Nông thôn, nông nghiệp Hải Phòng: Sau 10 năm đổi mới

19/11/2021 - 04:10 PM

“Nông thôn Hải Phòng phải là "miền quê đáng sống” - Đó là yêu cầu mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) đặt ra khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng ngày 15/10/2019.

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ đồng ruộng đến làng mạc, thôn xóm, tất cả đều khoác lên mình một “tấm áo mới” khang trang, tươi sáng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch đúng hướng; nền nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, tiến tới nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, dịch vụ nông thôn có sự phát triển đáng kể…

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời

Hải Phòng triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi 139 xã thuộc 07 huyện, với dân số trung bình trên 1.070 nghìn người, chiếm 58% dân số thành phố (1,85 triệu người, năm 2010), trên diện tích tự nhiên gần 126.000 ha, chiếm khoảng 82% diện tích đất thành phố.

Để đưa chương trình vào cuộc sống, những năm qua hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng được ban hành để từng bước cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn với quyết tâm thực hiện thành công đổi mới nông thôn, nông nghiệp nhằm nâng tầm và thu hẹp khoảng cách nông thôn với thành thị. Điển hình là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 16/7/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIV về xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 25/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 136/2016/NQ-HĐND ngày 22/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố, về hỗ trợ 100% giá trị quyết toán công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; 100% xi măng làm đường giao thông nội đồng, thôn xóm; 100% lãi suất vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, cải tạo nước sạch nông thôn và Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020.
 
Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, điều kiện sinh sống, lao động sản xuất của người dân khu vực nông thôn được cải thiện, nâng cao đáng kể.

Giai đoạn 2010-2020, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, thành phố đã đầu tư phát triển sơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại từng bước phát triển kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.

Theo kết quả Điều tra Nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng, tính đến thời điểm tháng 7/2020, 100% số thôn, xã có điện lưới quốc gia, hệ thống hạ tầng điện nông thôn luôn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây mới, xóa bỏ việc cắt điện luân phiên tại khu vực nông thôn trong những tháng cao điểm. Cùng với đó 100% số thôn đã có đường ô tô đến UBND xã và 100% tuyến giao thông ô tô từ UBND xã đến trụ sở UBND huyện được nhựa và bê tông hóa (trừ 01 xã đảo trên biển). Giải pháp di chuyển an toàn và hiệu quả cho người dân nông thôn với các tuyến xe buýt liên tỉnh, liên huyện được hình thành với 21 xã có điểm dừng xe buýt, chiếm 15% tổng số xã. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, thông tin liên lạc và các dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng tiện ích, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cư dân nông thôn với tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 4G, hệ thống loa truyền thanh đạt 100% khu vực dân cư.

Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống trường học các cấp ở khu vực nông thôn được xây mới và nâng cấp. Đến năm 2020, 100% số xã có các cơ sở giáo dục với tỷ lệ: Trường mẫu giáo, mầm non là 1,8; trường tiểu học 1,3 và trung học cơ sở là 1,1 cơ sở/xã. Đối với dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, 100% xã có trạm y tế và được xây dựng khang trang, kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường; trong đó 94,32% tổng số xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế và 83,3% số cơ sở có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân.

Trong hơn 10 năm qua Thành phố đã xây dựng 37 hệ thống cấp nước tập trung quy mô trung bình và lớn tại khu vực nông thôn, với 11 hệ thống đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước uống (QCVN 01: 2009/BYT). Hiện nay, hệ thống công trình cấp nước sạch trong sinh hoạt đạt tỷ lệ 61% số xã, với 125 công trình cấp nước đang hoạt động. Đặc biệt, tỉ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đến nay đã đạt 92,1% (trung ương quy định 65%)

Dịch vụ lưu thông hàng hóa qua các chợ khu vực nông thôn hàng năm được đảm bảo và tương đối ổn định với 85,11% tổng số xã có chợ. Hoạt động tài chính tín dụng cũng vì thế phát triển ngày càng lớn mạnh, các chi nhánh ngân hàng đã có mặt tại 36 xã, đạt tỷ lệ 25,53% và 26 quĩ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả tại 25 xã, chiếm tỷ lệ 17,73%.

Cũng theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ, hiện có gần 51 nghìn hộ được vay vốn ưu đãi, chỉ riêng trong năm 2019 số vốn đã giải ngân cho vay ưu đãi các chương trình, dự án đạt 1.255,4 tỷ đồng, bình quân đạt 25 triệu đồng/hộ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh đáp ứng đời sống ngày một nâng cao.

Kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển và chuyển dịch đúng hướng

Khu vực nông thôn của thành phố hiện có 350.966 hộ, trong đó 87.749 hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 25% (năm 2011 là 42,85%) còn lại là hộ phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và có 496 hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tiêu chí trang trại; như vậy cơ cấu ngành nghề của hộ khu vực nông thôn đã có sự thay đổi khá rõ nét theo hướng tích cực: Tỷ trọng hộ sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm.

Cụ thể Hộ nông nghiệp toàn Thành phố có 82,7 nghìn hộ, chiếm tỷ trọng 90,98% tổng số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,58 điểm %; Hộ lâm nghiệp: chiếm 0,02% và giữ ở mức ổn định; Hộ thủy sản có 5,4 nghìn hộ chiếm tỷ trọng 6,04% giảm 0,37 điểm % so với năm 2011. Điều này đã phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất tại khu vực nông thôn đúng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của Thành phố trong thời gian qua. Năm 2010 giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 6,3 nghìn tỷ đồng chiếm 9,05% cơ cấu GRDP toàn Thành phố, sau 5 năm (2015) đạt trên 9,8 nghìn tỷ đồng chiếm 7,52% cơ cấu, giảm 1,5 điểm %; sơ bộ năm 2020 đạt 12,7 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2010) và cơ cấu chiếm 4,6% tổng GRDP toàn Thành phố, giảm 2,9 điểm %.

Trong giai đoạn gần đây, dưới tác động của tốc độ đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục giảm, dịch chuyển cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ, tỷ trọng đầu tư từ xã hội vào nông nghiệp giảm; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng ngành nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm. Từ năm 2010 đến nay, giá trị sản xuất (GTSX) tăng bình quân 2,1%/năm; GRDP bình quân đạt 2,84%/năm. GTSX năm 2010 toàn ngành đạt trên 12,6 nghìn tỷ đồng với cơ cấu nội bộ nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản lần lượt là 75,01% - 0,36% và 24,24%; năm 2020 sơ bộ đạt trên 24,7 nghìn tỷ với cơ cấu tương ứng là 55,95% - 0,17% - 33,61%. Như vậy sau 10 năm, cơ cấu trong nội bộ nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã chuyển dịch đúng hướng theo tiềm năng và lợi thế của địa phương, đó là tăng nhanh tỷ trọng ngành thuỷ sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt trong GTSX.

Để ngành trồng trọt phát triển cân đối bền vững với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, trước sức ép của đô thị hóa (diện tích gieo trồng bình quân mỗi năm giảm 2,23 nghìn ha) Thành phố thực hiện các chính sách tiếp sức cho nông dân như cung cấp tín dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hoá, đến nay năng suất lúa đạt 6,42 tấn/ha tăng 7% (tương ứng tăng 4 tạ/ha) so với năm 2010; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2019 đạt 121,9 triệu đồng/ha, theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.

Đối với ngành chăn nuôi, hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại đang dần thay thế mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tiếp tục đẩy nhanh phát triển theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng. Tổng trọng lượng thịt hơi tăng đều trong giai đoạn 2010-2019, nhất là thịt gia cầm năm 2019 đạt 61,86 nghìn tấn gấp 2,33 lần; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 361,82 triệu quả tăng gấp 1,53 lần so với năm 2010.

Đối với ngành thủy sản, nghề khai thác xa bờ phát triển nhanh. Đến nay, tổng số tàu thuyền toàn thành phố có trên 1,7 nghìn phương tiện với tổng công suất 215,84 nghìn CV, công suất bình quân đạt 124,2 CV/ phương tiện đây là mức công suất đảm bảo cho năng lực vươn khơi bám biển khai thác dài ngày trên Vịnh Bắc bộ. Hoạt động khai thác tiếp tục xu hướng xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại như: Máy tầm ngư, định vị nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó với vị trí địa lý ven biển, ngành nuôi trồng có nhiều lợi thế về đa dạng hóa các khu vực sản xuất nước mặn, lợ và nước ngọt; đẩy mạnh xu hướng nuôi trồng đa loài, đa loại hình và thân thiện với môi trường, tập trung phát triển vào những sản phẩm có tiềm năng thế mạnh như ngao, tôm thẻ, cá vược, thủy sản lồng bè,... Đến nay sản lượng thủy sản ngày càng gia tăng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn cung cấp nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, cùng với việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, đơn vị.
 
Hải Phòng đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp. Cùng với đó là rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình được triển khai, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong từng giai đoạn nhất định. Theo đó, hỗ trợ cho mỗi xã về đích nông thôn mới để hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng, mức hỗ trợ năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: Xã đạt chuẩn trong giai đoạn 2016-2017 được hỗ trợ bình quân 22 tỷ đồng/xã; xã đạt chuẩn năm 2018 bình quân 24 tỷ đồng/xã; xã đạt chuẩn năm 2019 bình quân 25 tỷ đồng/xã…

Tính đến năm 2019, thành phố đã có 100% số xã (139/139 xã) hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt trước một năm so với kế hoạch của thành phố và chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, (bình quân toàn quốc là 50,26% và vùng Đồng bằng sông Hồng là 83,69%).

Đặc biệt, ngày 8/10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1531/QĐ-TTg công nhận huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Cát Hải là huyện đầu tiên của thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới. Hai huyện An Dương và Kiến Thụy chuẩn bị hoàn thành; các huyện còn lại đang được đẩy nhanh tốc độ xây dựng huyện nông thôn mới.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (về nông nghiệp, nông dân, nông thôn); nông thôn, nông nghiệp Hải Phòng đã đạt được những kết quả vượt bậc, tạo ra sự gắn kết, liên kết chặt chẽ giữa đô thị, cảng biển hiện đại với nông thôn. Nông thôn Hải Phòng thực sự đổi thay, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, hiệu quả sản xuất được nâng cao; người nông dân đã thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, thụ hưởng những thành quả của đổi mới mang lại.

Bên cạnh những thành tích đạt được, còn có những tồn tại, hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh sang sản xuất rau mầu và cây ăn quả; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp chậm hình thành; sản phẩm có thương hiệu còn ít. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn còn diễn biến phức tạp, chất thải rắn thu gom và xử lý bằng công nghệ đơn giản. Công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới còn chưa kịp thời, phù hợp với tình hình mới.

Để “Nông thôn Hải Phòng phải là miền quê đáng sống”, tiếp tục xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu thúc đẩy, nâng cao chất lượng toàn diện, gắn với giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất khá giả, môi trường sống an toàn, đời sống tinh thần phong phú, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người nông thôn tăng 2-2,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025) dưới 0,2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch (như đô thị) đạt 100%.

Để phấn đấu đạt được những mục tiêu đó, thành phố đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là:

Một là, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương vào điều kiện thực tiễn của thành phố để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Hai là, tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong đó đặc biệt coi trọng việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Ba là, xây dựng chi tiết quy hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng ưu tiên sản phẩm truyền thống, lợi thế vùng miền, tận dụng năng lực nội sinh và gia tăng giá trị (các sản phẩm OCOP). Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa của địa phương, quy hoạch vùng huyện. Xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển đô thị gắn với gắn với xây dựng nông thôn mới đối với các huyện dự kiến phát triển thành quận.

Bốn là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…Chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng, nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình kinh tế hiệu quả; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, các doanh nghiệp chế biến nông sản, các lĩnh vực tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Năm là, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thải thân thiện môi trường.

Sáu là, tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện; xây dựng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các trung tâm cụm xã, các cụm công nghiệp, gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng, đảm bảo cho tiểu vùng trong huyện phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ… gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn./.
 

Hoàng Xuân An
Phó trưởng phòng Phòng Thống kê Kinh tế - Cục Thống kê TP Hải Phòng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top