Những quả ngọt sau thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020

09/07/2021 - 10:12 AM
Trong 10 năm qua, cải cách hành chính được thực hiện gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta.

Cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Trên tinh thần đó, ngày 08/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước cho thấy, CCHC đã được triển khai đồng bộ và đạt được những bước tiến ở tất cả 6 nội dung: Thể chế; Thủ tục hành chính; Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Tài chính công và Hiện đại hoá nền hành chính.
 
Những quả ngọt sau thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020
Ảnh minh họa

Về công tác cải cách thể chế, theo Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 của ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng ban hành khoảng 2.050 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền các địa phương ban hành gần 9.000 văn bản…

Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá, được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, toàn quốc đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.900 điều kiện kinh doanh (khoảng 63%), 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (khoảng 68%). Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.

Bên cạnh đó, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được đẩy mạnh; khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai đồng bộ. Đến nay, ở Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Tại các tỉnh, thành phố, một số địa phương như TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm mô hình đô thị thông minh, chính quyền đô thị, góp phần giảm nhiều đơn vị chuyên môn. Cụ thể, giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục. Ở cấp huyện, giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp. Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị, giảm 557 đơn vị. Về biên chế công chức (tính đến ngày 31/3/2020), các bộ, ngành trung ương giảm 10.284 người so với số giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015 (đạt gần 9%). Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
Những quả ngọt sau thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020
Ảnh minh họa

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư nâng cấp, kết nối thông suốt. Tính đến quí II năm 2020, số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3 cả nước là trên 38,8 nghìn dịch vụ; DVCTT mức 4 cả nước là gần 18 nghìn dịch vụ. Tỷ lệ trung bình hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử tại các địa phương từ năm 2015 đến tháng 3/2020 là 84,44%… Đặc biệt, công tác hiện đại hóa nền hành chính đột phá qua kết quả xây dựng Chính phủ điện tử đã làm thay đổi lề lối, phương thức làm việc theo hướng hiện đại.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, triển khai, áp dụng có hiệu quả và được nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến.

Cũng theo báo cáo, công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan cũng được tăng cường thực hiện. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cũng tăng lên qua từng năm, trong đó, năm 2019 có số lượng đơn vị được kiểm tra nhiều nhất với số lượng 2.950. Công tác kiểm tra đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, đội ngũ công chức, viên chức trong triển khai CCHC của các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Cùng với đó, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong CCHC đã được xử lý kịp thời sau kiểm tra. Đặc biệt, việc công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được tiến hành hằng năm, trở thành một công cụ tốt trong quản lý CCHC, được nhân rộng trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp. Việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hàng năm (SIPAS) đã trở thành thước đo đánh giá khách quan chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việc hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm qua đã thực sự là đòn bẩy để Việt Nam quyết tâm cải cách, nhất là CCHC. Những kết quả đạt được trong CCHC đã giúp Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số, tăng hạng tốt nhất toàn cầu, thể hiện qua hàng loạt chỉ số có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam duy trì xếp hạng cao, năm 2020 xếp thứ 42/131. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trên thế giới. Về chỉ số Chính phủ điện tử, Việt Nam duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay và xếp vị trí thứ 86/193 quốc gia năm 2020, tăng 2 bậc so với 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng còn những hạn chế cần khắc phục trong cải cách hành chính như: Công tác chỉ đạo, điều hành cũng như kiểm tra, giám sát vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, còn mang tính chất hình thức ở một số bộ, ngành và một số địa phương. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thật sự tạo ra sức lan tỏa tới người dân, doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng xã hội. Việc nhân rộng những mô hình, sáng kiến, cách làm hay về CCHC còn hạn chế. Thủ tục hành chính còn rườm rà, tình trạng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn diễn ra. Tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, sử dụng kinh phí nhà nước còn lãng phí…

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được tổ chức vào tháng 3/2021, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tích nước nhấn mạnh, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Trên tinh thần đó, công tác cải cách hành chính ở nước ta trong thời gian tới cần được thực hiện sát sao, có trọng tâm, bám sát mục tiêu đột phá chiến lược đã đề ra.

Trong giai đoạn tiếp theo, CCHC sẽ tập trung thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn; tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để phục vụ người dân tốt hơn. Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cần được xây dựng và tổ chức thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Về các nội dung cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, trong đó chủ yếu là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức hoạt động của nền kinh tế nhà nước. Ngoài ra, cần hoàn thiện về thể chế kinh doanh và cạnh tranh tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Những thể chế này tận dụng tối đa hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền lợi và trách nhiệm, khuyến khích sự năng động, sáng tạo phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Nghiên cứu triển khai các biện pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước thông qua khoa học - công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng Chính phủ điện tử đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và cần được làm tốt hơn; tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các thể chế, văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của việc đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục khắc phục những tồn tại, bất cập để làm cho nền hành chính văn minh, hiện đại hướng đến người dân, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Kết quả CCHC giai đoạn 2011-2020 và những nỗ lực xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 sẽ hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045./.
 
ThS. Nguyễn Thị Hoa - TS. Nguyễn Hữu Cung
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top