Phú Thọ - Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

08/10/2022 - 10:04 PM

Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông được coi là chiến lược đột phá của tỉnh Phú Thọ. Những năm gần đây, tỉnh đã đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ và hiện đại, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực nội tại, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, có địa hình trung chuyển giữa vùng đồng bằng với trung du, miền núi; có mạng lưới giao thông chủ yếu hoạt động ở 3 loại hình là: Giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan ban ngành, của các chủ đầu tư và sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh, hạ tầng giao thông của Tỉnh ngày càng được mở rộng, chất lượng nâng cao, kết nối thuận tiện từ đô thị đến nông thôn, kết nối liên vùng, liên tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như nhu cầu vận tải, sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ hiện nay của Tỉnh. Phú Thọ đã nỗ lực phát triển tối đa thế mạnh là tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng hệ thống giao thông với nhiều tuyến đường quan trọng chạy qua như: Đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ (QL) 2, QL32C tránh thành phố Việt Trì, QL70, QL70B...


Lễ khởi công công trình đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL70B, QL32C
tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Trần Hoài Giang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong 3 năm (từ năm 2020 đến nay), trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, như: Dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL70B, QL32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái dài 23,5km, Dự án đường giao thông kết nối từ đường tỉnh 323 đến QL2, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ dài 6 km, Dự án cải tạo, nâng cấp 14 km, ĐT.314 đoạn Ấm Hạ đi QL70, huyện Hạ Hòa... Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài trên 40 km, trong đó có 28,6 km qua địa bàn tỉnh Phú Thọ; phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện dự án xây dựng cầu Vĩnh Phúc qua sông Lô kết nối thành phố Việt Trì với huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; đã đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 9,5 km làn đường phía trái tuyến đường QL32C tránh thành phố Việt Trì đoạn từ cầu Lâm Hạc, xã Cao Xá đến cầu Phong Châu, huyện Lâm Thao. Song song với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đảm bảo giao thông thông suốt. Trong 3 năm, đã sửa chữa tăng cường mặt đường trên 130 km, trong đó: 70 km quốc lộ và 40 km đường tỉnh; xử lý 24 điểm đen mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh...


Phối cảnh đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Tỉnh cơ bản đã được đồng bộ, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối liên kết vùng giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận phía Bắc và cả nước, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân địa phương. Toàn tỉnh hiện có 62 km đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi qua với 05 nút giao lên xuống, kết nối với thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện Phù Ninh, Cẩm Khê và Hạ Hòa. Có 09 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 531 km trong đó có 19,1 km đường cấp II; 268,5 km đường cấp III; 204,2 km đường cấp IV, 100% đều đạt tỷ lệ cứng hóa. Hệ thống cầu bắc qua sông và cầu vượt cạn được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại với 12 cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và trên 400 cầu trung và cầu nhỏ trên các tuyến quốc lộ và địa phương. Có 54 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 786,2 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 99,4%, chỉ còn 4,7 km đường đất và 8 km đường đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh Phú Thọ có trên 10,9 nghìn km, trong đó tính đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ cứng hóa đạt 72,8%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tổng độ dài đường đô thị có 538 km với tỷ lệ cứng hóa đạt 98,6%.


Người dân xã Hà Lộc (TX Phú Thọ) đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công
làm đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đảm bảo đúng tiến độ

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đồng thời đã thúc đẩy ngành Vận tải của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đang quản lý gần 2,3 nghìn đơn vị kinh doanh vận tải và trên 5,18 nghìn xe ô tô kinh doanh vận tải. Khối lượng vận tải hành khách và hàng hóa của Tỉnh đã tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2012-2021, trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ tăng 225%, vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 198%; vận chuyển hành khách và hàng hóa đường thủy nội địa tăng lần lượt 141% và 160%.


Đường liên vùng đi qua xã Điêu Lương (Cẩm Khê) đã bàn giao mặt bằng cho nhà thi công
đảm bảo đúng tiến độ

Góp phần vào thành tựu hạ tầng giao thông của Phú Thọ phát triển mạnh mẽ như ngày nay có vai trò quan trọng của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh (BQLDA). Ban QLDA đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng công trình ngay từ bước khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công và nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng quy định, quy trình quy phạm; công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán được quản lý chặt chẽ, khoa học, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư, không có tình trạng lãng phí; công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt quyết toán được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước.


Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, cùng các ban ngành, UBND huyện Tân Sơn tham dự Lễ thông xe cầu Kiệt Sơn,
huyện Tân Sơn

Trong dài hạn, ngành Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ tập trung thực hiện Phương án phát triển giao thông vận tải tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa được kết nối liên hoàn, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững, trong đó mạng lưới đường bộ có vai trò chủ yếu.
 

Các tuyến đường nội thị được đầu tư nâng cấp giúp kết nối giao thông, tạo điểm nhấn
cho TP Việt Trì (Ảnh: Tùng Linh/Cổng TTĐT Phú Thọ)

Còn trước mắt, đến cuối năm 2022, ngành Giao thông Vận tải cũng như BQLDA tỉnh Phú Thọ tiếp tục phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch các nhiệm vụ được giao, trọng tâm là tổ chức thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch đề ra. Cụ thể: Tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh, QL32C, QL70B tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; Xây dựng đường dẫn đầu cầu Vĩnh Phúc trên địa bản tỉnh Phú Thọ; Cải tạo, sửa chữa đường tỉnh 313C, Xây dựng cầu Lai Đồng. Tiếp tục thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, xây dựng hoàn thành toàn bộ các khu tái định cư thuộc dự án. Bên cạnh đó, tiến hành khởi công mới các dự án: Dự án xây dựng đường giao thông kết nối từ ĐT.323 đến QL2, huyện Phù Ninh; Xây dựng cầu Phượng Vỹ; Hoàn chỉnh dự án QL32C đoạn qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ./.

                                                                                            Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top