Phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính trong hoạt động Thống kê Nhà nước

24/03/2021 - 03:49 PM
Thống kê Việt Nam đã, đang khẳng định vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước thông qua việc cung cấp thông tin thống kê chính xác, kịp thời phục vụ Đảng, Chính phủ đưa ra những quyết sách đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả, phòng chống, kiểm soát và khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong xu thế phát triển của thời đại, Thống kê Việt Nam đang đối diện với những thách thức, khó khăn nhất định. Một là, nhu cầu về thông tin, số liệu phục vụ quản lý điều hành ngày càng tăng, trong khi nguồn lực cho công tác thống kê có hạn. Nhu cầu về thông tin, số liệu phục vụ giám sát, đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, môi trường và biến đổi khí hậu, thanh niên, giới, kinh tế số, logistics,… với yêu cầu rất chi tiết theo các phân tổ đòi hỏi nguồn thông tin đầu vào lớn, quá trình xử lý, tổng hợp, công bố cần có nguồn lực lớn. Hai là, khó khăn, hạn chế trong phương pháp luận và văn bản pháp lý hiện hành để thu thập, xử lý, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu theo cách thức phi truyền thống như: Dữ liệu lớn, dữ liệu vệ tinh, viễn thám, dữ liệu trực tuyến… Ba là, những yêu cầu, đòi hỏi về chuẩn hóa, hài hòa hóa số liệu trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và đặc thù Việt Nam…

 
Phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính trong hoạt động Thống kê Nhà nước

Trong bối cảnh đó, dữ liệu hành chính đã và đang trở thành nguồn dữ liệu đầu vào cần thiết, quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm đầu ra của ngành Thống kê. Dữ liệu hành chính là dữ liệu của cơ quan nhà nước được ghi chép, lưu giữ, cập nhật trong các hồ sơ hành chính dạng giấy hoặc dạng điện tử. Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước được xác định là một hình thức thu thập thông tin thống kê nhà nước quy định tại mục 2, chương 3, Luật Thống kê năm 2015 gồm 04 điều từ Điều 36 đến Điều Đây là hình thức thu thập thông tin bổ sung so với quy định của Luật Thống kê năm 2003.

Đẩy mạnh khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê là xu thế, yêu cầu đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có trình độ phát triển cao. Sử dụng thông tin đầu vào từ hồ sơ của các cơ quan hành chính nhằm tăng cường sự hợp tác, phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin; tạo lập sự thống nhất, đồng thuận giữa các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường công khai, minh bạch thông tin, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, sẽ có bức tranh kinh tế-xã hội toàn cảnh, đầy đủ, đồng bộ phục vụ cho ban hành quyết định, chính sách phù hợp, thiết thực; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước là cơ sở để xây dựng Hệ thống thông tin thống kê quốc gia trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, việc khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực.

Công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất. Nhiều bộ, ngành đã chia sẻ, cung cấp kịp thời các thông tin chuyên ngành, số liệu từ các cuộc điều tra do Bộ, ngành chủ trì để bổ sung thông tin phục vụ biên soạn báo cáo, số liệu phục vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương. Tổng cục Thống kê đã thu thập, tổng hợp, biên soạn và thường xuyên phổ biến, cung cấp cho Bộ, ngành thông tin, sản phẩm thống kê quan trọng như: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, năm; Niên giám thống kê hàng năm; các chuyên đề phân tích chuyên sâu từ các cuộc Tổng điều tra, điều tra thống kê; các thông tin số liệu khác khi có yêu cầu...

Để có thông tin phục vụ việc biên soạn các sản phẩm, báo cáo thống kê, bên cạnh các thông tin thu thập từ các Tổng điều tra và điều tra thống kê, Tổng cục Thống kê đã khai thác, thu thập và tổng hợp có hiệu quả thông tin thống kê từ nhiều nguồn khác nhau.

Thông qua Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia ban hành theo Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định việc thu thập thông tin của 84 chỉ tiêu thống kê quốc gia với 114 biểu tương ứng từ 21 Bộ, ngành liên quan. Qua việc thực hiện Chế độ báo cáo này, Tổng cục Thống kê đã thu thập, tổng hợp được 82 chỉ tiêu (thu thập đầy đủ các phân tổ là 49 chỉ tiêu, thu thập một số phân tổ là 33 chỉ tiêu) và 02 chỉ tiêu chưa thực hiện.

Để thu thập thông tin thống kê từ dữ liệu hành chính, đã có 21 Bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành áp dụng đối với sở, ngành địa phương.

Thông qua Quy chế phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành liên quan. Quy chế phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác thống kê, bảo đảm tính thống nhất trong việc thu thập, sử dụng thông tin thống kê; sử dụng hiệu quả nguồn lực của các bên liên quan đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành và xây dựng cơ sở dữ liệu bộ, ngành, quốc gia.

Tổng cục Thống kê đã ký Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với 11 Bộ, ngành. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng đang trong quá trình xây dựng Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Tổng cục Hải quan.

Thông qua việc ký kết và thực hiện các Quy chế cung cấp chia sẻ thông tin thống kê, hiện tại có 04 Bộ ngành đã ký kết thỏa thuận chính thức về việc kết nối, chia sẻ, trao đổi và tích hợp cơ sở dữ liệu hành chính tự động (sử dụng CSDL vi mô) với Tổng cục Thống kê. Thông tin trao đổi được sử dụng hữu ích, có hiệu quả cho công tác thống kê. Chẳng hạn, đối với Quy chế phối hợp số 2176A/QCPH-TCT-TCTK quy định việc phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê và Phụ lục số 5233/TCT-KK quy định các phụ lục kèm theo quy chế phối hợp 2176A/QCPH-TCT-TCTK áp dụng đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê và các đơn vị thuộc hai cơ quan ở tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và quận, huyện, thị xã, thành phố.

Thông tin do cơ quan Thuế cung cấp bao gồm: Thông tin định danh của toàn bộ người nộp thuế do cơ quan Thuế quản lý; thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế thông qua các chỉ tiêu trên Tờ khai thuế Giá trị gia tăng; thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế thông qua các chỉ tiêu Tờ khai thuế Thu nhập doanh nghiệp và Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Thông tin do cơ quan Thống kê cung cấp bao gồm: Báo cáo kết quả các cuộc điều tra thống kê liên quan đến người nộp thuế và cơ sở kinh doanh; các báo cáo phân tích chuyên đề liên quan đến người nộp thuế và cơ sở kinh doanh; các Danh mục chuẩn cấp quốc gia (như Danh mục hành chính, Danh mục ngành kinh tế quốc dân, Danh mục sản phẩm, Danh mục nghề nghiệp,....); các thông tin thống kê kinh tế vĩ mô; thông tin thống kê khác liên quan đến người nộp thuế và cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê nhà nước còn có những hạn chế, tồn tại, cụ thể:
  • Nhiều Bộ, ngành vẫn chưa thực hiện hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê thông qua việc ký kết các Quy chế chia sẻ, phối hợp thông tin. Đặc biệt là việc thực hiện cung cấp, chia sẻ dữ liệu qua chia sẻ, đồng bộ và tích hợp cơ sở dữ liệu hành chính - đây là một nội dung rất quan trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực và giảm chi phí trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính sẵn có.
  • Hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ, ngành với Tổng cục Thống kê còn chưa nhịp nhàng; thiếu đồng bộ, gửi và nhận báo cáo chậm, thiếu thông tin, không bảo đảm phạm vi số liệu và thời gian quy định, một số Quy chế phối hợp không có hướng dẫn triển khai thực hiện đến các địa phương.
  • Chất lượng thông tin trao đổi còn chưa đạt theo yêu cầu của các bên do sự khác nhau về mục đích của cơ sở dữ liệu, không thống nhất về bản ghi, một số vấn đề không thể kết nối,… đòi hỏi cần có những nghiên cứu chuyên sâu, tỷ mỉ để khắc phục như xác định loại hình kinh tế, đơn vị sản xuất,…
  • Việt Nam chưa xây dựng, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư. Do vậy, các thông tin về mã số định danh cá nhân cho toàn bộ người dân Việt Nam, số chứng minh, số thẻ căn cước, bằng lái xe, số các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chưa thống nhất; Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia của các tổ chức, đơn vị sản xuất thuộc các loại hình kinh tế gắn với mã số định danh phục vụ cho việc tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất đồng bộ theo ngành, lĩnh vực và địa phương.
  • Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê tuy có nhiều cải tiến nhưng còn thiếu đồng bộ. Các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành vẫn trong tình trạng rời rạc, phân tán, ít cập nhật, chưa tích hợp chung thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất của Ngành, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện, gây khó khăn trong khâu thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng báo cáo và công tác phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê.
Nhằm sử dụng triệt để dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê nhà nước, Tổng cục Thống kê và Bộ, ngành cần:
  1. Tăng cường sự gắn kết trong quá trình thực hiện hoạt động thống kê, trao đổi, tập huấn và hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê.
  2. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, thỏa thuận hợp tác, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành và giữa các Bộ, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng thông tin thống kê; thống nhất việc thực hiện đồng bộ Quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành từ Trung ương xuống địa phương.
  3. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình tiêu chuẩn để chuẩn hóa thông tin đầu vào phục vụ việc sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước.
  4. Đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin thống kê theo tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại với nhiều hình thức phổ biến đa dạng.
  5. Tích hợp, tiếp nhận hoàn chỉnh các dữ liệu hành chính của một số Bộ, ngành để biên soạn các chỉ tiêu thống kê; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn để hiện đại hóa, giảm chi phí, nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng dự báo.
  6. Nâng cấp một cách căn bản hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông.
TS. Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
 
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top