Nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Bắc Giang: Nhìn từ kết quả cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020

08/11/2021 - 03:18 PM
Với trên 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, do đó việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của tỉnh Bắc Giang vừa là mục tiêu, động lực, vừa là công cụ, giải pháp hiệu quả nhất nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
 
Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, các ngành, lĩnh vực được quan tâm đầu tư. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nông dân.
 
Kinh tế - xã hội phát triển, bộ mặt nông thôn mới Bắc Giang có nhiều đổi mới tích cực
 
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 1.802 thôn, giảm 494 thôn so với cách đây 5 năm. Trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh có 397.746 hộ, tăng 1,7% so với 5 năm trước, với 1.507.647 nhân khẩu, bình quân 3,79 người/hộ.
 
Số xã, thôn và số hộ, nhân khẩu nông thôn qua 2 kỳ điều tra 2016 và 2020
 
  Đơn
vị tính
Năm
2016
Năm
2020
2020 so với 2016 (%)
 Số xã 204 184 90,20
 Số thôn Thôn 2.296 1.802 78,48
 Số hộ Hộ 391.087 397.746 101,70
 Số nhân khẩu Người 1.446.715 1.507.647 104,21
 Số hộ nghèo trên địa bàn xã Hộ 49.791 13.074 26,26
 Số hộ cận nghèo trên địa bàn xã Hộ 35.682 16.358 45,84
 
Từ năm 2016, 100% số thôn, xã đã có điện lưới quốc gia, qua đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân nông thôn. Đồng thời cũng góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn.
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá toàn diện, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác. Đáng chú ý là hệ thống giao thông đường trục xã được quan tâm phát triển, với 182/184 xã có đường trục xã được rải nhựa/ bê tông hóa, đạt 98,91% số xã toàn tỉnh. Số xã có đường trục thôn được rải nhựa/ bê tông hóa là 183 xã, chiếm 99,46% tổng số xã... Với cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng cả về bề rộng và chiều sâu là điều kiện hết sức thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
 
Tính đến 01/7/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 100% số xã có trường Tiểu học và trường Trung học sơ sở. Số trường Trung học phổ thông trên địa bàn nông thôn có 20 trường, trong đó 12 trường ở các xã miền núi, 5 trường ở các xã vùng cao trong tỉnh. Với hệ thống trường học được đảm bảo ở toàn bộ các xã, đã tạo điều kiện thuận lợi để học sinh không phải đi học xa, góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học, nhất là các xã ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc đáp ứng về số lượng trường học thì kết quả xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác dạy và học được chú trọng, toàn bộ các trường học đều đã được xây dựng kiên cố, bán kiên cố từ năm 2016 góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
 
Những năm qua hệ thống y tế cơ sở, trong đó y tế xã đóng vai trò nòng cốt, đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ số sức khoẻ, tăng cường tiếp cận của người dân tới dịch vụ y tế chất lượng, giúp người dân tin tưởng và đến khám, chữa bệnh ban đầu tại hệ thống y tế cơ sở, giảm tải bệnh viện tuyến trên, đồng thời giảm chi phí y tế cho người dân. Hệ thống trạm y tế xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp toàn diện cả về số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ cũng như cơ sở vật chất. 100% số xã có trạm y tế, tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố hiện nay
 
đạt 78,80% (năm 2016 đạt 72,55%); bán kiên cố đạt 21,20% (năm 2016 đạt 27,45%). Số bác sĩ trên 1 vạn dân nông thôn đạt 1,70 bác sĩ/vạn dân (năm 2016 đạt 1,78), mức độ giảm này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do nhân khẩu khu vực nông thôn trong 5 năm qua tăng 4,21%.
 
Nhận thức được việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh, bên cạnh đó cũng xử lý có hiệu quả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt tại các làng nghề, trang trại chăn nuôi, khu công nghiệp... Nhờ vậy, môi trường ở khu vực nông thôn đã có nhiều tiến bộ so với các năm trước đây. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh vẫn duy trì 42 xã có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe của cư dân nông thôn. Tính đến 01/7/2020, toàn tỉnh có 89,67% số xã có hệ thống thoát nước thải chung, tăng mạnh so với 5 năm trước (năm 2016 là 45,10%); tỷ lệ thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung là 72,20% (năm 2016 là 31,58%); tỷ lệ xã có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đạt 76,09% (năm 2016 là 62,75%); tỷ lệ thôn có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đạt 63,15% (năm 2016 là 38,07%).
 
Tại thời điểm 01/7/2020, cả tỉnh có 180 xã có nhà văn hóa xã/ hội trường đa năng, chiếm 97,83% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 27,24% điểm phần trăm so với năm 2016; ngoài ra 1.714 thôn có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng, chiếm 95,12% tổng số thôn, tăng 8,84 điểm phần trăm so với năm 2016; 1.584 thôn có khu thể thao thôn/nơi sinh hoạt văn hóa thể thao, chiếm 87,90% tổng số thôn. 100% số xã đã được lắp đặt hệ thống loa truyền thanh, phát huy tốt việc tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, cung cấp kịp thời những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, cũng như các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh...
 
Tại thời điểm 01/7/2020, cả tỉnh có 34 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, chiếm 18,48% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, hệ thống tín dụng, ngân hàng nông thôn thực sự là nguồn cung ứng vốn quan trọng hỗ trợ kinh tế - xã hội nông thôn phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh phát triển đa dạng, số cơ sở chế biến NLTS phát triển cả về số lượng và năng lực, từng bước tạo chuỗi gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của hộ gia đình ở nông thôn, phát triển khu vực dịch vụ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, phát triển làng nghề ở nông thôn.
 
Xác định rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chính sách đã được ban hành góp phần tạo động lực ổn định chính trị - xã hội, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững. Trong năm 2019, trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh có 699 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; gần 60 nghìn hộ được vay vốn ưu đãi thuộc các chương trình, dự án với tổng số vốn vay đạt gần 2.000 tỷ đồng; gần 427 nghìn người được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (xã miền núi 63,44%, xã vùng cao 28,55% và xã thuộc khu vực đồng bằng - trung du 8,01%).
 
Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm. Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 đạt khá ấn tượng, nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 11,72% (khu vực nông thôn 12,70%) và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 8,39% (khu vực nông thôn 9,10%) tổng số hộ, thì năm 2020, tỷ lệ này giảm tương ứng còn 3,14% (khu vực nông thôn 3,42%) và 3,98% (khu vực nông thôn 4,27%).
 
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận
 
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, hàng loạt thể chế, chính sách mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, đã kịp thời bổ sung nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực then chốt, đây chính là đòn bẩy quan trọng tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành nông nghiệp nói chung và sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.
 
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Bắc Giang năm 2020 tạo ra trên 22,5 nghìn tỷ đồng giá trị tăng thêm theo giá hiện hành (tăng 1,35 lần so với 5 năm trước). Trong cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 18,65% (năm 2016 là 24,95%). Những sản phẩm chủ yếu của tỉnh năm 2020 cơ bản giữ được sự ổn định hoặc tăng mạnh so với 5 năm trước, sản lượng lúa cả năm đạt trên 582 nghìn tấn; sản lượng nhãn, vải đạt gần 184 nghìn tấn; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 168 nghìn tấn; thịt gà hơi xuất chuồng đạt trên 44,6 nghìn tấn…
 
 Một số sản phẩm chủ yếu
 
Đơn vị tính: Tấn
 
  Năm 2016 Năm 2020 So sánh 2020/2016 (%)
Cây hàng năm      
Lúa 628.587 582.855 92,72
Ngô 42.983 42.754 99,47
Cây lâu năm      
Cam 10.596 46.296 436,92
Bưởi, bòng 10.360 36.640 353,67
Táo 4.385 10.514 239,77
Nhãn 15.825 18.912 119,51
Vải 148.000 165.066 111,53
Sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng      
Lợn 172.512 168.403 97,62
40.658 44.625 109,76

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều thành tựu
 
Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được khá toàn diện. Phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa và được người dân đồng tình hưởng ứng. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 08 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao), chiếm 69% số xã và đạt 117,4% kế hoạch; có 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đã có quyết định công nhận, đạt 100% kế hoạch.
 
Kết cấu hạ tầng tiếp tục được tập trung đầu tư, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Phát triển sản xuất có nhiều điểm mới, nổi bật, thu hút được nhiều loại hình kinh tế đầu tư vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại hiệu quả; thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, cánh đồng mẫu đạt kết quả cao góp phần thay đổi cách thức sản xuất... Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung thực hiện, các tổ chức, cá nhân dần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
 
Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, thu nhập, điều kiện và mức sống được nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm;
 
văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường từng bước nâng cao chất lượng; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững... đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
 
Kinh tế trang trại phát triển
 
Trong những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đưa sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung.
 
Tính đến 01/7/2020 toàn tỉnh có 463 trang trại, bao gồm 377 trang trại chăn nuôi, chiếm 81,43%; 70 trang trại trồng trọt, chiếm 15,12%; 6 trang trại lâm nghiệp, chiếm 1,30%, 7 trang trại nuôi thủy sản, chiếm 1,51% và 3 trang trại tổng hợp, chiếm 0,65% trong tổng số trang trại.
 
Tổng diện tích đất các trang trại đang sử dụng trên 1.162 ha (tăng trên 233 ha so với diện tích đất các trang trại sử dụng cách đây 5 năm), bình quân 2,51 ha/trang trại (năm 2016 bình quân 1,41 ha/trang trại). Tổng doanh thu của 463 trang trại đạt trên 2.524 tỷ đồng (bình quân trang trại đạt trên 5.452 triệu đồng), trong đó giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản bán ra đạt trên 2.513 tỷ đồng (bình quân trang trại đạt trên 5.428 triệu đồng).
 
Doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản góp phần quan trọng xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao
 
Tính đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 184 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 16,5% so với năm 2016. Thành phần kinh tế hợp tác xã của tỉnh đã có những dấu hiệu tích cực trong quản lý, sử dụng đất đai, lao động, vốn, tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh trên một số lĩnh vực. Quy mô lao động bình quân đạt 9,3 người/ hợp tác xã; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt trên 1,9 triệu đồng/người/tháng (năm 2016 bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng). Kết quả hoạt động của các hợp tác xã và thu nhập của người lao động tuy có tăng so với năm 2016 nhưng vẫn còn thấp, tăng chậm và không đều, không vững chắc, nhất là hợp tác xã dịch vụ thủy nông.
 
Cũng tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 66 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 53,5% so với năm 2016), trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước. Quy mô lao động bình quân đạt 30 người/ doanh nghiệp; kết quả SXKD của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NLTS năm 2020 đạt khá hơn so với năm 2016, doanh thu bình quân đạt 31 tỷ đồng/doanh nghiệp (năm 2016 bình quân đạt 5,6 tỷ đồng/doanh nghiệp); qua đó thu nhập của người lao động cũng dần được cải thiện, bình quân đạt gần 5,1 triệu đồng/người/tháng (năm 2016 bình quân đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng), mặc dù thu nhập của người lao động đã được cải thiện, nhưng vẫn còn có chênh lệch lớn giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các vùng và ngành sản xuất.
 
Tóm lại, từ kết quả cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 cùng với các báo cáo chính thức các năm của ngành, đã cung cấp một bức tranh tổng quát về thực trạng và xu hướng phát triển nông thôn, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang trong 5 năm qua với những chuyển biến tích cực và khá toàn diện.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động sản xuất NLTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn đứng trước một số rủi ro, thách thức, hạn chế: Trong khi năng lực sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng nhanh thì thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường; cùng với đó, năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn thấp. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao và còn bộc lộ những hạn chế, làm cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị chưa trở thành chủ đạo. Thu hút nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; quy mô đất đai bình quân/hộ còn quá nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu. Lao động NLTS chưa được đào tạo còn chiếm tỷ trọng cao, thu nhập của lao động trong khu vực quan trọng này còn thấp. Môi trường sinh thái nông thôn chậm được cải thiện và khắc phục...
 
Hạn chế và bất cập tuy còn nhiều, song Bắc Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp, khắc phục những khó khăn trong quá trình phát triển và thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng./.
 
Phạm Hoàng Tình
Phó trưởng phòng Thống kê Kinh tế, Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top