Ninh Thuận: Chuyển mình bứt phá, hướng đến phát triển năng động

27/05/2022 - 02:43 PM

Ngay từ khi tái lập, Ninh Thuận là tỉnh nghèo của cả nước và còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, vượt qua mọi thử thách, cùng nỗ lực phấn đấu để chuyển mình bứt phá và phát triển.

Chuyển mình bứt phá


Chặng đường 10 năm đầu tái lập (từ năm 1992-2000) là thời kỳ tỉnh Ninh Thuận phải đối diện với nhiều thử thách, tập trung khắc phục khó khăn, định hình hướng đi, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ để xây dựng và kiến thiết tỉnh.

Bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI (2001-2010), tỉnh Ninh Thuận thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; qua đó đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá và tương đối toàn diện, quy mô nền kinh tế năm 2010 đạt 8.833 tỷ đồng, tăng gấp 5,7 lần so với năm 2000, tăng bình quân 8,31%/năm.

Mười năm trở lại đây, Ninh Thuận đã nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh, bền vững cùng chiến lược, quy hoạch, tư duy mới. Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 đã tạo cú hích, biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.


 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, trong ba năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Năm 2021, GRDP tăng 9% so với năm 2020, mức tăng cao thứ 4 so các tỉnh, thành cả nước và xếp thứ 1 trong 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,98%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 23,67%, đóng góp 6,98 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 0,02%, đóng góp 0,007 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 3,26%, đóng góp tăng 0,2 điểm phần trăm. GRDP bình quân đầu người trong tỉnh đạt 68,4 triệu đồng/người, gấp gần 50 lần so với năm 1992 (1,37 triệu đồng/người), rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước của tỉnh duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, tăng 441 lần, bình quân tăng 23,4%/năm.

Trải qua chặng đường phát triển, diện mạo của tỉnh Ninh Thuận đã thay đổi nhanh chóng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ; hình thành nhiều khu đô thị, tạo không gian, diện mạo mới. Đến nay, Ninh Thuận đã có 7 huyện, thành phố; trong đó thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã được công nhận đô thị loại II vào năm 2015; Ninh Phước và Ninh Hải được công nhận là hai huyện nông thôn mới.

Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã có cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thủy lợi; hình thành và đang trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Ngành du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều điểm du lịch đang được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia. Các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét.

Song song với quá trình phát triển, tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng và quan tâm chăm lo phát triển con người, công tác an sinh xã hội... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ gần 28,1% (những năm đầu tái lập tỉnh) xuống còn 4,56%. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều chỉ số về phúc lợi xã hội nổi trội so với mặt bằng chung của cả nước; qua đó ngày càng tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh.

Đồng thời, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng-an ninh, đối ngoại của tỉnh đều đạt được những kết quả toàn diện, tạo sự thống nhất cao về ý chí, hành động. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm.

Hướng đến phát triển năng động

Trong giai đoạn 2021-2030, Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,84%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng; kinh tế biển chiếm từ 45-46% GRDP; kinh tế đô thị chiếm 70% GRDP. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thủy sản chiếm 18-19% vào năm 2025 và 12-13% vào năm 2030. Công nghiệp-xây dựng chiếm 42-43% vào năm 2025 và chiếm 47-48% vào năm 2030. Các ngành dịch vụ chiếm 39-40% vào năm 2025 và chiếm 40-41% vào năm 2030 trên tổng GRDP của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Ninh thuận tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện các giải pháp, biện pháp duy trì, cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR-INDEX của tỉnh; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, nhất là năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Tỉnh cũng sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thành đường nối từ cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1A và Cảng biển tổng hợp Cà Ná; hệ thống kết nối, liên thông các hồ chứa, cảng biển tổng hợp Cà Ná; dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná; dự án Cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics...

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đột phá; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện, có nét đặc sắc riêng, nhất là văn hóa của đồng bào Raglai, Chăm; thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.

Những kinh nghiệm, bản lĩnh và thành quả đạt được trong chặng đường 30 năm phát triển sẽ giúp cho Ninh Thuận tiếp tục có thêm động lực, khí thế và tầm nhìn chiến lược mới; qua đó sớm hiện thực được mục tiêu đề ra đưa tỉnh tiếp tục phát triển trong thời gian tới./.
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top