Những thành công của chiến lược vắc xin - niềm tin để Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh

31/03/2022 - 09:42 AM
Trong 2 năm vừa qua, cũng giống như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam phải căng mình chống chọi với sự tấn công liên tục của các làn sóng dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và phức tạp hơn trong năm 2021, tiêm vắc xin được coi là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Với quan điểm đó, Việt Nam quyết tâm thực hiện Chiến lược bao phủ vắc xin, nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Để đạt mục tiêu này, chiến lược tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vắc xin trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vắc xin cho người dân.
 
Thực hiện chiến lược vắc xin và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã nhanh chóng nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, phê duyệt các vắc xin. Ngày 01/2/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin đầu tiên AstraZeneca, tiếp đó lần lượt các vaccine: Sputnik V, Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNtech, Moderna, Janssen Hayat-Vax, Abdala và Covaxin cũng được phê duyệt. Như vậy chỉ trong năm 2021vừa qua, Việt Nam đã cấp phép 9 loại vắc xin phòng Covid-19.
 
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn vắc xin vẫn còn khan hiếm trên toàn thế giới và khả năng tiếp cận với nguồn vắc xin bị hạn chế, ngoại giao vắc xin đã trở thành ưu tiên số 1 của Việt Nam. Chính phủ cùng các bộ, ngành đã tăng cường tìm kiếm đối tác, đàm phán, ngoại giao để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Rất nhiều nỗ lực ngoại giao song phương, đa phương đã được đích thân các lãnh đạo cấp cao thực hiện qua các chuyến thăm chính thức, các chuyến công tác, điện đàm… với mục tiêu mang về vắc  xin nhanh chóng, kịp thời. Ngày 24/2/2021, lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên với 117.600 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách của nước ta. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, ngoại giao, Việt Nam đã liên tiếp tiếp nhận các lô vắc xin từ các nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ tháng 2/2021 đến ngày 29/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại khác nhau từ nhiều nguồn: Mua từ nguồn Ngân sách nhà nước 96,9 triệu liều và từ nguồn viện trợ, tài trợ 95,1 triệu liều. Công tác ngoại giao thời gian qua không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận nguồn và nhập khẩu vắc xin mà còn mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, hướng tới khả năng tự cung cấp và đảm bảo nguồn cung vắc xin bền vững trong tương lai.
 
Những thành công của chiến lược vắc xin - niềm tin để Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Song song với đó, Việt Nam tăng cường huy động nguồn lực tài chính, thành lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 vào tháng 6/2021, với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp. Sự ra đời của Quỹ đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của đông đảo nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, kiều bào ở nước ngoài cùng các bạn bè quốc tế, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19, tính đến 17h ngày 20/1/2022, Quỹ đã nhận được sự đóng góp của khoảng 588,3 nghìn tổ chức, cá nhân với số tiền lên đến hơn 8,8 nghìn tỷ đồng. Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 thực sự đã là nguồn lực quý báu và quan trọng, tiếp thêm sức mạnh để Việt Nam chống lại đại dịch, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.
 
Ngay sau khi tiếp nhận các lô vắc xin từ các nước, những liều vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên đã được ưu tiên phân bổ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các tỉnh tâm dịch. Khi lượng vắc xin về nhiều hơn, tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh trên cả nước và được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt, sau thời gian tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, ngày 10/7/2021, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong chiến dịch này, Bộ Y tế là đơn vị nòng cốt, phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, hiệu quả trên cả nước. Có thể nói, đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng nước ta, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y, quân y, công lập, tư nhân.
 
Sau khi chiến dịch tiêm chủng được phát động, cùng với việc Việt Nam liên tục tiếp nhận các lô vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn mua sắm, nguồn hỗ trợ của các nước, cơ chế COVAX… và với sự hưởng ứng của người dân, tất cả các địa phương trên cả nước đã nhanh chóng triển khai tiêm chủng trên quy mô rộng, bố trí các điểm tiêm tập trung, lưu động và tại nhà, với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", "không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào" và "không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19".

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lực lượng y tế các địa phương "đi từng ngõ, gò từng nhà", rà soát từng đối tượng, để không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vaccine, đặc biệt là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao là người trên 50 tuổi và người có bệnh lý nền. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 24/12, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine phòng Covid-19 ở Việt Nam là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số. Đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng chạm mốc 150 triệu liều vaccine, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Tỉ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế 
giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và Việt Nam đã “đi sau về trước”, là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới).
 
Cũng tính đến cuối năm 2021, cả nước có gần 50 tỉnh, thành phố triển khai tiêm mũi 3 (mũi bổ sung, tăng cường), với gần 3 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng. Các tỉnh, thành phố cũng đã triển khai tiêm được hơn 12 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó có gần 7,6 triệu mũi 1 và khoảng 4,5 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là hơn 83 % và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine là gần 50% dân số từ 12 -17 tuổi. Đây được coi là thành công của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, góp phần bảo vệ sức khoẻ của nhân dân trong đại dịch, giúp cả nước "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả" song song với phát triển kinh tế - xã hội.
 
Để tiếp tục thực hiện Chiến lược vắc xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, bên cạnh các hoạt động ngoại giao, đàm phán, nhập khẩu, Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước để đảm bảo có đủ nguồn vắc xin tiêm chủng hằng năm cho người dân, đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng vắc xin để ứng phó với biến chủng mới đáng lo ngại Omicron xuất hiện từ cuối năm 2021.
 
Có thể nói, nước ta đã có một Chiến lược vắc xin đúng đắn và đã chứng tỏ Việt Nam ngày một lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn, vững vàng hơn trong cuộc chiến vừa qua. Sự thành công của Chiến lược vắc xin với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay là một "trái ngọt" trong cuộc chiến chống đại dịch và là niềm tin để Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.
Ngọc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top