Phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội

01/12/2020 - 10:04 AM
Với mục đích phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, các chính sách tín dụng xã hội đã thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc; có tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách, giúp cho công cuộc xóa đói nghèo ở nước ta đi vào thực chất. Tín dụng chính sách xã hội đã tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách để thoát nghèo, làm giàu, theo đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Chỉ thị 40 - điểm tựa nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội
 
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40) - tháng 7/2020 đã cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Theo đó, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế hộ tái nghèo; góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn... Đặc biệt, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.
 
Nhờ việc triển khai tích cực Chỉ thị 40 các chương trình tín dụng xã hội đã có sức lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ dân... Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, từ sau khi Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, hiện nay vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014; nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đến ngày 30/6/2020 đạt 19.505 tỷ đồng (tăng 15.697 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40; huy động vốn của xã hội đạt hơn 31.500 tỷ đồng, tăng hơn 25 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014.

 
Phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến ngày 30/6/2020 đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 91.109 tỷ đồng (tăng 69,6%) so với từ khi có Chỉ thị, giúp cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo bền vững; xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…; gần 346 nghìn lượt học sinh sinh viên được vay vốn từ NHCSXH để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống; hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn NHCSXH để tạo việc làm, 24 nghìn lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
 
Thực tế cho thấy, TDCSXH đã trở thành một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn. Hoạt động TDCSXH của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.
 
Cùng với đó, thông qua việc triển khai hiệu quả Chỉ thị 40 đã huy động được thêm nguồn vốn tại địa phương, nên số hộ dân tộc thiểu số (DTTS) được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng tăng. Theo thống kê đồng bào DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại NHCSXH chiếm 24,8% tổng dư nợ; toàn quốc có 3,04 triệu hộ DTTS thì đã có 1,4 triệu hộ vay vốn, (chiếm 46% số hộ ĐTTS); dư nợ bình quân 38 triệu đồng/hộ.
 
Tổng kết sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách tính đến 30/6/2020 đạt trên 83 nghìn tỷ đồng; trong đó từ ngân sách nhà nước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, từ chính quyền địa phương các cấp đạt trên 11 nghìn tỷ đồng; từ hỗ trợ thông qua tiền gửi các ngân hàng khác đạt trên 41 nghìn tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21 nghìn tỷ đồng.
 
Đặc biệt, triển khai TDCSXH một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời gian qua được xem là một trong các giải pháp quan trọng, có ý nghĩa to lớn, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện ổn định việc làm, đảm bảo cuộc sống.
 
Các địa phương cho biết, nguồn vốn từ NHCSXH đã góp phần giải quyết việc làm, khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở SXKD và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Hiện tại, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm ở mỗi địa phương đã tăng lên đáng kể. Trong đó, để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chủ động trong công tác điều hành, quản lý, phân bổ vốn, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động. Việc triển khai cho vay vốn thực hiện theo phương châm đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng. Sau khi giải ngân vốn, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên giám sát các thành viên để bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, các NHCSXH tại các địa phương cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm…
 
Tiếp tục phát huy hiệu quả của TDCSXH để “không ai bị bỏ lại phía sau”
 
Có thể thấy, từ những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước. Kết quả đạt được cũng thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự mở rộng quy mô và hiệu quả của TDCSXH được nâng cao đã khẳng định Chỉ thị số 40 ngày càng đi vào cuộc sống.
 
Tuy nhiên, Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 40 cũng cho thấy mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song trong quá trình triển khai, nhiều chương trình TDCSXH chưa đạt mục tiêu đề ra và còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể như: Trong khi hiệu quả mang lại từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm rất lớn và nhu cầu vay của người dân thường khá cao thì đây lại là nguồn vốn thiếu nhiều nhất. Bên cạnh đó, một số chương trình tín dụng có thời hạn cho vay, hạn mức vốn vay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế để phát huy hiệu quả đồng vốn, như: Chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, với mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/công trình...
 
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa được gắn kết chặt chẽ. Từ đó, hiệu quả sử dụng vốn chính sách ở một số bộ phận người nghèo, đối tượng chính sách chưa cao…
 
Chính vì vậy, để việc triển khai TDCSXH mang lại hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới Chỉ thị 40 vẫn là điểm tựa quan trọng nhằm tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, đồng thời tập hợp thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.
 
Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra một số giải pháp, trong đó đặc biệt chú ý đến việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho TDCSXH.
 
Tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế để NHCSXH tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung giải quyết cho các đối tượng mới thoát nghèo và hộ có mức thu nhập trung bình vay phát triển sản xuất.
 
Tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tranh thủ khai thác các nguồn lực, nguồn tài trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay và đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn…
 
Đặc biệt, để Chỉ thị 40 thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu quả, cần tăng cường, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ chính trị trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
 
Đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả để mọi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tin tưởng thực hiện Chỉ thị 40 nhằm nâng cao hiệu quả TDCSXH; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trên cả nước tiếp cận được nguồn vốn, góp phần giúp người nghèo cải thiện cuộc sống. Cùng với đó nhân rộng điển hình tiên tiến, khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng để hỗ trợ người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
NHCSXH thời gian tới cần tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước./.

 
ThS. Phạm Hiếu Nhơn

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top