Những nét khởi sắc trong bức tranh nông thôn, nông nghiệp Hải Dương

03/12/2021 - 09:38 AM
Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có vùng đồng bằng chiếm 89% diện tích tự nhiên do phù sa bồi đắp, đất màu mỡ; khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn tỉnh Hải Dương được quan tâm, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành, đã phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nông dân.

Nhờ đó đến nay, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Hải Dương đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, năm 2020, ngành nông, lâm nghiệp thuỷ sản tăng trưởng 5,7%, đóng góp 0,6 điểm% vào tăng trưởng GRDP; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 5,8% tương đương tăng 398 tỷ đồng; ngành thủy sản tăng 5,7% tương đương tăng 72 tỷ đồng; hoạt động dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nên ít tác động đến tăng trưởng của ngành.

 
Kinh tế - xã hội nông thôn đạt nhiều thành tựu 
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo chuẩn quốc gia về nông thôn mới
Mạng lưới điện khu vực nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cư dân. Tính đến 01/7/2020, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đạt 100% (cao hơn tỷ lệ 99,6% của cả nước). Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phân phối điện khu vực nông thôn trong những năm qua được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện.

Hệ thống giao thông được nâng cấp mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông hóa theo chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 100% xã có đường trải nhựa hoặc bê tông hóa nối từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện, thành phố, thị xã; 100% đường trục thôn; trên 90% đường ngõ, xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2016-2020, số xã có tỷ lệ đường giao thông nội bộ xã/liên thôn; đường nội bộ thôn/ngõ xóm được nhựa, bê tông hóa đạt 100% tăng nhanh. Có 173 xã, chiếm 97,2% có đường trục xã được nhựa, bê tông hóa 100%, tăng 13,1 điểm %. Cơ bản các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (10/12) có tỷ lệ xã có đường trục xã được nhựa, bê tông hóa 100%.

Hệ thống trường học các cấp tiếp tục được đầu tư nâng cấp kiên cố cao tầng với trang thiết bị chuẩn quốc gia. Năm 2020, toàn tỉnh có 178 xã có trường tiểu học, đạt 100% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; 177 xã có trường trung học cơ sở, đạt 99,4%; 178 xã có trường mẫu giáo/mầm non, đạt 100%. Có 344 thôn có trường, lớp mẫu giáo, chiếm 38,9% tổng số thôn; 309 thôn có nhà trẻ, nhóm trẻ, chiếm 34,9%. 99,5% trường học các cấp được kiên cố hóa. Tỷ lệ trường trung học cơ sở được xây dựng kiên cố là 100%, tăng 1,8 điểm%, trường tiểu học là 99,5%, tăng 0,3 điểm%, trường mầm non là 100%, tăng 9,8 điểm% so với năm 2016.

Tại thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn toàn tỉnh có 11 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tăng 57,1%, trong đó có 158 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, tăng 51,9%; 176 trường tiểu học, tăng trên 40%; 159 trường mầm non/mẫu giáo, tăng trên 50% so với năm 2016.

Hệ thống cơ sở y tế tiếp tục được đầu tư đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của cư dân nông thôn. Hệ thống y tế xã phát triển cả về số lượng cơ sở y tế tư nhân, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, cơ sở vật chất và các trang thiết bị khám chữa bệnh. Đến ngày 01/7/ 2020, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo bộ tiêu chí ban hành theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế  là 175 xã, bằng 98,3% tổng số xã. Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, năm 2020, có 59 xã, chiếm 33,2% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân (cả nước 28,6%); có 173 xã, chiếm 97,2% số xã có cửa hàng dược phẩm (nhà thuốc) phục vụ bán thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; có 832 thôn, chiếm 94,0% số thôn có cán bộ y tế thôn.

Mạng lưới chợ nông thôn, cơ sở kinh doanh vật tư, hàng nông sản được nâng cấp, mở rộng là điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2020, cả tỉnh có 134 xã có chợ, chiếm 75,3% số xã (cao hơn tỷ lệ 64,4% của cả nước và tỷ lệ 75,5% của vùng Đồng bằng sông Hồng). Số xã có chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố đạt 88 xã, chiếm 49,4% (năm 2011 đạt 42%, năm 2016 đạt 44%). Cùng với mạng lưới chợ, tỉnh có 165 xã, chiếm 92,7% số xã có cửa hàng cung cấp giống, vật tư và thu mua sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; tổng số cơ sở là 1.775 cơ sở, bình quân 9,9 cơ sở/xã.

Mạng lưới thông tin, thiết chế văn hóa, thể thao phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 176 xã có nhà văn hoá, đạt 98,8% tổng số xã (năm 2016 đạt 74,0%). Hầu hết các huyện đạt 100% số xã có nhà văn hoá. Toàn tỉnh hiện có 885 thôn có nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng chiếm 99,5% (năm 2016 đạt 96,6%), 332 thôn có thư viện, đạt tỷ lệ 37,5%; có 881 thôn có hệ thống loa truyền thanh xã, đạt tỷ lệ 99,5%.

Hệ thống cung cấp nước sạch được phủ kín đến các thôn và vệ sinh môi trường nông thôn được các địa phương quan tâm bảo vệ. Năm 2020, toàn tỉnh có 48 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chiếm 26,9%; hệ thống cấp nước sạch đã được phủ kín đến hầu hết các thôn. Tính đến 01/7/2020, toàn tỉnh có 122 xã và 585 thôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải chung, chiếm tỷ lệ 68,5% số xã và 66,1% số thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ xã xây dựng được hệ thống thoát nước thải chung còn thấp ở một số địa phương.

Để phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Hải Dương đã ưu tiên phát triển các ngành kinh tế theo hướng ít ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Năm 2020, toàn tỉnh có 176 xã có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải, chiếm tỷ lệ 98,8% (năm 201693,4%). Tỷ lệ số thôn có công trình xử lý rác thải sinh hoạt đạt 66,1%, cao hơn bình quân chung cả nước và thấp hơn khu vực Đồng bằng sông Hồng (cả nước 34,7%, ĐBSH 76,4%).
 
Phong trào xây dựng nông thôn mới được sự đồng thuận cao của nhân dân, đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư phát triển nông thôn, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đầu tư gần 25,2 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó: Ngân sách trung ương 1.120,11 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 2.321 tỷ đồng; ngân sách huyện 798 tỷ đồng; ngân sách xã hỗ trợ 2.013 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ và nhân dân đóng góp.

Đến hết năm 2020, có 171/178 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96%; trong đó 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 7,9%; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 07 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới. Sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Hải Dương đã có nhiều thay đổi và có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
 
Đời sống dân cư nông thôn được cải thiện
Năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng trang thiết bị, đồ dùng lâu bền, thiết yếu, hiện đại phục vụ đời sống của hộ ở khu vực nông thôn tăng nhanh so với năm 2016. Tại thời điểm 01/7/2020, tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống đạt 100%, tăng 22,2 điểm % so với năm 2016.
 
Bộ máy lãnh đạo xã được tăng cường

Kết quả điều tra cho thấy, tại thời điểm 01/7/2020 các xã có 741 cán bộ chủ chốt, bình quân mỗi xã có 4 người. Trong tổng số cán bộ xã nêu trên có 32 cán bộ nữ, chiếm 4,3%, tăng 1,7 điểm % so với năm 2016; bình quân mỗi xã có 0,1 cán bộ chủ chốt là nữ. Tỷ lệ cán bộ có bằng cấp đại học và trên đại học tăng từ 53,6% năm 2016 lên 95,9% năm 2020, ngược lại tỷ lệ cán bộ trung cấp, cao đẳng giảm tương ứng từ 44,0% xuống 4,0%. Tỷ lệ cán bộ có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng từ 94% năm 2016 lên 99,1% năm 2020. 
Cùng với đó, điều kiện làm việc của lãnh đạo xã cũng không ngừng được cải thiện. Năm 2020, có 98,3% số trụ sở làm việc của UBND xã được kiên cố hóa, tăng 6,7 điểm % so với năm 2016. 100% trụ sở làm việc của UBND xã có máy vi tính kết nối Internet. Số máy vi tính trang bị cho cán bộ xã sử dụng bình quân 1 xã trong năm 2020 đạt 18,1 máy, trong đó 99,4% số máy vi tính kết nối Internet, tăng 2,5 điểm % so với năm 2016.
 
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển biến tích cực
Năm 2020, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh sử dụng trên 105 nghìn ha, chiếm 63,13% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 tạo ra trên 12,75 nghìn tỷ đồng giá trị tăng thêm theo giá hiện hành (tăng gần 1,3 lần so với 5 năm trước). Trong cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP), năm 2020, lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 9,7% (năm 2016 là 12,0%). Những sản phẩm chủ yếu của tỉnh năm 2020 cơ bản giữ được sự ổn định hoặc tăng mạnh so với 5 năm trước.
 
Sản xuất đang được cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyên môn hóa cao
Số doanh nghiệp và số hợp tác xã, trang trại tăng nhanh, số hộ ngày càng giảm mạnh. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2020 tại thời điểm 01/01/2020, trên địa bàn tỉnh có 365 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản. So với năm 2016, số doanh nghiệp tăng 23 đơn vị (tăng 6,73%). Các đơn vị sản xuất nông nghiệp, thủy sản qui mô lớn, trang trại tăng nhanh qua các năm. Trong khi đó, số hộ có hoạt động chính sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 176,9 nghìn hộ năm 2016 xuống còn 148,9 nghìn hộ năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 3,38%. Về quy mô chăn nuôi, năm 2020, toàn tỉnh có gần 16,2 nghìn hộ có chăn nuôi lợn, giảm 61,7% so với năm 2016; 215,6 nghìn hộ chăn nuôi gà.
 
Sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được mở rộng ở nhiều địa phương, hình thành nhiều vùng chuyên canh hiệu quả kinh tế cao
Ruộng đất được tập trung tích tụ với khâu đột phá là dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Trong giai đoạn 2016-2020, công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng đã được triển khai thực hiện rộng khắp ở các địa phương, theo đó ruộng đất đang từng bước được tập trung tích tụ. Năm 2020, hầu hết các xã của tỉnh Hải Dương đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, nhờ đó diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả tỉnh đã tăng từ 682 m2 năm 2016 lên 1.590 m2 năm 2020.

Sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hình thành các cánh đồng chuyên canh lớn, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất theo hướng tập trung, từ đó từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh chất lượng cao với nhiều mô hình như: Vùng lúa lai, lúa chất lượng cao, hành củ, cà rốt, bắp cải, su hào,… mang lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành.

Thực hiện Chương trình “Cánh đồng mẫu lớn”, tỉnh Hải Dương đã xây đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 -2020”. Với ưu tiên là giữ ổn định diện tích lúa, tăng diện tích trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao, tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao, với diện tích lớn; đồng thời hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung cho thu nhập cao. Điển hình như: Vùng vải thiều ở Thanh Hà; lúa thơm Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ; ổi ở Ninh Giang...

Theo tổng hợp báo cáo của Sở Nông nghiệp tỉnh Hải Dương, năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 221 cánh đồng lớn, tăng 1,76 lần so với năm 2016. Tổng diện tích gieo trồng của cánh đồng lớn năm 2020 đạt 4,6 nghìn ha, trong đó diện tích trồng lúa 3,4 nghìn ha, chiếm 73,49%. Diện tích gieo trồng bình quân một cánh đồng đạt 20,93 ha, trong đó cánh đồng lúa đạt 29,82 ha. Nông dân đã hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2020, toàn tỉnh có trên 29,6 nghìn hộ tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tăng 27,7% so với năm 2016. Bình quân số hộ tham gia một cánh đồng lớn là 134 hộ/cánh đồng. Việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung trong sản xuất nông nghiệp của Hải Dương không những hiệu quả về kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn cả về mặt xã hội giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và góp phần phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, tạo bước đột phá trong nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

Tỷ lệ cơ giới hóa tăng nhanh, đặc biệt khâu thu hoạch, gieo trồng. Số liệu điều tra năm 2020 cho thấy, trên địa bàn tỉnh cơ giới hóa được ứng dụng nhanh vào sản xuất lúa: Làm đất bằng máy trên 98%, gặt lúa bằng máy trên 95% tổng diện tích lúa toàn tỉnh. Nhiều mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy máy và thu hoạch bằng máy giúp năng suất tăng hơn lúa cấy thủ công từ 8-10%, hiệu quả kinh tế tăng trên 10%

Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng ở nhiều địa phương. Đến năm 2020, đã có 20 ha nhà màng, nhà lưới. Các vùng sản xuất chuyên canh theo sản phẩm đặc thù của từng địa phương như rau vụ đông (Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách), cà rốt (Cẩm Giàng), hành tỏi (Kinh Môn), vải thiều (Thanh Hà)... được đầu tư phát triển.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, năm 2020, toàn tỉnh đã có gần 553 ha rau màu, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, gần 8.000 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; 48 cơ sở chăn nuôi tập trung được cấp chứng nhận VietGAP và có khoảng trên 1.100 hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo VietGAP. Bên cạnh đó, người dân đã bước đầu chủ động thực hiện các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người sản xuất với người tiêu dùng. Tỉnh đã xây dựng được 37 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Kinh tế trang trại tiếp tục được quan tâm. Tính đến 01/7/2020 toàn tỉnh có 315 trang trại theo tiêu chí Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, giảm 823 trang trại so với năm 2016 (tiêu chí kinh tế trang trại được quy định theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT). Số trang trại nêu trên đã sử dụng 598 ha đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 48,17%, giảm 555,7 ha so với năm 2016; sử dụng gần 1.200 nghìn lao động, giảm 60,14%, giảm 1.700 nghìn người so với năm 2016; sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành thu được trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2020 của 315 trang trại đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, giảm 40,11%, giảm trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2016.

Doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 31/12/2020 toàn tỉnh có 365 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 14,1% so với năm 2016, trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 6,1 nghìn lao động, bình quân 17 lao động/doanh nghiệp. Doanh thu bình quân một doanh nghiệp đạt 7,2 tỷ đồng, cao hơn nhiều so mức 2,6 tỷ đồng năm 2016; thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 3,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức 1,9 triệu đồng/người/tháng năm 2016.

Hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều chuyển biến trong quản lý và qui mô sản xuất. Tính đến thời điểm 31/12/2020, toàn tỉnh có 269 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 6,6 % so với năm 2016; giải quyết việc làm cho gần 3,7 nghìn lao động khu vực nông thôn, quy mô bình quân 1 hợp tác xã là 14 lao động/HTX. Doanh thu của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 bình quân đạt 5,6 tỷ đồng/hợp tác xã, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt gần 2,3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh những kết quả trên, bức tranh nông thôn, nông nghiệp tỉnh Hải Dương vẫn còn một số điểm hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của một số địa phương, cơ sở vẫn yếu kém; tỷ lệ chợ nông thôn đạt tiêu chuẩn còn thấp, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; một số thôn chưa có nhà văn hóa, chưa có loa truyền thanh kết nối với xã; môi trường sinh thái chưa được xử lý triệt để…
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, khâu tổ chức sản xuất còn hạn chế, chủ yếu vẫn theo hình thức tự sản, tự tiêu. Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ. Quy mô trang trại còn nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Các mô hình kinh tế hợp tác tiên tiến phát triển chậm. Một số hợp tác xã năng lực nội tại còn yếu, thụ động, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Trình độ sản xuất của nông dân vẫn còn thấp, nguồn nhân lực ngành nông nghiệp chưa phát triển chuyên sâu theo ngành sản phẩm có lợi thế, lĩnh vực, chưa có những chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, công tác dự báo, xúc tiến thị trường tiêu thụ chưa mạnh; thông tin và định hướng thị trường; thiếu doanh nghiệp đầu tàu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống còn chậm, sản xuất vẫn mang tính tự phát, chưa có định hướng vùng và sản phẩm, thị trường cụ thể. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, phân tán, sản xuất chủ yếu tập trung vào hộ tiểu nông sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, tỷ suất hàng hóa rất thấp; số lượng doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại chưa nhiều. Dù số doanh nghiệp, hợp tác xã tăng và số hộ liên tục giảm, nhưng đến nay hộ vẫn là đơn vị sản xuất cơ bản, chiếm tỷ trọng lớn. Sản xuất nông nghiệp còn gây tác động xấu đến môi trường, làm suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên…
 
P.V
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top