Những năm tháng gắn bó với ngành Thống kê

29/04/2021 - 05:02 AM
LTS. Ngành Thống kê với bề dày lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển, đã có lớp lớp cán bộ đi trước và lớp lớp thế hệ sau tiếp bước cùng góp bao công sức xây dựng Ngành. Ông Hoàng Trình, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (1974-1984) là một trong những bậc tiền bối góp công xây dựng ngành Thống kê vững mạnh như ngày nay.
 
Dưới đây, Tạp chí Con số và Sự kiện giới thiệu một phần mảnh ghép cuộc đời của Ông (trích từ Hồi ký Qua những chặng đường), là thời gian ông gắn bó bao tâm huyết với ngành Thống kê, từ khi ông nhận nhiệm vụ về làm Tổng cục trưởng Ngành cho đến khi về hưu (tít bài do Ban biên tập đặt).
 
 
Những năm tháng gắn bó với ngành Thống kê 1
Ông Hoàng Trình
Nguyên Tổng cục trưởng TCTK
từ năm 1974 đến năm 1984
Ông Hoàng Trình (1920-2013), sinh tại Thừa Thiên Huế (trong cuộc đời công tác của mình). Ông đã trải qua nhiều lĩnh vực và đảm nhận những vị trí quan trọng: Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Công nghiệp (1954), Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Phủ Thủ tướng (1960), Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (năm 1964), Thứ trưởng, ủy viên Ủy ban Kế hoạch (1965), Thứ trưởng thường trực Bộ Vật tư (1969), Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (1974-1984). Ông đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (1999).


Tháng 8 năm 1974, tôi được Chính phủ cử làm trưởng đoàn kinh tế chính phủ đi đàm phán chuẩn bị cho đoàn chính phủ chính thức sẽ ký vào cuối năm với Liên Xô và các nước Đông Âu. Tháng 11 năm 1974 kết thúc đàm phán, tôi về đến sân bay Gia Lâm, đồng chí Bộ trưởng Bộ Vật tư ra đón tôi tại sân bay (hẳn là trường hợp ngoại lệ) và đưa cho tôi quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng điều động tôi đến nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Tôi cầm bản quyết định mà bứt rứt trong lòng: Vì sao phải điều động tôi làm thống kê? Tuy tôi có học thống kê kế hoạch trong một lớp cán bộ cao cấp do giáo sư Liên Xô giảng năm 1956 và một lớp tại trường cán bộ cao cấp của Ủy ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô năm 1963, nhưng tôi đâu có phải là chuyên gia thống kê. Một việc lớn như vậy sao không hỏi xem cán bộ có đảm đương được công việc hay không rồi hãy ra quyết nghị? Thực lòng mà nói, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rời bỏ ngành vật tư cả. Tôi đang làm việc xây dựng ngành vật tư đầy hào hứng.
 
Cả chiều hôm đó tôi cứ suy nghĩ mãi, biết làm sao bây giờ? Đã là Đảng viên, khi Đảng giao nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng làm cho kì được. Quyết định đã kí rồi, lẽ nào lại khước từ. Phải có ý thức kỷ luật. Thôi, cứ vừa làm vừa học, dựa vào cán bộ của ngành, lắng nghe họ, chắc sẽ thắng lợi, đừng để phụ lòng tin của Đảng.
 
Sáng hôm sau, đến gặp đồng chí Bộ trưởng Trần Danh Tuyên, đồng chí khuyến khích tôi và nói rằng đồng chí rất mến và tin cậy tôi, nếu đi làm việc gì khác thì đồng chí phản đối, nhưng đây là để lãnh đạo cả một ngành quan trọng nên đồng chí phải đồng ý. Sau đó, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị gọi tôi lên thông báo tình hình ngành Thống kê và giao nhiệm vụ cho tôi tiếp tục xây dựng Ngành, trước hết lấy sự đoàn kết nội bộ làm đầu. Tôi trình bày những khó khăn trong lĩnh vực công tác mà tôi chưa từng làm, và xin đồng chí hết sức giúp đỡ để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tôi rất cám ơn đồng chí Nguyễn Đức Dương (nguyên Tổng cục Trưởng TCTK nhiệm kỳ 1961-1974), người tiền nhiệm của tôi, đã truyền đạt mọi chi tiết trong công tác, kể cả năng lực, tính tình từng cán bộ từ phó phòng trở lên. Tôi cũng được cán bộ ban Tổ chức Trung ương Đảng giới thiệu cụ thể về từng cán bộ chủ chốt… Thế là tôi làm công tác thống kê!

Phải nói rằng, ở đây có rất nhiều thuận lợi: Ngành Thống kê nước ta tuy còn non trẻ nhưng đã có đội ngũ cán bộ được đào tạo tốt, nắm vững nghiệp vụ, hầu hết đã tốt nghiệp đại học, nhiều người có học vị phó tiến sĩ. Nhiều đồng chí đã chiến đấu lâu năm, là sĩ quan quân đội, là cán bộ dân chính Đảng chuyển đến. Tôi dựa vào đội ngũ đó, duy trì mọi nề nếp làm việc như cũ, không thay đổi gì về mặt tổ chức và cán bộ. Công tác tổ chức cán bộ hết sức trọng yếu và phức tạp, nó quyết định sự thắng lợi hay không của cả bộ máy, cần phải nghiên cứu chín chắn, không thể nghe ý kiến của người này hay người khác, thiếu khách quan mà thay đổi vội vàng. Tối nhấn mạnh đến việc đoàn kết, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã giao phó: Đó là làm sao cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Những năm tháng gắn bó với ngành Thống kê 2
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Hoàng Trình trao cờ cho Đơn vị dẫn đầu thi đua năm 1977
 
Việc trước tiên là tiếp tục thi hành quyết định của Chính phủ về việc tách Chi cục thống kê tỉnh ra khỏi Ủy ban kế hoạch tỉnh, giao trực thuộc Tổng cục Thống kê, ban hành giữa năm 1974. Tôi cùng một số cán bộ của Vụ Tổ chức cán bộ đi tiếp nhận bàn giao giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Tổng cục ở các tỉnh Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh… Tháng 1 năm 1974, được tin ta chiến thắng giòn dã ở Phước Long rồi giải phóng thêm nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi nghĩ có thể một số tỉnh nữa sẽ được giải phóng. Cần phải chuẩn bị cán bộ để tổ chức bộ máy thống kê ở các tỉnh miền Nam. Thống kê tình hình các mặt kinh tế xã hội là việc cấp bách cần thiết cho lãnh đạo các tỉnh và Trung ương, không chuẩn bị ngay thì sẽ bị động. Được sự đồng ý của ban Thống nhất Trung ương, lúc đó do đồng chí Đặng Thí là Trưởng ban, người cũng đã từng làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (từ năm 1958-1963), nên chủ trương này mau chóng được thông qua và trình Chính phủ phê duyệt. Trong tháng 2-1974, Tổng cục đã sắp xếp nội bộ cơ quan Tổng cục và Cục Thống kệ các tỉnh, điều động hơn 50 cán bộ từ Cục phó đến Trưởng, Phó phòng đa số là người miền Nam xung phong quay về quê nhà. Số cán bộ này được tập trung về ban Thống nhất học tập các chủ trương chính sách về miền Nam và rèn luyện cơ thể: Đêm đêm anh em phải mang vác 20 viên gạch, tập đi bộ 3-4 tiếng đồng hồ, chuẩn bị leo núi vào miền Nam.


Ngày 10 tháng 3 năm 1975, tôi là ứng cử viên Đại biểu quốc hội khóa V, đang đi tiếp xúc cử tri lại Yên Bái thì được tin giải phóng Buôn Ma Thuột. Chiến dịch giải phóng miền Nam bắt đầu rồi. Tôi quay về Hà Nội và tiễn anh em cán bộ đi “B” lên đường. Thế là khỏi đi bộ, anh em đi tàu lửa vào Vinh rồi đi ô tô theo đường 559 vào Tây Ninh. Sài Gòn giải phóng được 3 ngày, đội quân thống kê đã có mặt và tiếp quản ngay cơ quan thống kê của ngụy quyền Sài Gòn. Đoàn cán bộ được phân phối về các tỉnh. Linh, Huỳnh về thành phố Hồ Chí Minh, Ẩn về Bến Tre, Nghĩa về Long An, Tân về Cà Mau, Nguyên về Đồng Nai… Rồi tiếp điều động thêm cán bộ miền Bắc vào bổ sung cho miền Nam như Tâm, Huệ vào thành phố Hồ Chí Minh, Đại về Phú Khánh, Anh về Quảng Nam Đà Nẵng… Các đồng chí đó đã làm tốt công tác của mình, có đồng chí đã tham gia tỉnh ủy hoặc làm chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh. Bộ máy thống kê cấp tỉnh ngày càng được củng cố, nhà làm việc được xây dựng khang trang, thiết bị thông tin tính toán được tăng cường, bộ máy thống kê cấp huyện, xã được xây dựng hoàn chỉnh trong cả nước.

Công tác thông tin báo cáo của Tổng cục được chú ý, ngày càng nhanh, kịp thời, chất lượng khá tốt. Các cuộc Điều tra dân số năm 1976 ở miền Nam, Tổng điều tra dân số toàn quốc 1979, cũng như cuộc Tổng điều tra ruộng đất được tiến hành khá tốt, tổng hợp số liệu nhanh. Chúng tôi quan tâm đến việc phân tích tình hình, từ các số liệu thu thập được, rút ra những số liệu “thứ cấp” có tính chất đối chiếu so sánh. Trong Đại hội lần thứ IV của Đảng năm 1976, tôi trình một“tờ bướm” tóm tắt tình hình kinh tế được Chủ tịch đoàn cho phép lưu hành trong Đại hội. Rút kinh nghiệm này, tại Đại hội lần thứ V năm 1982, với sự góp sức của Vụ Tổng hợp và Viện Khoa học Thống kê, Tổng cục đã soạn một tập tài liệu dày 68 trang, phân tích tình hình kinh tế xã hội 5 năm 1980-1985, nêu lên 13 vấn đề và nhiều số liệu so sánh, được phép lưu hành trong Đại hội. Các đại biểu đại hội hoan nghênh báo cáo này vì làm sáng tỏ tình hình lúc bấy giờ, bổ sung cho các báo cáo chính thức của Đại hội. Đặc biệt tháng 7 năm 1979, để chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ 9 Trung ương Đảng khóa IV, với sự góp sức của tiến sĩ Tường, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thống kê, tôi đã soạn một tờ trình gửi các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư Trung ương, phân tích và kiến nghị một số vấn đề bức xúc lúc đó như vấn đề quản lý lương thực, thu mua thịt lợn, tổ chức hợp tác xã, vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, vấn đề tiền lương… Nhưng vì sự việc chưa chín muồi và trình bày chưa đủ lý lẽ nên bản kiến nghị này không được chấp thuận. May thay, tinh thần của những kiến nghị này, sau này đã được thể hiện trong các chủ trương trong“đổi mới tư duy” của Đảng tại Đại hội lần thứ VI.
 
Tính toán là một khâu yếu, từ năm 1973-1974, Tổng cục có một dàn máy tính Minsk 22 cồng kềnh chiếm cả một căn nhà và những máy tính Robotron chậm chạp. Thiết bị văn phòng chỉ có máy đánh chữ và máy in quay tay. Năm 1978, tôi đi dự Hội nghị thống kê Hội đồng Tương trợ Kinh tế; và sau đó được tham quan công tác thống kê một số nước nên đã vận động bạn tài trợ cho ta một số máy như máy in chụp, máy in sê-len. Trong cuộc Tổng điều tra dân số 1979, Liên hợp quốc viện trợ cho ta 100 máy tính điện tử để bàn và một máy tính mini 6 cũng còn kềnh càng. Lúc bấy giờ máy vi tính chưa ra đời. Chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng một số trung tâm máy tính nối mạng về trong tâm của Tổng cục, tuy nhiên, kế hoạch này không thực hiện được vì không có ngân sách, cho đến khi anh Toàn (nguyên Tổng cục trưởng Lê Văn Toàn), người tiếp nhiệm đã tổ chức được hệ thống máy vi tính nối mạng, hoàn chỉnh.
 
Về quan hệ quốc tế, trước đây chưa hề có ai biết Tổng cục Thống kê của ta, mặc dù ta đã tiến bộ khá nhiều. Giữa năm 1978, ta được mời dự hội nghị ban Thống kê của Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước Xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là SEV, họp tại Dresden (Đức), đoàn ta được đón tiếp nồng nhiệt, mặc dù chỉ là quan sát viên, vì nước ta chưa chính thức gia nhập SEV, nhưng ta vẫn được mời trình bày tình hình bộ máy tổ chức và các thành tựu đã đạt được, cũng như một số số liệu cơ bản. Bản báo cáo của ta được hoan nghênh nhiệt liệt. Trong giờ giải lao, các Cục trưởng đến chào đoàn ta, ngụ ý vui mừng về kết quả công tác thống kê của ta, ngoài sự tưởng tượng của họ vì họ vẫn nghĩ rằng nước ta lạc hậu lắm, có lẽ chưa có cơ quan thống kê. Nói là đoàn nhưng chỉ có tôi và anh Trạc phiên dịch, hai anh em lần đầu tiên đi dự hội nghị quốc tế. Tôi được phát 29 đồng tiền Đức mỗi ngày, anh Trạc được 20, thế mà ăn một bữa hết 21 đồng, đành phải ra phố mua bánh mỳ và xúc xích mang về phòng đóng cửa ngồi nhai. Cục trưởng các nước cứ hỏi tôi, sao các đồng chí không đến ăn? Cái bàn ăn có lá cờ đỏ sao vàng bao giờ cũng bỏ trống. Chúng tôi cười, nói là có bạn mời. Từ đó về sau, trong các phiên họp thường kỳ của Ban Thống kê SEV (mỗi năm hai lần), họ rất tôn trọng đoàn ta, khi nào cũng mời đoàn ta phát biểu ý kiến. Từ hội nghị Dresden về sau, trong chương trình công tác hằng năm của Ban bao giờ cũng có phần thảo luận về sự giúp đỡ dành cho Việt Nam. Liên Xô đã đồng ý mỗi năm nhận bồi dưỡng cho ta một lớp học 30 người, cấp cục trưởng tỉnh trở lên, mỗi lớp kéo dài 3 tháng, miễn phí cả ăn ở. Liên Xô giúp ta máy in chụp, lúc đó rất đắt, Tiệp Khắc giúp ta máy in Sê-len. Ban thư ký của Ban thống kê SEV nhận cán bộ của ta làm việc ở Ban thư ký để dễ hòa đồng công tác với các nước trong SEV, nhất là về mặt so sánh quốc tế. Nhiều nước đã cử cán bộ cấp cao sang thăm và khảo sát công tác thống kê nước ta, như Cục trưởng Cục Thống kê Trung ương Liên Xô, Cục trưởng Cục Thống kê Tiệp Khắc, Cục trưởng Thống kê Hung- ga-ri… Họ đều có cảm tưởng rất tốt đối với ngành Thống kê nước ta.
 
 
(Trích Hồi ký Qua những chặng đường của ông Hoàng Trình,
 
nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời kỳ 1974-1984)
 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top