Ninh Bình tập trung nâng cao tăng trưởng kinh tế năm 2022

31/12/2022 - 11:28 PM
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra. Triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó tập trung duy trì sản xuất, kinh doanh, nâng cao tăng trưởng kinh tế, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 49.638,8 tỷ đồng, tăng 8,62 % so với năm 2021. Trong đó: giá trị tăng thêm khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) ước đạt 4.526,2 tỷ đồng, tăng 3,04%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; khu vực II (công nghiệp - xây dựng) ước đạt 18.421,3 tỷ đồng, tăng 5,67%, đóng góp 2,16 điểm phần trăm (riêng công nghiệp ước đạt 14.169,0 tỷ đồng, tăng 5,96%, đóng góp 1,74 điểm phần trăm); khu vực III (dịch vụ) ước đạt 17.950,5 tỷ đồng, tăng 15,45%, đóng góp 5,26 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8.740,8 tỷ đồng, tăng 4,99%, đóng góp 0,91 điểm phần trăm.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ. Tiềm năng thế mạnh của tỉnh tiếp tục được khai thác một cách có hiệu quả. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được áp dụng rộng rãi vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ước tính tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 (theo giá hiện hành) đạt trên 81.775,5 tỷ đồng. Chia ra: khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 7.240,5 tỷ đồng, chiếm 8,85%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 30.915,9 tỷ đồng, chiếm 37,81%, riêng công nghiệp đạt 24.280,1 tỷ đồng, chiếm 29,69%; khu vực dịch vụ đạt 30.213,5 tỷ đồng, chiếm 36,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 13.405,6 tỷ đồng, chiếm 16,39%.

Thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tổng thu ngân sách năm 2022 ước đạt 23.300,0 tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán năm và tăng 11,3% so với năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực về cơ cấu thu. Thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) đạt 15.470 tỷ đồng (chiếm 66,4% tổng thu, tỷ lệ này của năm 2021 là 63,4%) vượt 17,3% dự toán và tăng 16,4%. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm là 18.551,3 tỷ đồng, vượt 13,8% dự toán và tăng 17,5% so với thực hiện năm 2021.

CPI bình quân năm 2022 tăng 3,49% so với năm trước. Có đến 09/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và hai nhóm có chỉ số giá giảm. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ, bình quân năm 2022, chỉ số giá vàng giảm 0,42%, chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 3,41% so với năm 2021.

Vốn đầu tư và phát triển. Trong năm 2022, nhiều dự án có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 29.949,7 tỷ đồng, vượt 10,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với năm 2021. Chia ra: vốn Nhà nước đạt 5.531,8 tỷ đồng, tăng 1,2%; vốn ngoài Nhà nước đạt 21.109,7 tỷ đồng, tăng 4,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.308,2 tỷ đồng, gấp 2,1 lần.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: có 28,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV năm nay tốt hơn quý trước; 37,0% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 34,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2023 so với quý IV năm nay, có 32,9% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 30,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, thời tiết diễn biến thất thường, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, mặc dù vậy các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, đưa sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt nhiều kết quả quan trọng: sản lượng lương thực vượt kế hoạch đề ra, công tác tái đàn vật nuôi được thực hiện có hiệu quả, dịch bệnh cơ bản được khống chế; công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được quan tâm, sản xuất thủy sản phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Tính 29/12/2022, đàn trâu ước đạt 12,9 nghìn con, tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò ước đạt 35,1 nghìn con, tăng 2,4%; đàn lợn ước đạt 277,2 nghìn con, tăng 4,1%; đàn gia cầm ước đạt 6,6 triệu con, tăng 2,3%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 62,8 nghìn tấn, tăng 7,6% (+ 4,4 nghìn tấn) so với năm 2021 và đạt 110,5% kế hoạch năm.

Sản xuất lâm nghiệp năm 2022 tập trung chủ yếu vào công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng và khai thác gỗ từ diện tích rừng trồng đến kỳ khai thác. Năm 2022, diện tích rừng trồng mới sơ bộ đạt 269 ha, tăng 21,2% (+ 47 ha) so với năm 2021. Sản lượng gỗ khai thác năm 2022 sơ bộ đạt 23,0 nghìn m3, giảm 9,4% (- 2,4 nghìn m3) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 25,6 nghìn ste, giảm 14,1% (- 4,2 nghìn ste). Diện tích rừng được chăm sóc ước đạt 990,8 ha, giảm 10,6% (- 117,6 ha); diện tích rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh ước đạt 7,08 ha, tăng 16,5% (+ 1,0 ha); diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 11.959,6 ha, tương đương với năm trước.

Năm 2022, ngành Thủy sản tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào việc thâm canh, đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt là phát triển các đối tượng nuôi thủy sản đặc sản góp phần nâng cao sản lượng thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2022 sơ bộ đạt 15,3 nghìn ha, tăng 1,8% (+ 0,3 nghìn ha) so với năm 2021. Diện tích nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh sơ bộ đạt 3,0 nghìn ha, tăng 1,5%. Sản lượng thuỷ sản năm 2022 ước đạt 65,9 nghìn tấn, tăng 5,3% (+ 3,3 nghìn tấn). Việc mở rộng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh đã làm sản lượng tôm năm 2022 tăng mạnh, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 0,5 nghìn tấn, tăng 7,3 %; sản lượng tôm thẻ ước đạt 2,5 nghìn tấn, tăng 19,7%.

Công tác xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 100%); 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 13 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 03 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đã được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ; có 07 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Kim Sơn đang hoàn thiện các tiêu chí để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Sản xuất công nghiệp. Tính chung lại cả năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 4,10%, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,63%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,50%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,39%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,20%. Giá trị sản xuất cả năm 2022 toàn tỉnh đạt 99.560,2 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng đạt 523,4 tỷ đồng, giảm 5,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 97.716,5 tỷ đồng, tăng 7,4%; sản xuất, phân phối điện đạt 1.017,4 tỷ đồng, giảm 2,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 302,9 tỷ đồng, tăng 5,6%.

Cả năm 2022, các sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất tăng khá so với năm 2021 là: dứa đóng hộp 11,7 nghìn tấn, tăng 14,9%; nước dứa tươi 3,8 triệu lít, tăng 58,0%; thức ăn gia súc 30,1 nghìn tấn, tăng 29,4%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Dự tính tháng Mười hai năm nay chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 41,4% so với tháng 12/2021.

Thương mại, dịch vụ. Sau hai năm liền chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trước tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh, nền kinh tế được mở cửa hoàn toàn, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh trong năm 2022 từng bước phục hồi và phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển đột phá cả về chất và lượng.

Trong năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện gần 39.069,9 tỷ đồng, tăng 71,6% so với năm 2021. Tất cả các nhóm hàng đều có tổng mức bán lẻ tăng cao, cụ thể: nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 11.649,2 tỷ đồng, tăng 50,2%; hàng may mặc 2.988,4 tỷ đồng, gấp 2,6 lần; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 4.211,7 tỷ đồng, tăng 87,3%.
 
Ninh Bình tập trung nâng cao tăng trưởng kinh tế năm 2022


Du lịch phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng đột biến kéo theo doanh thu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng trưởng cao. Tính chung cả năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 4.978,0 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần năm 2021 (trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 520,9 tỷ đồng, gấp 2,1 lần; doanh thu dịch vụ ăn uống 4.457,1 tỷ đồng, gấp 2,2 lần); doanh thu du lịch lữ hành gần 4,0 tỷ đồng, gấp gần 4,1 lần. Doanh thu một số ngành dịch vụ khác trong tháng Mười hai ước thực hiện 479,2 tỷ đồng, tăng 84,3% so với tháng 12/2021; tính chung cả năm ước thực hiện 4.651,3 tỷ đồng, tăng 33,0%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa. Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2022 vẫn duy trì đà tăng trưởng. Ước tính tổng giá trị xuất, nhập khẩu cả năm đạt 6.500,5 triệu USD, tăng 5,7% (+ 351 triệu USD) so với năm 2021.

Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt trên 3.182,0 triệu USD, vượt 13,6% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với năm trước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: quần áo các loại đạt 400,9 triệu USD; xi măng, clanke đạt 515,1 triệu USD; giày dép các loại đạt 915,2 triệu USD; camera và linh kiện 861,1 triệu USD; linh kiện điện tử 87,1 triệu USD…

Nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu năm 2022 ước đạt 3.318,5 triệu USD, đạt 107,0% kế hoạch năm và tăng 3,9% so với năm 2021. Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: linh kiện phụ tùng ô tô các loại 1.090,2 triệu USD; linh kiện điện tử 963,7 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày dép 561,9 triệu USD; ô tô 248,3 triệu USD; vải và phụ liệu may 143,9 triệu USD.

Hoạt động du lịch. Sang năm 2022, hoạt động du lịch có bước phục hồi và phát triển trở lại, nhất là sau quyết định mở cửa trở lại đối với khách du lịch quốc tế (từ ngày 15/3/2022). Do đó số lượng du khách đến các điểm thăm quan du lịch trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại. Tính chung lại, tổng số lượng khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình năm nay đạt gần 3.715,3 nghìn lượt, gấp 3,6 lần so với năm 2021, vượt 48,6% so với kế hoạch năm. Chia ra: khách trong nước đạt 3.614,0 nghìn lượt, gấp 3,6 lần; khách quốc tế 101,3 nghìn lượt, gấp 3,5 lần. Số lượt khách đến các cơ sở lưu trú đạt 876,7 nghìn lượt khách, gấp 4,0 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 1.215,9 nghìn ngày khách, gấp 4,2 lần. Doanh thu du lịch cả năm ước thực hiện gần 3.207,6 tỷ đồng, gấp trên 4,6 lần so với năm trước, vượt 81,7% kế hoạch năm. Trong đó: doanh thu lưu trú ước thực hiện gần 520,5 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần; doanh thu nhà hàng 1.408,3 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần.

Một số vấn đề xã hội. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên; công tác an sinh xã hội được đảm bảo; công tác giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm. Trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Trong năm, đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trên địa bàn tỉnh mang tầm quốc gia, quốc tế. Dân số trung bình năm 2022 tỉnh Ninh Bình sơ bộ đạt 1.010,8 nghìn người, tăng 0,3%  (+ 3,2 nghìn người) so với năm 2021. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước tính 489,5 nghìn người, tăng 0,5% so với năm trước. Trong năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20,5 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu lao động gần 1,6 nghìn trường hợp; tổ chức đào tạo nghề cho 17,5 nghìn lao động; tư vấn, tư vấn giới thiệu việc làm cho 30,0 nghìn lao động.

Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiệncác chính sách đã đến được với người dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả tốt. Công tác bảo trợ xã hội và đền ơn đáp nghĩa cũng được thường xuyên quan tâm thực hiện.

Trong năm 2022, ngành giáo dục Ninh Bình đã khắc phục được khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác với tinh thần chủ động, linh hoạt, thích ứng để hoàn thành chương trình năm học 2021-2022 đúng kế hoạch. Quy mô trường lớp các cấp học tiếp tục được duy trì ổn định, toàn tỉnh có 453/469 trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 96,6%; 141/143 xã, phường, thị trấn có 100% trường Mầm non, trường Tiểu học, trường Liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở công lập đều đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 88,8% (tăng 0,4% so với năm trước). Chất lượng giáo dục toàn diện đảm bảo ổn định và nâng cao hơn.

 
Nguồn: Cục Thống kê Ninh Bình

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top