Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020

05/11/2021 - 02:42 PM
Cuộc điều tra Nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 là cuộc điều tra chọn mẫu quy mô lớn trên phạm vi cả nước, được tiến hành vào thời điểm 01/7/2020 theo Quyết định số 1695/QĐ-TCTK ngày 31/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Với sự quyết tâm và nỗ lực trong triển khai và thực hiện, tỉnh Bình Định đã hoàn thành tốt cuộc điều tra và có phác thảo những nét cơ bản về sự đổi thay vùng nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Dưới đây là một số kết quả được tổng hợp từ cuộc điều tra này về tình hình kinh tế - xã hội nông thôn Bình Định.
 
Bình Định là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, tại thời điểm 01/7/2020, tỉnh Bình Định có 01 thành phố, 02 thị xã và 07 huyện, gồm 32 phường, 10 thị trấn và 117 xã; có 30 xã miền núi, 16 xã vùng cao, 01 xã vùng hải đảo và 70 xã vùng đồng bằng, trung du; có 780 thôn, làng.
 
Số hộ và số nhân khẩu khu vực nông thôn có sự biến động chủ yếu giảm, thu hẹp về số xã, thôn. Tại thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn của tỉnh có 265.746 hộ dân cư với 938.335 nhân khẩu. Trong giai đoạn (2016 - 2020), khu vực nông thôn giảm 7,72% về số hộ và giảm 3,45% về số nhân khẩu.
 
Một số nét đổi mới của nông thôn Bình Định qua cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, cho thấy:
 
Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đạt kết quả tương đối toàn diện
 
Những năm qua, với các chủ trương, đường lối chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, bộ máy chính quyền, hệ thống doanh nghiệp cũng như nhân dân Bình Định đã từng bước áp dụng, triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Nông thôn Bình Định từng bước có nhiều đổi mới, phát triển theo hướng bền vững từ kinh tế, xã hội và văn hóa, y tế…
 
Kết quả điều tra cho thấy, tính đến cuối năm 2020, Bình Định có 77/112 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 68,75% (vượt 25 xã so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Định đến năm 2020); bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Cả tỉnh đã có 4 huyện/thị xã/thành phố (Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn và Tuy Phước) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (đạt tỷ lệ 36,36%).

 Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020g

Bộ CHQS tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát

 Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, tại thời điểm điều tra 01/7/2020 Bình Định đã có 64 xã đăng ký sản phẩm OCOP, chiếm 54,7% tổng số xã đăng ký trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Trong đó, 38 xã có sản phẩm được đánh giá, phân hạng, chiếm 59,38% tổng số xã đăng ký sản phẩm với 43 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Trong đó, 15 sản phẩm được đánh giá, phân hạng dưới 3 sao, chiếm 34,88%; 24 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao, chiếm 55,81%; 03 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 4 sao, chiếm 6,98%; 01 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 5 sao, chiếm 2,33%.
 
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và môi trường khu vực nông thôn được tăng cường cả số lượng và chất lượng
 
Theo đánh giá, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn Bình Định về điện, giao thông, thủy nông, trường học, thiết chế văn hóa, trạm y tế và hạ tầng bảo vệ môi trường sinh thái được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, có những mặt đã cơ bản hoàn thiện. Theo đó, cả tỉnh có 100% xã và thôn có điện; Hệ thống lưới điện quốc gia đã bao phủ 771 thôn, chiếm 98,85% tổng số thôn khu vực nông thôn. Tỷ lệ người dân sử dụng điện ngày càng tăng, từ 99,86% năm 2016 lên 99,99% năm 2020.
 
Tại thời điểm 01/7/2020, tỷ lệ xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện chiếm 99,15% tổng số xã khu vực nông thôn. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trụ sở UBND xã trên địa bàn nông thôn cả tỉnh so với tổng số thôn cũng tăng từ 99,42% năm 2016 lên 99,74% năm 2020.
 
Hệ thống trường học các cấp ở khu vực nông thôn tiếp tục được xây dựng mới, mở rộng nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, đã xóa xong tình trạng trường tạm, lớp tạm. Đến nay, tất cả các trường từ mẫu giáo, mầm non đến trường phổ thông đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Theo kết quả điều tra, cả tỉnh có 115 xã có trường mầm non, chiếm 98,29%; 116 xã có trường tiểu học, chiếm 99,15%; 104 xã có trường trung học cơ sở, chiếm 88,89%; 19 xã có trường trung học phổ thông, chiếm 16,24%. Ngoài ra, còn có 521 thôn có lớp mẫu giáo, chiếm 66,79% tổng số thôn; 187 thôn có nhà trẻ, nhóm trẻ, chiếm 23,97% tổng số thôn. 
 
Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020 1
Hội thi phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường tổ chức tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát

 
Thành tựu nổi bật nhất của hệ thống hạ tầng giáo dục khu vực nông thôn những năm qua là số trường được công nhận đạt Chuẩn quốc gia tăng đáng kể. Tỷ lệ đạt Chuẩn quốc gia của các trường mầm non tăng từ 19,40% năm 2016 lên 60,0% năm 2020; tiểu học tăng từ 67,54% lên 85,52%; trung học cơ sở tăng từ 68,10% lên 84,11%; trung học phổ thông tăng từ 10,0% lên 60%. Năm 2020, tỷ lệ đạt Chuẩn quốc gia của trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của các xã miền núi đạt lần lượt là 59,38%, 85,71%,72,76% và 42,86%.
 
Hạ tầng văn hóa, thông tin và thể thao khu vực nông thôn tiếp tục được bổ sung hoàn thiện với nhiều loại hình hoạt động. Tỷ lệ xã có nhà văn hóa tăng khá, từ 58,73% năm 2016, đến năm 2020 đạt 88,89% số xã có nhà văn hóa. Một số huyện, thị xã, thành phố có trên 90% số xã có nhà văn hóa xã (Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh đạt 100%; Phù Cát 94,12%, Hoài Ân 92,86%).

Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020 2
Lễ ký kết Chương trình phối hợp xây dựng nông thôn mới giữa Bộ CHQS tỉnh với UBND xã Cát Tài

Cả tỉnh có 625 thôn có khu thể thao thôn, chiếm 80,13% tổng số thôn và tăng 32,11 điểm phần trăm so với năm 2016; trong đó, các xã miền núi có 115 thôn có khu thể thao thôn, chiếm 62,84% tổng số thôn trên địa bàn và tăng 19,34 điểm phần trăm; các xã vùng cao 88 thôn, chiếm 72,73% tổng số thôn và tăng 44,95 điểm phần trăm; xã hải đảo 3 thôn, chiếm 100% tổng số thôn.
 
Cơ sở hạ tầng xây dựng tương đối đồng bộ, các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao và các hoạt động văn hóa khác được người dân hưởng ứng tích cực, tạo nếp sống đẹp trong cộng đồng dân cư. Tính đến thời điểm 01/7/2020 cả tỉnh đã có 734 thôn được công nhận Thôn/Làng văn hóa, chiếm 94,10% tổng số thôn và tăng 19,45 điểm phần trăm so với 01/7/2016. Đến năm 2020, tỷ lệ số thôn được công nhận Thôn/Làng văn hóa của các xã miền núi tăng từ 75,14% năm 2016 lên 96,72% năm 2020; các xã vùng cao tăng từ 63,33% lên 81,82%; xã hải đảo đạt tỷ lệ 100,0% từ năm 2016; các xã khác tăng từ 76,10% lên 95,26%.
 
Hệ thống cơ sở y tế nông thôn tiếp tục được củng cố, phát triển: Theo kết quả cuộc điều tra, cả tỉnh có 117 xã có trạm y tế xã, đạt 100% tổng số xã. Cơ sở vật chất y tế ngày càng được củng cố và phát triển, trạm y tế xã phần lớn đã được kiên cố hóa. Tỷ lệ xã có trạm y tế xã xây dựng kiên cố năm 2020 đạt 72,65%, tăng 19,47 điểm phần trăm so với năm 2016; tỷ lệ bán kiên cố 27,35%, giảm 19,47 điểm phần trăm.
 
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các tuyến y tế xã, thôn còn được tăng cường về nhân lực, đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2020, cả tỉnh có 102 trạm y tế xã có bác sỹ, chiếm 87,18% tổng số trạm y tế xã, với 107 bác sỹ. Đến thời điểm 01/7/2020, cả tỉnh đã có 115 xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã, chiếm 98,29% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 17,34 điểm phần trăm so với 01/7/2016.
 
Bên cạnh đó, các vấn đề về cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, thu gom rác thải đã từng bước được nâng cấp và cải thiện; Hệ thống thủy nông cũng từng bước được đầu tư kiên cố hóa, nâng cao năng lực tưới tiêu…
 
Dịch vụ hỗ trợ kinh tế nông thôn và kinh tế phi nông nghiệp có bước phát triển mới
 
Tại thời điểm 01/7/2020, cả tỉnh có 21 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, chiếm 17,95% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, không đổi so với 01/7/2016 (nếu không tính 9 xã lên phường của thị xã Hoài Nhơn). Hệ thống tín dụng, ngân hàng nông thôn thực sự đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng hỗ trợ kinh tế - xã hội nông thôn phát triển.
 
Bên cạnh đó, mạng lưới khuyến nông được duy trì, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật tuyển chọn và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Năm 2020, cả tỉnh có 102 xã có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chiếm 87,18% tổng số xã khu vực nông thôn; 113 xã có cán bộ thú y, chiếm 96,58% tổng số xã khu vực nông thôn.
 
Hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh phát triển đa dạng. Tại thời điểm 01/7/2020, cả tỉnh xã có 88,89% điểm/cửa hàng, tăng 0,79 điểm phần trăm so với 01/7/2016; 79 xã có điểm/cửa hàng cung cấp giống cây trồng, chiếm 67,52% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, giảm 5,49 điểm phần trăm so với thời điểm 01/7/2016; 91 xã có điểm/cửa hàng cung cấp vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 77,78%, giảm 7,94 điểm phần trăm so với thời điểm 01/7/2016.
 
Hệ thống chợ truyền thống và chợ dân sinh được củng cố, góp phần đẩy mạnh trao đổi hàng hóa trong cộng đồng dân cư. Tại thời điểm 01/7/2020, cả tỉnh có 93 số xã có chợ, chiếm 79,49% tổng số xã (năm 2016 đạt 80,16%), trong đó, 75 số xã có chợ hàng ngày, chiếm 64,10%; thành phố Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước đạt 100% số xã.
 
Làng nghề được rà soát, quy hoạch lại, sản phẩm hàng hóa ngày càng phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo kết quả điều tra 01/7/2020, cả tỉnh có 18 xã và 36 thôn có làng nghề, chiếm 15,38% tổng số xã và 4,62% tổng số thôn khu vực nông thôn. Năm 2020, có 26 làng nghề, các làng nghề có 3.819 cơ sở sản xuất hoạt động, thu hút 9.371 lao động, bình quân mỗi làng nghề có 360,42 cơ sở sản xuất.
 
Bộ máy lãnh đạo và điều kiện làm việc của chính quyền cấp xã được kiện toàn
 
Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 01/7/2020 có 494 cán bộ chủ chốt, bình quân mỗi xã có 4,2 người. Trong tổng số, có 50 cán bộ nữ, chiếm 10,12% tổng số cán bộ chủ chốt xã và tăng 1,27 điểm phần trăm so với năm 2016.
 
Cùng với đó, trình độ của cán bộ chủ chốt cấp xã thời gian qua đã nâng lên đáng kể. Trong đó, về trình độ phổ thông: Tỷ lệ cán bộ chủ chốt đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông tăng từ 95,22% năm 2016 lên 98,38% năm 2020; tỷ lệ có trình độ trung học cơ sở giảm từ 4,78% năm 2016 xuống còn 1,62% năm 2020. Về trình độ chuyên môn: Tỷ lệ cán bộ có bằng cấp đại học, trên đại học tăng từ 68,50% năm 2016 lên 90,28% năm 2020; tỷ lệ cán bộ có bằng cấp trung cấp, cao đẳng giảm từ 23,01% năm 2016 xuống 9,51% năm 2020. Về trình độ lý luận chính trị: Tỷ lệ cán bộ qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng từ 91,15% năm 2016 lên 98,58% năm 2020; trong đó, tỷ lệ cán bộ được bồi dưỡng trình độ cao cấp lý luận chính trị được nâng lên từ 9,20% năm 2016 lên 16,80% năm 2020.
 
Việc áp dụng tin học trong công tác của Đảng ủy, HĐND và UBND xã cũng được đẩy mạnh. Tỷ lệ trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND và UBND xã có máy vi tính đạt 100%; trong đó, 100,0% số trụ sở có máy vi tính kết nối internet, tăng 3,17 điểm phần trăm. Các xã vùng cao cũng có 100,0% số trụ sở xã kết nối internet, tăng 18,75 điểm phần trăm so với năm 2016. Số máy vi tính trang bị cho cán bộ xã sử dụng bình quân 1 xã trong năm 2020 đạt 23,5 máy, gấp hơn 1,4 lần mức bình quân năm 2016, trong đó 100% số máy vi tính được kết nối internet, tăng 22,35% so với năm 2016. Có thể thấy, những kết quả từ cuộc điều tra Nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về khu vực nông thôn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, nông thôn Bình Định khôn chỉ có tiềm năng phát triển về lao động, đất đai, thị trường tiêu dùng lớn mà còn là nguồn lực quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Định nói chung. Với những nền tảng sẵn có, nông thôn Bình Định đang từng bước nỗ lực đổi mới, tận dụng cơ hội, lợi thế để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo./.

Một số hình ảnh khác:

 
Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020 3
Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020 4
Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020 5
Nông thôn Bình Định qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm2020 6

Nguyễn Thị Mỹ
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top