Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế

23/06/2022 - 02:39 PM
Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cùng với những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, vị thế và uy tín quốc tế của nền kinh tế Việt Nam được khẳng định. Góp phần tô đậm bức tranh kinh tế cả nước trong 10 năm qua là những điểm sáng của ngành nông nghiệp.
 
Theo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 còn 14,8% năm 2020. Nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng được thương hiệu của một số nông sản chủ lực. Nhiều nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với công nghệ hiện đại được đưa vào hoạt động. Các hình thức kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhanh với khoảng 15 nghìn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng; hạ tầng KTXH nông thôn được cải thiện rõ rệt; các thiết chế văn hóa được củng cố, phát huy hiệu quả; chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm so với mục tiêu đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.
 
Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Tổng cục Thống kê cũng đã khắc họa rõ nét hơn bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản những năm 2016 - 2020, cho thấy những điểm sáng, thành tựu nổi bật. Cụ thể, hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng vệ sinh môi trường khu vực nông thôn đều được bổ sung, hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới cung cấp điện bao phủ hầu khắp khu vực nông thôn, vươn tới nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Tại thời điểm 01/7/2020 tất cả các xã và gần 99% số thôn khu vực nông thôn đều đã có điện. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp, bảo đảm tính kết nối cao; hệ thống thủy nông được đầu tư kiên cố hóa, nâng cao năng lực tưới tiêu; hệ thống trường, lớp mầm non và giáo dục phổ thông được nâng cấp, chất lượng dạy và học nâng lên đáng kể; hệ thống y tế cũng được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực. Hạ tầng vệ sinh môi trường nông thôn có những mặt được cải thiện.
 
Điều đáng nói là nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Hình thức sản xuất và quy mô sản xuất được cơ cấu lại phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta được tổ chức theo 3 hình thức sản xuất chủ yếu, bao gồm: Hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra năm 2020, tuy số đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước giảm 1,82% so với năm 2016, song quy mô sản xuất của hộ được mở rộng, đặc biệt là quy mô trang trại. Hiệu quả hoạt động của HTX cũng tăng lên đáng kể. Năm 2019, doanh thu thuần bình quân 1 HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành đạt 2,32 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2015; bình quân mỗi năm tăng 17,55%. Số lượng doanh nghiệp cũng tăng nhanh. Tại thời điểm 31/12/2019, cả nước có gần 7,5 nghìn doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 94,25% so với 31/12/2015, bình quân mỗi năm tăng 906,3 doanh nghiệp. Tổng doanh thu thuần năm 2019 theo giá hiện hành của các doanh nghiệp đạt 168,50 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 22,55 tỷ đồng. Một điểm nhấn trong bức tranh nông thôn, nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 là cơ giới hóa sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại được chú trọng. Máy móc, thiết bị sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất với số lượng tăng đáng kể. Bình quân 100 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,74 ô tô phục vụ sản xuất, gấp 3,89 lần năm 2016; 1,93 máy phát điện, gấp 5,36 lần.
 
Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế trong bức tranh nông thôn, nông nghiệp thời gian vừa qua. Khai thác tiềm năng, lợi thế và sử dụng nguồn lực chưa tạo được đột phá, hiệu quả chưa cao. Các chương trình, dự án đào tạo nghề chưa thật sự phù hợp và hiệu quả nên chất lượng lao động vẫn thấp. Năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động. Kết quả xây dựng cánh đồng lớn cũng rất hạn chế. Đến thời điểm 01/7/2020, chỉ có 1.051 xã có cánh đồng lớn, chiếm 12,68% tổng số xã khu vực nông thôn, giảm 31,51 điểm phần trăm so với năm 2016. Số cánh đồng lớn giảm từ 2.262 cánh đồng năm 2016 xuống 1.657 cánh đồng năm 2020. Mặc dù kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển, nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa cao. Trong kinh tế phi nông nghiệp của khu vực nông thôn, quy mô của các cơ sở sản xuất trong các làng nghề (loại hình sản xuất có đóng góp lớn) vẫn còn khá nhỏ bé. Số hợp tác xã và số doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm 2016 -2020, nhưng chủ yếu là các cơ sở nhỏ nên quy mô sản xuất bình quân càng nhỏ hơn. Các đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ, đầu tư thấp nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những năm vừa qua bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém về bảo vệ môi trường sinh thái. Việc thu gom, xử lý chất thải của khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ và rác thải, nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập.
 
Tại Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương“thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Cụ thể hóa chủ trương trên của Đảng, ngày 28/01/2022, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt theo Quyết định số 150/QĐ-TTg. Chiến lược khẳng định rõ quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
 
Mục tiêu chung của Chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
 
Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành một nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện ở môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
 
Định hướng và nhiệm vụ đầu tiên mà Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra để đạt được các mục tiêu trên là hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, trong đó có yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực. Đối với trồng trọt, đổi mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu; ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng cao...); có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây dược liệu, cây cảnh, nấm ăn... Đối với sản xuất lúa gạo, tiếp tục phát huy lợi thế ngành lúa gạo Việt Nam nhưng với những đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước đạt hiệu quả cao nhất. Đối với chăn nuôi, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước; phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm, trứng, sữa; duy trì chăn nuôi lợn và gia súc lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giữ vững quốc phòng và an ninh.
 
Cùng với nhiệm vụ trên, Chiến lược đặt ra yêu cầu tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến, trong đó chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”, đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới; Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư; Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp; Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu. Có thể thấy, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nông nghiệp Việt Nam sẽ là một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và đặt người nông dân ở vị trí “trái tim” của quá trình phát triển để nông thôn tiếp tục trở thành nền tảng bền vững, là lá phổi của đất nước.
 
Tại buổi bế mạc Hội nghị Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 11/5 mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
 
Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức bởi thế giới sau Covid-19 là thế giới của hội nhập, của cạnh tranh và của biến đổi khí hậu. Những quan điểm của Đại hội Đảng XIII và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là định hướng cơ bản để nông nghiệp tiếp tục là một trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống người nông dân và tạo ra đột phá đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên và hội nhập quốc tế./.
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top