Phát triển hạ tầng cho phương tiện công cộng tại Hà Nội

19/05/2020 - 11:32 AM
Thời gian qua, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Thành phố đang tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, trong đó, xe buýt là nền tảng phát triển. Tuy nhiên, mạng lưới hạ tầng giao thông công cộng hiện còn đang “đuối hơi” so với nhu cầu phát triển, không theo kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân.
 
Khởi sắc hạ tầng giao thông công cộng

Nhiều năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, mở mang và xây dựng hệ thống hạ tầng đường sá, góp phần nâng cao năng lực cho mạng lưới giao thông, tăng tính kết nối, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Những công trình như: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hòa Bình; cầu Nhật Tân; đường Nhật Tân - Nội Bài; đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy; đường Lê Trọng Tấn; thông xe giai đoạn 1, đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long… đã và đang từng bước tạo nên diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đồng thời triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc ở phạm vi cục bộ. Phương án xén vỉa hè, mở rộng đường, điều chỉnh nút giao, đèn tín hiệu ở các “điểm nóng”, các tuyến giao thông trọng điểm như: Láng, Vành đai 3, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… cũng đang phát huy những hiệu quả nhất định. Điển hình, tại trục đường Láng, nếu như trước đây, nhiều điểm giao cắt thuộc trục đường này di chuyển khá khó khăn thì nay, thông qua việc mở rộng lên 4 - 6 làn xe, hiện tượng ùn tắc kéo dài đã giảm thiểu.

 
Phát triển hạ tầng cho phương tiện công cộng tại Hà Nội

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển các phương thức vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) coi đây là giải pháp hữu hiệu để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe buýt nhờ tính linh hoạt, chi phí đầu tư hợp lý, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, được lựa chọn là loại hình VTHKCC chủ lực, tập trung đầu tư phát triển và đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Cách đây ít năm, nhiều khu vực ngoại thành như: Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… được liệt vào “vùng trắng” về xe buýt. Việc đi lại, kết nối với trung tâm Thành phố chỉ được duy trì bởi một số lượng nhỏ các phương tiện xe buýt không trợ giá phục vụ với giá vé cao, chất lượng dịch vụ thấp. Tuy nhiên, đến nay, xe buýt đã có mặt tại địa bàn có các “vùng trắng” này. Việc mở rộng vùng phục vụ xe buýt đã góp phần xóa bớt khoảng cách nội - ngoại thành, góp phần tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hiện nay, mạng lưới xe buýt tại Hà Nội có 127 tuyến, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 34 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn, đạt 78%; 66/71 bệnh viện, đạt 93%; 296/708 các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt 42%; 32/37 các khu công nghiệp, đạt 86%; 82/85 các khu đô thị mới, đạt 96%. Đặc biệt, vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng, tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn Thành phố năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017. Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT cũng được tích cực triển khai và đem lại hiệu quả nhất định. Những kết quả này đã đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân, giảm bớt lưu lượng phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.

Theo các chuyên gia giao thông, Hà Nội hiện đang đi đúng hướng trong việc tập trung lấy giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là chủ yếu. Đặc biệt là việc đi đúng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Theo đó, lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, ưu tiên nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm cải tạo hạ tầng cho người đi bộ; Giai đoạn 2, kiểm soát phương tiện cá nhân, hướng người dân đến các loại hình vận tải hành khách công cộng; Giai đoạn 3, hạn chế, tiến tới dừng sử dụng phương tiện cá nhân nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, với tình hình ùn tắc giao thông như ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung, lộ trình này khó có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai bởi tất cả các giải pháp đều đang ở bước đầu thực hiện, nên chưa thể đồng bộ, đáp ứng được ngay nhu cầu đi lại của người dân.

Còn đó nhiều thách thức

Hiện nay, mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải công cộng của Thành phố còn nhiều hạn chế như: Chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, không theo kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân; các giải pháp quản lý nhu cầu giao thông hiện nay chưa hiệu quả; thiếu một hệ thống giao thông vận tải công cộng hiệu quả và tích hợp đa phương tiện; công tác đầu tư thời gian qua đang chạy theo giải pháp hạ tầng nhất thời, thiếu đầu tư tập trung, trọng điểm...

Theo đánh giá của giới chuyên gia, giao thông chậm và ùn tắc là hệ quả tất yếu của sự mất cân đối giữa tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông và năng lực thông qua của mạng lưới đường. Đặc biệt, hạ tầng giao thông của Thành phố cũng đang phải đối mặt với tình trạng các tuyến nội đô thiếu các đường kết nối giữa các trục chính quan trọng. Đa số đường đô thị có mặt cắt ngang hẹp từ 7m - 11m. Mạng đường bộ có nhiều giao cắt, chủ yếu giao cắt đồng mức… Sự hạn chế trên khiến người dân có xu hướng “chuộng” phương tiện cá nhân như xe máy hơn phương tiện giao thông công cộng. Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đã chỉ ra nhiều điểm bất cập như: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có trên 4.000 km đường bộ, trong đó có 2.052km đường đô thị; diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 9,38%, trong đó, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ đạt 0,11% đất xây dựng đô thị, thấp hơn nhiều so với các chỉ tiêu được đề ra trong quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo tính toán, diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông. Nếu xét đến yếu tố cùng lưu thông trên mặt đường với cùng một lượng người chuyên chở thì diện tích chiếm dụng của xe máy gấp 6,8 lần so với diện tích chiếm dụng của xe buýt. Tuy nhiên, vận tải hành khách đô thị vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào giao thông cá nhân. Trong đó, xe máy chiếm khoảng 80,4% số chuyến đi… Do vậy, đối với khu vực có hạ tầng giao thông hạn chế, nhu cầu giao thông lớn thì việc tổ chức giao thông “bình đẳng” đối với tất cả các loại phương tiện là bất hợp lý, tất yếu dẫn đến hệ lụy là tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải công cộng đang có xu hướng “đuối hơn” so với nhu cầu phát triển, không theo kịp sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể, hiện Thủ đô có 5,48 triệu xe máy, tăng hàng năm là 6,7%, ô tô cũng tăng khoang 12%/năm; tỷ lệ phương tiện xe buýt chỉ đạt 0,16 xe buýt/1.000 dân; 49,8 xe ô tô con/1.000 dân; 682 xe máy/1.000 dân. Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông đô thị chỉ khoảng 3,9%/năm. Theo thống kê, cứ trung bình 1km đường do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý có 0,63 xe buýt trợ giá, 2.519 xe máy, 184 ôtô con lưu thông, chưa tính đến các phương tiện khác.

Mặc dù xe buýt có những ưu điểm không thể phủ nhận trong tham gia giao thông công cộng, tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội và một số thành phố lớn khác vẫn chưa được như kỳ vọng, hay nói đúng hơn là chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và theo quy hoạch. Hệ thống xe buýt của Thủ đô mới đóng góp cho vận chuyển hành khách khoảng 8 - 10%. Nếu tính chung khu vực nội đô Hà Nội, hệ thống xe buýt cũng chỉ đóng góp khá khiêm tốn, khoảng 15 - 16%. Nguyên nhân chính là do sự kết nối các dịch vụ xe buýt còn yếu, khoảng cách giữa các điểm dừng đỗ lớn, tần suất giữa các tuyến xe buýt chưa cao và còn tình trạng quá tải, thông tin phục vụ hành khách chuyển tuyến chưa được cập nhật trực tuyến, đặc biệt không gian đi bộ kết nối giữa các điểm đỗ khi chuyển tuyến còn rất nhiều bất cập; thiếu các khu vực hỗ trợ cho hành khách gửi xe...

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Để giải quyết những khó khăn về hạ tầng giao thông, Hà Nội đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Triển khai các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trật tự giao thông; tuyên truyền, vận động để người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; hoàn thiện, xây dựng nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu hành khách công cộng đến năm 2020 đáp ứng 20%-25% nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Sở GTVT Hà Nội, với xe buýt, Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện. Thành phố lên phương án tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt gần 10 tuyến phố. Cùng với đó, Sở GTVT rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ôtô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện VTCC khối lượng lớn như buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị… Ngoài xe buýt truyền thống, hiện VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP. Hà Nội đã có thêm các loại hình xe buýt nhanh, xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG, và từ năm 2021 sẽ có thêm loại hình xe buýt điện...

Để phát triển hạ tầng xe buýt, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư 600 nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu tại 12 quận nội thành. Hệ thống nhà chờ sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu; khắc phục hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt hiện nay; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường khoa học, đồng bộ, văn minh.

Thành phố cũng đang khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND thành phố Hà Nội về việc ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn trên địa bàn thành phố. Sở GTVT Hà Nội cho biết, Nghị quyết này mở rộng đối tượng được miễn phí tới người cao tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo; Hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; hỗ trợ 100% giá vé trong 15 ngày đầu kể từ khi các tuyến đường sắt đô thị bắt đầu khai thác vận hành thương mại.

Với quyết tâm cao cùng những quyết sách cụ thể, hy vọng thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển VTHKCC đạt hiệu quả cao hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô./.

 
Trúc Linh
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top