Những xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới năm 2019

04/06/2019 - 02:48 PM
Bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2019, bảo hộ thương mại nhiều khả năng tiếp tục gia tăng, trong khi các chính sách thuận lợi hóa thương mại giảm đi. Xu hướng bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các đòn trả đũa thuế quan đã gây nhiều tổn hại trong năm 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết” và thúc đẩy các chính sách bảo hộ, nhằm giảm thâm hụt thương mại với các đối tác toàn cầu. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, EU vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu trong năm 2019 dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày, nhưng lại vướng vào những căng thẳng mới xung quanh vụ bắt giữ lãnh đạo tập đoàn Huawei. Hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy, cả Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài như việc Mỹ đẩy mạnh triển khai chính sách FTA“trục - nan hoa”, trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc gần đây cũng thường xuyên kêu gọi phải tự lực, giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Vì vậy, giới chuyên gia kinh tế đều nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài và leo thang trong năm 2019.

 
Những xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới năm 2019

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động nhiều khả năng tiếp tục kéo dài và tiến triển khó lường, tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 được dự báo giảm và sẽ chỉ tăng trong khoảng 3,5-4% so với năm 2018. Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên nỗi lo sợ về chủ nghĩa chống toàn cầu hóa và nền kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các thị trường riêng rẽ với mức độ bảo hộ cao. Số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010.
 
Tự do hóa thương mại vẫn tiếp tục là xu thế chủ đạo
 
Bên cạnh việc gia tăng bảo hộ thương mại, thế giới cũng chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực trong đẩy mạnh tự do hóa thương mại toàn cầu. Năm 2018, một loạt các hiệp định tự do thương mại như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), FTA Mỹ - Hàn Quốc… được đàm phán thành công và“về đích” đã và đang mang lại động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, Hiệp định CPTPP với sự tham gia của 11 thành viên đã “hồi sinh” và chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018. Giới phân tích dự báo rằng, Hiệp định này sẽ giúp một số nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030; giúp GDP của các nước New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia tăng thêm khoảng 1%. Quan trọng hơn, việc CPTPP chính thức “đi vào cuộc sống” là sự khẳng định xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn, bất chấp “làn gió ngược” của chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa nhiều nền kinh tế. Bên cạnh đó, theo lộ trình, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn tất đàm phán trong năm 2019, cũng là những tín hiệu tốt cho thấy sự hợp tác thương mại tự do vẫn đang là xu thế chủ đạo.
 
Cải tổ thương mại đa phương, thúc đẩy liên kết mới
 
Hệ thống thương mại đa phương, đặc biệt là tổ chức thương mại thế giới WTO đang đứng trước sức ép phải điều chỉnh, thay đổi“luật chơi”. Nhiều khả năng lĩnh vực này sẽ chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhằm khẳng định vai trò và bảo vệ lợi ích trong định hình hệ thống thương mại mới. Hiện nay, nhiều nước thành viên chủ chốt của WTO đã lên tiếng cho rằng cần phải cải tổ WTO, tuy nhiên, quan điểm của các nước đến nay còn nhiều khác biệt. Mỹ cho rằng, WTO phải hiện đại hóa để nâng cao tính minh bạch, việc tuân thủ các quy định, luật lệ, trong đó nổi bật là vấn đề quy chế kinh tế phi thị trường, các khoản trợ cấp lớn dành cho các doanh nghiệp nước ngoài đang tạo tình trạng cạnh tranh không bình đẳng. Ngoài ra, Mỹ cho rằng WTO không cần phải giữ vai trò trung tâm trong hệ thống thương mại đa phương.

 
Những xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới năm 2019 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, nước này cho biết sẽ kiên định tuân thủ và duy trì các nguyên tắc của WTO; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương cởi mở, công khai, bao dung và không phân biệt đối xử; ủng hộ các cải cách cần thiết của WTO như: Hệ thống thống kê thương mại toàn cầu dựa trên chuỗi giá trị toàn cầu và giá trị thương mại gia tăng; quan tâm thúc đẩy các vấn đề mới như thuận lợi hóa đầu tư, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thương mại điện tử…
 
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài và diễn biến khó lường, các biện pháp bảo hộ ngày càng gia tăng, các nước sẽ tiếp tục chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa liên kết kinh tế, hình thành các trung tâm kết nối mới nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Trong đó, các nước lớn đóng vai trò dẫn dắt, khởi xướng và xu thế hình thành các FTA giữa một khối hoặc một nhóm các nước tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), EU, Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU)… đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong đàm phán FTA với các đối tác trong năm vừa qua.
 
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều
 
Sau vài năm khởi phát, nhờ sự phát triển đột phá của nhiều công nghệ nền tảng (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật…), Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển bước ngoặt và trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại.
 
Thời gian tới, CMCN 4.0 sẽ phát triển nhanh, tác động ngày càng sâu sắc nhiều chiều đến kinh tế thế giới và sự phát triển của các quốc gia, đặt ra nhiều vấn đề cho các quốc gia cần xử lý như: Cạnh tranh công nghệ trở thành mặt trận quyết định trong cạnh tranh chiến lược; làm chủ công nghệ mới nhân tố quyết định thắng thua trong cạnh tranh chiến lược và kinh tế toàn cầu; sức mạnh chính trị - kinh tế phụ thuộc vào năng lực sáng tạo làm chủ công nghệ mới.
 
Trong xu hướng này, động lực phát triển quan trọng nhất là đổi mới sáng tạo và nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức và nhân lực có năng lực sáng tạo và thích ứng với công nghệ. Trong khi đó, các yếu tố tài nguyên, lao động chi phí thấp… sẽ ngày càng mất dần lợi thế. Điều này cũng sẽ khiến các nước công nghiệp hóa đi sau gặp nhiều khó khăn hơn, nếu chỉ theo đuổi mô hình công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài FDI; đồng thời đặt ra yêu cầu đánh giá lại các mô hình công nghiệp hóa truyền thống và tìm kiếm các mô hình công nghiệp hóa mới phù hợp với điều kiện của CMCN 4.0./.
 
Trúc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top