Phú Thọ: Thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

27/07/2020 - 04:16 PM
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng góp phần đảm bảo ổn định xã hội, Phú Thọ đã đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 5 năm triển khai, nông nghiệp đã chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành chuỗi liên kết, từ đó nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích giúp người dân cải thiện thu nhập.


Đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo tỉnh và các đại biểu thăm quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các huyện, thành, thị tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM tỉnh Phú Thọ.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp, Phú Thọ đã xác định được các sản phẩm, ngành hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh, cụ thể có 10 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh bao gồm: Lúa, gạo chất lượng cao; bưởi; chuối; rau; chè; bò thịt; lợn thịt; gia cầm; thủy sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ cùng các sản phẩm đặc trưng địa phương gồm: Bưởi Đoan Hùng, hồng không hạt; chè búp tím; sơn đỏ; cây dược liệu; khoai tầng vàng; dê; thỏ; gà nhiều cựa; ong mật…
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thăm quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM tỉnh Phú Thọ
 
Bên cạnh đó, Ngành đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề, 05 quy hoạch, 04 chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và 22 Kế hoạch chuyên ngành; tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung tranh thủ tốt các nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án để hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi (trạm bơm, hồ đập, kiên cố hóa kênh mương...); đồng thời đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung từ đó có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn.
 
Phú Thọ: Thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Sản xuất chè theo hướng VietGAP tại xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba
 
Nhằm thay đổi tập quán canh tác của người dân, Ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 484 vùng sản xuất tập trung với quy mô trên 13,5 nghìn ha và 22 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đặc biệt, diện tích các vùng chuyên canh sử dụng giống mới, giống chất lượng cao cũng được nâng lên, tiêu biểu như lúa chất lượng cao chiếm 46,7% diện tích, chè giống mới đạt 75,3% tổng diện tích. Chăn nuôi có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành Nông nghiệp; năm 2019, tổng đàn lợn Phú Thọ đứng thứ 7, tổng đàn gia cầm đứng thứ 6 cả nước. Thuỷ sản có bước phát triển khá mạnh mẽ, đẩy mạnh thâm canh, nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa, sản lượng thủy sản tăng 26% so với năm 2015. Chỉ đạo khai thác tốt lợi thế về kinh tế đồi rừng, diện tích rừng trồng tập trung đạt bình quân 9,8 nghìn ha/năm, trong đó chú trọng đầu tư thâm canh, phát triển rừng gỗ lớn đạt 3,4 nghìn ha (trồng 1,3 nghìn ha, chuyển hóa 2,1 nghìn ha). Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm ngày càng được quan tâm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ tạo lập và quản lý 20 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh việc hỗ trợ quản lý nông sản bằng tem điện tử thông minh.
 Dây chuyền sản xuất trứng gà sạch của Công ty ĐTK tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông.
                                                                                                                                Ảnh: Tư liệu.

Quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ: Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành giai đoạn 2016 - 2019 bình quân đạt 4,65%/năm; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác nông lâm, thủy sản đạt 103,6 triệu đồng/ha/năm, tăng 15,1% so với năm 2015; Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả tích cực, giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn tỉnh đã thu hút và chấp thuận đầu tư cho 85 dự án, trong đó đáng chú ý như: Dự án sản xuất trứng gà sạch với công suất 500 nghìn quả/ngày của Công ty cổ phần ĐTK; Dự án chăn nuôi với quy mô 15 nghìn gà giống, 1,2 triệu gà mái, 336 triệu quả trứng/năm của Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ…
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Phú Hộ, thị xã Phú Thọ.

Những kết quả đạt được qua việc thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp góp phần quan trọng, thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn khá toàn diện. Theo đó, Phú Thọ luôn là tỉnh nằm trong tốp đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới với 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Lâm Thao là huyện đầu tiên của khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn) và 3 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; toàn tỉnh có 85/196 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 43,4%, bình quân tiêu chí đạt 15,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 8 tiêu chí; có 246 khu dân cư được công nhận đạt khu dân cư nông thôn mới./.
 Thăm quan mô hình bưởi đặc sản tại huyện Đoan Hùng.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.
Nông dân huyện Thanh Sơn áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chè.

Trung Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top