Phát triển cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

07/10/2021 - 12:26 PM
Việc hình thành và phát triển hệ thống các cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, song hành với việc phát triển các cụm công nghiệp, việc bảo vệ môi trường hiện còn gặp nhiều bất cập, hạn chế. Chính vì vậy, bài toán phát triển kinh tế trong các cụm công nghiệp và các vấn đề bảo vệ môi trường cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn nữa nhằm đảm bảo chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.
 

Công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp (CCN)

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2020 cả nước đã thành lập 968 CCN với tổng diện tíchtrên 30.912 ha; trong đó có 730 CCN với tổng diện tích khoảng 22.336,3 ha đã đi vào hoạt động, thu hút gần 12.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy bình quân 65%; tạo việc làm cho khoảng 600 nghìn lao động.

Sự hình thành và phát triển của các CCN thời gian qua đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động; thúc đẩy tiếp cận và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý; nâng cao mức tăng trưởng GDP, giá trị xuất khẩu, số thu ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc phát triển CCN thường gắn liền với di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân hộ gia đình ở mỗi địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu vực tập trung. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra sản phẩm thì hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN cũng tạo ra một khối lượng lớn các chất thải như: Nước thải, chất thải rắn, khí thải, chất thải nguy hại… Và theo đánh giá, công tác bảo vệ môi trường tại các CCN hiện còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể:

Các CCN thiếu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường

Do hầu hết các CCN được hình thành để giải quyết những bức xúc về môi trường nên để đảm bảo di dời nhanh chóng, thay vì cần có quy hoạch, đầu tư hạ tầng CCN ngay từ khi thành lập thì công đoạn này lại gần như bị bỏ qua. Nhiều CCN khi hình thành, cơ sở hạ tầng chưa có và đều do các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để đầu tư nên khá manh mún, thiếu đồng bộ.

 
Phát triển cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Ngoài ra, do các CCN được thành lập hầu hết có quy mô nhỏ (từ vài ha đến vài chục ha) và chỉ nằm trong phạm vi quản lý của địa phương; không phải là những khu sản xuất tập trung (khu công nghiệp) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; do đó, việc quy hoạch bảo vệ môi trường và chủ thể quản lý ở mỗi địa phương đối với các CCN cũng khác nhau; quy mô sản xuất của các dự án đầu tư trong CCN chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa hoặc chỉ tương đương quy mô hộ gia đình; cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật về giao thông và bảo vệ môi trường tại các CCN cũng vì thế còn khá hạn chế…

Các CCN hầu như chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Trong khi lập việc Báo cáo ĐTM chính là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về tình trạng chất lượng môi trường trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cũng đồng thời là cơ sở để có thể đề ra những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả, nhằm đạt các Tiêu chuẩn môi trường theo quy định, nhưng do áp lực thời gian và thiếu đầu tư hạ tầng ngay từ ban đầu nên hầu hết các CCN trước đây không có ĐTM. Thậm chí, một số CCN đã trở thành điểm nóng về môi trường tại địa phương; do tập trung nhiều cơ sở sản xuất trong một khu vực nhưng không có ĐTM, có CCN ở vị trí không phù hợp (trong nội thành, nội thị, gần khu dân cư….).

Vấn đề xử lý chất thải tại các CCN còn nhiều bất cập và hạn chế

Theo quy trình để giải quyết bài toán xử lý nước thải tại các CCN cần phải có quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, với các công đoạn: Đấu nối - thu gom - xử lý - xả ra nguồn tiếp nhận. Tuy nhiên, do không có quy hoạch ngay từ khi hình thành CCN nên nhiều CCN hiện nay không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, do các cơ sở sản xuất trong CCN hầu hết quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, nên hiệu quả kinh tế thấp, do vậy, chất thải phát sinh lớn, đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí xử lý chất thải, nên việc xử lý chất thải rắn và đầu tư hệ thống xử lý khí thải không được quan tâm, dẫn đến nhiều CCN bị ô nhiễm về chất thải rắn, khí thải công nghiệp.

Theo thống kê hiện số lượng CCN có biện pháp bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải chỉ chiếm số lượng nhỏ. Tính đến hết năm 2020, cả nước mới chỉ có 141 CCN /730 (chiếm 19,3% so với các CCN đã hoạt động) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động.

Đa số các CCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chủ yếu những CCN hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg). Tại các CCN này các doanh nghiệp thứ cấp tự xử lý nước thải hoặc thải trực tiếp ra môi trường nên không đạt hiệu quả hoặc chưa đáp ứng được quy chuẩn Việt Nam về nước thải; việc thiếu trang thiết bị quan trắc để kết nối, truyền dữ liệu tự động đến cơ quan quản lý môi trường cũng là vấn đề gây khó khăn cho cơ quan quản lý môi trường ở nhiều địa phương.

Các CCN hiện chưa phân định phân khu chức năng, hạ tầng giao thông chắp vá, chưa đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh, thảm cỏ.

Việc phân định rõ khu chức năng, đảm bảo cảnh quan môi trường cũng như tỷ lệ diện tích cây xanh, thảm cỏ trong các CCN là yếu tố quan trọng để điều hòa không khí cũng như đảm bảo chất lượng môi trường trong và xung quanh CCN, song thực tế cho thấy, do không được quy hoạch ngay từ đầu nên việc xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, công trình phụ trợ dọc các tuyến đường nội bộ CCN được tiến hành một cách chắp vá. Tỷ lệ cây xanh, thảm cỏ đạt thấp theo quy định của Bộ Xây dựng. Đặc biệt, tại một số khu sản xuất tập trung theo quy định tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10% diện tích CCN.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường tại các CCN hiện khá đầy đủ, song công tác bảo vệ môi trường tại đa số các CCN trên toàn quốc vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Ngoài các nguyên nhân trên thì ý thức chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường của chủ đầu tư hạ tầng CCN và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại đa số các CCN chưa cao. Bộ máy quản lý CCN từ cấp Trung ương đến địa phương chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Đôi khi còn chưa có sự phân rõ trách nhiệm. Việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý môi trường tại các CCN chưa thường xuyên, chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe tới các chủ đầu tư, doanh nghiệp…

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các CCN

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường tại các CCN, thời gian tới các cơ quan liên quan cần triển khai đồng bộ một số giải pháp:

Một là, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, phát triển CCN, quản lý môi trường và công tác thanh tra, kiểm tra đối với các CCN cho phù hợp với tình hình thực tế, quy định pháp luật.

Hai là, đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư hạ tầng CCN, thay vì nguồn ngân sách nhà nước. Vận dụng linh hoạt các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường CCN. Tiếp nhận các dự án đầu tư vào CCN cần đảm bảo thống nhất quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo báo cáo ĐTM được phê duyệt nhằm đảm bảo tính pháp lý và khoa học trong việc phân khu sản xuất để kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh. Không tiếp nhận thêm các dự án đầu tư vào CCN khi chưa hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật chung của CCN theo quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường tại các CCN, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với CCN, sát thực tế. Rà soát, ban hành Danh mục ngành nghề có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường để cấm và hạn chế đầu tư vào các CCN; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với CCN làm cơ sở pháp lý để quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường CCN.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất trong CCN; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các CCN thông qua việc ban hành, tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từng giai đoạn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý môi trường CCN và các cơ sở sản xuất trong CCN. Đặc biệt đối với các CCN đang là điểm nóng, bức xúc về môi trường cần có sự giám sát để từng bước yêu cầu hoàn thiện thủ tục môi trường đầu tư hạ tầng CCN và xử lý chất thải tại CCN, hoặc cơ sở trong CCN.

Rõ ràng, việc đẩy mạnh phát triển CCN gắn với bảo vệ môi trường sẽ tạo thêm nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp - trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội đất nước, do đó để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các Bộ, ngành và mỗi địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý môi trường đối với các CCN trong thời gian tới./.

 
TS. Phạm Thị Trúc Quỳnh - TS. Trần Thị Lan Anh
Đại học Công nghiệp Hà Nội
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top