Phong Điền tập trung hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới sinh thái

10/06/2019 - 02:57 PM
Giai đoạn đầu (từ năm 2011-2015) khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Phong Điền đã huy động vốn và đầu tư vào các công trình với kinh phí đạt 1.807,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là 701,38 tỷ đồng, chiếm 38,8%; vốn tín dụng: 648,28 tỷ đồng, chiếm 35,86%; vốn xã hội hóa: 198,36 tỷ đồng, chiếm 10,97%; vốn huy động từ nhân dân: 259,78 tỷ đồng, chiếm 14,37%. Sau 5 năm phấn đấu xây dựng và được công nhận huyện NTM, Phong Điền vẫn tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân chung tay góp sức xây dựng NTM bằng nhiều cách làm hiệu quả. Giai đoạn 2017-2020, huyện Phong Điền đặt mục tiêu phấn đấu toàn bộ 6 xã trên địa bàn tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đồng thời quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM sinh thái vào cuối năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, triển khai bảo hiểm y tế toàn tỉnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Huyện còn chú trọng chuyển dịch nông nghiệp theo hướng sinh thái chất lượng cao, từng bước phát triển theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật cao vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, song song với việc phát triển du lịch sinh thái. Hiệu quả về quy hoạch, đầu tư hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất nông sản quy mô lớn gắn với du lịch sinh thái đã góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa làng quê, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự nông thôn của Phong Điền; và nơi đây được coi là vành đai xanh của thành phố Cần Thơ.
 
Phong Điền tập trung hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới sinh thái
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Năm 2011, toàn huyện có hơn 6.300 ha vườn cây ăn trái và 3.400 ha lúa. Xác định xây dựng kinh tế vườn và NTM sinh thái, trong đó phát triển cây ăn trái là hướng đi mũi nhọn, trong quá trình triển khai xây dựng và nâng chất lượng NTM, huyện Phong Điền đã cải tạo, trồng mới hơn 2.150 ha cây ăn trái các loại, nâng diện tích vườn cây ăn trái hiện nay lên khoảng 8.500 ha. Từ đó, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như: Vùng vú sữa Giai Xuân với diện tích hơn 300 ha, vùng dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái hơn 350 ha, vùngnhãnTrường Longxã Nhơn Nghĩa hơn 150 ha, vùng lúa chất lượng cao Trường Long, Giai Xuân hơn 300 ha, vùng hoa kiểng Tân Thới với quy mô hơn 200.000 chậu/năm… Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, bình quân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của Huyện đạt hơn 140 triệu đồng/ha/năm. Riêng các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh cho thu nhập đạt từ 150 đến 350 triệu đồng/ha. Cùng với đó, Phong Điền đã triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Huyện đã đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo hướng mô hình sinh thái, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế của huyện. Nhằm đảm bảo phát triển bền vững mô hình nhà vườn sinh thái, Huyện đã triển khai kế hoạch trợ giá giống cây trồng để phục vụ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn với tổng kinh phí trên 506 triệu đồng; triển khai được 126 cuộc tập huấn, hội thảo về các mô hình sản xuất hiệu quả và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.637 lượt nông dân.
 
So với các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Phong Điền là một  trong  những  địa phương phát triển du lịch từ rất sớm, nhiều điểm đến nổi tiếng như: Chợ nổi Phong  Điền, làng du lịch Mỹ Khánh, vườn ca cao Mười Cương, Vàm  Xáng  Mekong  Rustic, vườn  9  Hồng…  đều nằm trong tour truyền thống thường được du khách lựa chọn. Theo  thống  kê, toàn huyện hiện  có 59 điểm du lịch, trong đó có khoảng 32 điểm vườn du lịch sinh thái, tăng 13 điểm so với năm 2017. Đến với miền quê sinh thái Phong Điền du khách không chỉ thăm quan, hái quả mà còn được tham gia vào các hoạt động gắn với thiên nhiên và sinh hoạt cùng những người dân bản địa như: Bơi ghe thư giãn, tát mương bắt cá, làm bánh dân gian Nam Bộ, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây… Riêng năm 2018, du lịch Phong Điền đã đón khoảng 1,4 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 1,2 triệu khách nội địa; doanh thu du lịch đạt khoảng 304 tỉ đồng. Có thểt hấy các mô hình du lịch miệt vườn tập trung phát huy tiềm năng về trái cây, nông sản, văn hóa bản địa, đã và đang từng bước tạo ra những sản phẩm riêng, đúng chất sinh thái của vùng văn minh sông nước miệt vườn; đồng thời góp phần không nhỏ vào quá trình hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM sinh thái của Phong Điền.
 
Ngoài phát triển quy mô sản xuất mô hình miệt vườn, Huyện còn quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và cải tạo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nâng chất tiêu chí giao thông phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Cụ thể trong năm 2018, Huyện đã huy động nguồn lực xã hội bắc mới 28 cây cầu, sửa chữa 16 cây cầu; sửa chữa, nâng cấp hơn 10 km và làm mới hơn 12 km đường giao thông nông thôn. Hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, Huyện đã huy động nhân dân góp sức dọn cỏ, khai thông dòng chảy được hơn 76 km kênh mương; đắp 116 đập; kè mé, xây dựng gia cố hơn 5 km đê bao. Qua đó, góp phần đảm bảo hơn 95% diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu, thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, 98,99% hộ dân sử dụng điện an toàn kỹ thuật; 34/43 trường đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt khoảng 90%... Song song với đó, Huyện tập trung nâng cấp, sửa chữa và xây dựng cảnh quan môi trường các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Với phương châm đường làm mới tới đâu hoa được trồng tới đó, đến nay huyện Phong Điền đã tạo được diện mạo cảnh quan tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành, sạch sẽ, là địa điểm hấp dẫn du khách khi đến tham quan, trải nghiệm ở địa phương. Thêm vào đó, huyện đã xây dựng 7 mô hình giảm nghèo giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ nghèo trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2018 là 2,16%, giảm 1,35% so với năm 2017 (theo chuẩn mới); thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tiếp tục được cải thiện. Đồng thời, nhân rộng mô hình và duy trì hoạt động của các tổ thu gom rác thải sinh hoạt; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục...
 
Những thành quả xây dựng NTM sinh thái huyện Phong Điền đạt được ngoài sự chung tay góp sức của con nhân dân trong huyện, còn có sự nỗ lực quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từ Trung ương tới địa phương. Năm 2018, Huyện đề ra 3 nhóm giải pháp để nâng chất cũng như hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến NTM sinh thái đó là: Thể chế, chính sách; tổ chức thực hiện nguồn lực. Bên cạnh đó, huyện Phong Điền kiến nghị thành phố sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, đồng bộ và có những chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp, hiệu quả cho người nông dân. Đặc biệt chính sách về tín dụng nhằm giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn trung dài hạn để cải tạo vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh; chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, xem xét, hỗ trợ huyện xây dựng các tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái kết hợp với giao thông nông thôn gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Tin rằng, với sự phát huy nội lực sẵn có và sự trợ lực từ cấp trên, mục tiêu huyện nông thôn mới sinh thái của Phong Điền trong năm 2019 sẽ trở thành hiện thực./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top