Những nỗ lực vượt khó ở huyện miền núi Sơn Động

20/04/2022 - 10:06 AM

Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm tỉnh lỵ 80 km về phía Đông Bắc; diện tích tự nhiên 860,27 km2 (chiếm 22% diện tích toàn tỉnh). Dân số toàn huyện khoảng 74 nghìn người với 12 dân tộc cùng chung sống (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,2%). Huyện có 15 xã và 2 thị trấn với 124 thôn, bản, khu phố (trong đó có 14 xã đặc biệt khó khăn, 108 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II); đã có 17/17 xã, thị trấn với 124 thôn bản có điện lưới Quốc gia…

Cách đây hơn 10 năm, huyện Sơn Động bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện nhiều xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đối với huyện Sơn Động là một bài toán khá nan giải do đặc thù địa hình có nhiều khó khăn và mật độ dân cư thưa thớt. Tuy vậy, sau thời gian thực hiện, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đến nay huyện Sơn Động đã đạt được nhiều kết quả bất ngờ trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, diện mạo nông thôn miền núi đã thay đổi, kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thuộc địa giới hành chính thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động
ngày càng thu hút được đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái và hành lễ

 

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ-HU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã Long Sơn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ các tiêu chí để trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Đến tháng 11/2021, các xã trong toàn huyện đã hoàn thành 208/285 tiêu chí, bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã. Năm 2021 bình quân tăng 1,2 tiêu chí/xã, trong đó 11 xã đạt từ 11 đến 15 tiêu chí NTM, 4 xã đạt trên 15 tiêu chí NTM.

Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội huyện Sơn Động đạt nhiều kết quả khá tích cực. Tốc độ giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 10,3% so với năm 2020, trong đó, lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,6%; công nghiệp – xây dựng tăng 12,1%; dịch vụ tăng 7,2%. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm là 7.702,7 ha, đạt 98,5% so với kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 27.672 tấn, đạt 101% kế hoạch, tăng 298 tấn so với năm 2020. Tổng diện tích cây ăn quả đạt 2.391,7 ha, tăng 3264 ha so với năm 2020. Giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 740,4 tỷ đồng. Huyện đã phát triển được một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao và chất lượng như vải lai Thanh Hà, hồng, bưởi da xanh, bưởi Diễn, ổi lai lê, dưa lưới, nấm lim xanh... Năm 2021, trên địa bàn huyện có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là mật ong rừng Sơn Động, măng mai khô Tây Yên Tử và rượu nấm lim xanh.
 

Bộ mặt nông thôn mới huyện vùng cao Sơn Động ngày càng có nhiều khởi sắc. Ảnh: Xuân Thoả
 

Về chăn nuôi, chỉ có đàn trâu giảm 270 con so với năm 2020 do dịch bệnh, còn lại đàn bò, đàn lợn và gia cầm đều vượt kế hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 10.551 tấn, đạt 100% so với kế hoạch. Giá trị chăn nuôi ước đạt 620,7 tỷ đồng. Diện tích mặt nước trên toàn huyện duy trì 155,4 ha, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 362 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 292 tấn, đánh bắt là 70 tấn.

Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 3.988,7 tỷ đồng, tăng 12,1 % so với năm 2020, trong đó sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, ước đạt 754,1 tỷ đồng. Giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đạt 1.840,7 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ đạt 1.067,3 tỷ đồng, tổng mức bán buôn, bán lẻ và hàng hóa dịch vụ thương mại ước đạt 652,4 tỷ đồng, đạt 108,5% so với năm 2020.
 

Với hương vị riêng, thơm ngon, chè Bát Tiên trồng trên địa bàn huyện Sơn Động
được nhiều khách hàng ưa chuộng.

 

Để tạo tiền đề phát triển, huyện đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, quy hoạch chung thị trấn Tây Yên Tử đến 2035, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thị trấn An Châu, xây dựng nông thôn mới 7 xã, 4 xã sáp nhập. Để tăng cường thu hút đầu tư, huyện đã thực hiện đầu tư 245 dự án với tổng mức đầu tư 1.021,6 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến ngày 31/10/2021 đạt 42% kế hoạch. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng 13 tuyến đường trọng điểm và giao thông huyết mạch kết nối đối ngoại với các vùng trọng điểm kinh tế của huyện, giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp đạt trên 95%, cao hơn 3,8% so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Nhờ  đó, dịch vụ kinh doanh vận tải và bưu chính viễn thông có nhiều bước phát triển với 662 cơ sở kinh doanh vận tải, tạo điều kiện cho huyện phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong giai đoạn 2021-2025.

Nhận định về những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, huyện hiện chưa có sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ yếu xuất bán thô, diện tích sản xuất nông – lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít. Về văn hóa xã hội, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục tại một số trường chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiến độ thực hiện một số dự án, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm. Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất mặc dù vượt dự toán tỉnh giao nhưng không đạt kế hoạch huyện giao đã ảnh hưởng đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác xây dựng cơ bản. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện và chất lượng các dự án.
 

Phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm là thế mạnh của huyện Sơn Động
 

Thời gian tới, huyện Sơn Động quyết tâm củng cố, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch gắn với tái cơ cấu các ngành sản xuất, cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư. Cùng với đó, Huyện đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và đô thị theo hướng hiện đại. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sơn Động phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm và xóa hết hộ nghèo là người có công.

Theo đó, lãnh đạo huyện đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2022 đạt từ 10% trở lên. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng chiếm 64,2%, dịch vụ 16%; nông lâm nghiệp và thủy sản 19,8%. Tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp từ 65 triệu đồng trở lên.
 

Gian trưng bày các sản phẩm  OCOP của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh , thị trấn Tây Yên Tử
 

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã để tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, xây dựng và phát triển sản phẩm Viet Gap. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là quản lý tốt diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng trên địa bàn. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 77,5%; phấn đấu trồng rừng tập trung 4.200 ha, thu nhập từ rừng đạt từ 650 tỷ đồng trở lên.

Để tăng cường thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới đầu tư, huyện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” cấp huyện, xã, tăng cường xây dựng chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Song song với đó, huyện cũng đưa ra nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ việc xây dựng và cấp phép xây dựng theo quy hoạch, theo hướng sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng. Kết hợp rà soát các dự án được chấp thuận đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đề xuất xử lý các dự án chậm tiến độ. Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng ở các dự án xây dựng đường giao thông (đường tỉnh 291, đường trục chính thị trấn An Châu, các dự án giao thông nội thị) và các dự án khu dân cư tập trung.
 

Đội văn nghệ thôn Nà Ó, xã An Lạc biểu diễn văn nghệ tại làng du lịch cộng đồng. Ảnh: Tư liệu
 

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo ra sự thay đổi lớn cho các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Động, làm thay đổi thói quen và tập quán canh tác sản xuất, mang lại những chuyển biến tích cực cho đời sống kinh tế, văn hóa xã hội. Từ đó khích lệ ý chí, nghị lực vươn lên thoát đói nghèo, khát vọng làm giàu, ý chí dám nghĩ, dám làm của những người nông dân vùng cao./.
                                                                                             Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top