năm giảm 3,41% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 17,05%; giá du lịch trọn gói giảm 2,85%.

+ Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bà./.

_________________________________________

 

[1] Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) những tháng đầu năm 2021 hoạt động ổn định và có mức tăng khá cao. Sản lượng sản phẩm Sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 20,4%; sản phẩm Thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm tăng 35,8%.

[2] Sản phẩm Xe có động cơ chở dưới 10 người tăng 37%, trong đó Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda có sản lượng 6 tháng tăng 50,5%; Công ty TNHH Vinfast có sản lượng tăng 73,6% nguyên nhân do doanh nghiệp đã đã chủ động, có kế hoạch thích ứng với dịch Covid-19 để duy trì sản xuất kinh doanh. Sản phẩm Xe có động cơ đốt trong chở từ 10 người trở lên của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Sản Xuất Và Lắp Ráp Ô Tô Du Lịch Trường Hải 6 tháng tăng 111,1%

[3] Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016-2021. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 6 tháng đầu năm các năm 2016-2021 lần lượt là: 54,5 nghìn doanh nghiệp;  61,3 nghìn doanh nghiệp; 64,5 nghìn doanh nghiệp; 67 nghìn doanh nghiệp; 62 nghìn doanh nghiệp và 67,1 nghìn doanh nghiệp.

[4] Tốc độ tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,72%; tăng 4,15%; tăng 3,29%; tăng 2,64%; tăng 4,19%; tăng 1,47%.

[5] Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 – General Statistics Office of Vietnam (gso.gov.vn)


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top