Phát triển kinh tế - xã hội huyện Trực Ninh - Những kết quả nổi bật

25/07/2022 - 10:03 AM
Từ một huyện thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, nhưng do phát huy tốt nội lực, tranh thủ ngoại lực, cùng tinh thần đoàn kết một lòng ra sức xây dựng quê hương của toàn thể nhân dân, nên huyện Trực Ninh (Nam Định) đã đạt được kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng không ngừng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên.

Vượt đại dịch để phát triển
Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng kinh tế của huyện Trực Ninh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 8%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp (tính theo giá so sánh năm 2010) của huyện đạt 8.398 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 còn 0,32%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 61 triệu đồng/năm.

 
Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Trực Ninh – Nam Định
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Huân chương Lao động hạng Nhất của
Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trực Ninh

 
Đặc biệt, sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2017, huyện Trực Ninh tiếp tục dồn sức người, sức của để giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM. Nhờ đó, đến nay huyện Trực Ninh đã có 10 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020; 11 xã, thị trấn còn lại đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021; có 30 thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn mô hình NTM kiểu mẫu. Cơ sở vật chất các trường học, cơ sở giáo dục ngày càng được tăng cường. Nhiều trường học được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 64/68 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó trên 50% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ II và 60/68 trường học đạt chuẩn xanh-sạch-đẹp-an toàn.
Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tích mới. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Mạng lưới y tế được củng cố về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sỹ, đáp ứng tốt nhiệm vụ khám và chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay 21/21 xã, thị trấn của huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93%. công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khoẻ nhân dân.

 
Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Trực Ninh – Nam Định 1
Trường THCS Trực Thái - huyện Trực Ninh được xây dựng khang trang sạch đẹp
 
Đáng chú ý, giáo dục và đào tạo có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã linh hoạt ứng phó với dịch bệnh, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh và tận dụng tối đa “thời gian vàng” tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo tất cả học sinh đều được học tập. Năm học 2021 - 2022, huyện Trực Ninh có hàng nghìn học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Trong đó thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh đạt giải Nhất, xếp thứ 2/10 huyện, thành phố; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xếp thứ 1/10 huyện, thành phố.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư
Trong điều kiện ngân sách hạn chế, huyện Trực Ninh đã chủ động nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, làm cơ sở để quy hoạch các ngành, lĩnh vực, từ đó tập trung và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng với ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân, huyện Trực Ninh đã làm mới, cải tạo, nâng cấp 73km đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn đạt tiêu chuẩn cấp 3, cấp 4 đường đồng bằng; 13,9km đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp 5 đường đồng bằng; hơn 221km đường trục xã đạt cấp 5, cấp 4 đường đồng bằng. Toàn huyện đã xây mới, sửa chữa 5,5km đê và cứng hoá 12,3km mặt đê; kiên cố hoá 18,17km kênh cấp 1, cấp 2; xây mới 329 phòng học, sửa chữa 227 phòng học, phòng chức năng.

 
Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Trực Ninh – Nam Định 2Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Trực Ninh – Nam Định 3
Tỉnh lộ 488B dài 21km đoạn giao cắt với QL 21 kết nôi huyện Trực Ninh Với huyện Nam Trực
mới khánh thành và đưa vào sử dụng tạo thuận tiện cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân

 
Huyện cũng khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch và công trình xử lý rác thải. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 nhà máy cung cấp nước sạch (trong đó có 2 nhà máy nước sạch quy mô liên xã), 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% các xã, thị trấn có khu xử lý rác thải tập trung với 10 bãi chôn lấp, 8 lò đốt (trong đó có 2 lò đốt quy mô liên xã); tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đến năm 2020 đạt trên 90%. Đồng thời, huyện cũng phát động phong trào cải tạo môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; mở rộng mô hình tuyến đường nông thôn trồng cây bóng mát, trồng hoa, có hệ thống điện chiếu sáng riêng biệt và thường xuyên được vệ sinh định kỳ.

Hệ thống hạ tầng viễn thông, điện lực cũng được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Vừa qua, huyện còn được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu đô thị thị trấn Cát Thành. Mục tiêu của dự án là hình thành khu đô thị văn minh, hiện đại góp phần điều chỉnh mật độ dân cư, tạo quỹ đất đấu giá tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở cho nhân dân. Việc hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư phát triển đã tạo nền tảng vững chắc để huyện Trực Ninh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện 
Huyện Trực Ninh luôn xác định doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng thu cho ngân sách nhà nước, từ đó tạo nguồn lực để kiến thiết cơ sở hạ tầng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Trực Ninh luôn đồng hành và tạo điện kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển thông qua việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thông thoáng, hấp dẫn. Trực Ninh được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Nam Định về cải cách thủ tục hành chính. Các quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh ( nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp đều được công khai trên trang thông tin điện tử của huyện.

Bên cạnh đó, huyện đã lập và điều chỉnh kịp thời các quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch chung các thị trấn và quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư. Để tạo quan hệ tin cậy, gắn bó giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương, huyện Trực Ninh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư bằng cách tháo gỡ nút thắt TTHC cho các dự án đăng ký mới, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thông qua việc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến thực hiện các dự án, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án tiếp cận với các chính sách ưu đãi theo quy định ...

 
Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Trực Ninh – Nam Định 4
Công ty TNHH Giầy AMARA Việt Nam trên địa bàn huyện Trực Ninh đang gải quyết việc làm
và tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động 

 
Nhờ tinh thần cầu thị và đồng hành cùng doanh nghiệp, huyện Trực Ninh đã trở thành điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2017-2021, tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Trực Ninh đạt trên 12.437 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện gần 46 triệu USD. Huyện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, quy mô lớn, đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn, như: Công ty phát triển và đầu tư Duy Minh, Công ty Giày Hiệp Tân, Công ty May 9, Công ty May 1 Nam Định, Công ty TNHH Minh Tiến, Công ty VLXD Ninh Cường, Đức Thiện, Việt Hùng,… và thu hút nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Công ty TNHH Giầy AMARA Việt Nam; Công ty TNHH Dream Plastic; Công ty TNHH Sung Won Vina và Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trực Ninh có 15 làng nghề và 534 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho gần 46 nghìn lao động. Huyện Trực Ninh hiện có 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 48,66 ha. Theo quy hoạch đến năm 2025, huyện sẽ có 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 127,66 ha, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư, qua đó tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trực Ninh thời gian tới./.
Thành Nam

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top