Phục Hòa - tạo đà bứt phá để trở thành đô thị

19/03/2020 - 10:20 AM
Phục Hòa là huyện biên giới nằm ở phía Đông của tỉnh Cao Bằng, có gần 23km đường biên giới giáp với huyện Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), có cửa khẩu quốc tế Lùng đang trên đà phát triển, là một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh Cao Bằng.
 
Phục Hòa - tạo đà bứt phá để trở thành đô thị
 
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, mang lại nguồn thu
ngân sách cao cho tỉnh Cao Bằng cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương
 
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
Phát huy lợi thế có vị trí trọng yếu về an ninh - quốc phòng và cửa khẩu giao thương quốc tế, huyện Phục Hòa đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng như: Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với tiêu thụ, sản phẩm có thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu...

Huyện triển khai các mô hình cây trồng có hiệu quả kinh tế cao (Chanh leo, Na rừng, trồng dâu nuôi tằm, cây dược liệu dưới tán rừng), phát triển mạnh vùng chuyên canh cây trồng có lợi thế (mía nguyên liệu, thuốc lá…), đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các làng nghề; cải tạo vườn tạp; chủ động hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án… Nhờ đó, nhiều mô hình phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 22,86%.

Khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển chuyển đổi ngành nghề, kinh doanh… nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến đầu tư trên địa bàn, đặc biệt, đầu tư vào Cụm công nghiệp miền Đông.

Bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch như: Du lịch cửa khẩu biên giới, mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với Lễ hội Nàng Hai, di tích Thành Nhà Mạc, Đền Vua Lê; địa điểm Bác Hồ đến thăm công nhân khai thác gỗ Vẹt, Đền thờ Trần Duy Trân, Khu thờ tự của Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn; hang động Ngườm Lồm, Nặm Khao và du lịch trên sông Bằng...
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án ưu tiên
Kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là khu kinh tế cửa khẩu được huyện quan tâm đầu tư; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo phát triển cả về qui mô và chất lượng; 01/5 xã (xã Đại Sơn) đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (đang chờ tỉnh công nhận), trung bình mỗi xã đạt 13,5 tiêu chí, không có xã nào dưới 10 tiêu chí.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa, ông Đinh Bế Hoan cho biết: “Trong những năm qua, Phục Hòa đã huy động nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hoàn chỉnh hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh hoạt động kinh tế biên mậu gắn liền với thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ổn định chính trị - xã hội”.

Đến nay, hạ tầng giao thông của huyện cơ bản đã khép kín, ngoài quốc lộ 3 đã được đầu tư nâng cấp, Huyện đang triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 4a (Tỉnh lộ 208 cũ) sang thị trấn Đông Khê (Thạch An); đầu tư xây dựng cầu Lùng 2 (đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu và giải phóng mặt bằng) góp phần thúc đẩy kết nối giao thương với Trung Quốc.

Tại 2 thị trấn Hòa Thuận, Tà Lùng, Huyện đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư các tuyến đường nhánh, hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu tái định cư như: Hệ thống điện, cấp nước sinh hoạt; khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng nhà ở phủ kín các khu tái định cư; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị; hỗ trợ kiên cố hóa giao thông nông thôn, xây dựng lò đốt rác hộ gia đình, xây dựng chuồng trại, di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở…

Hoàn thành các dự án ưu tiên để đạt tiêu chí đô thị loại IV như: Công trình Trung tâm Văn hóa hữu nghị Tà Lùng; trồng mới chăm sóc 10,2 km thảm cỏ, cây xanh đô thị; lắp mới 6 km hệ thống chiếu sáng tại 2 trục đường chính trung tâm 2 thị trấn Tà Lùng, Hòa Thuận.

Thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 1,3 ha xây dựng quảng trường, vườn hoa trung tâm thị trấn Hòa Thuận; 29,1 ha quốc lộ 4A sang thị trấn Đông Khê (Thạch An); 1,1 ha Nghĩa trang Phục Hòa và tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng sân vận động huyện, công viên, quảng trường, nâng cấp bãi xử lý rác thải, tu bổ nâng cấp giao thông, nâng cấp các chợ...

Tại Khu kinh tế Cửa khẩu Lùng, thu hút thêm 2 dự án đầu tư xây dựng khách sạn; 4 dự án đầu tư kho bãi xuất nhập khẩu hàng hóa được triển khai, đưa số dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu lên 32 dự án, góp phần hoàn thiện hạ tầng tại Khu kinh tế như: Kho bãi bốc xếp hàng hóa, nhà hàng, khách sạn…

Các dự án đi vào hoạt động đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, góp phần tăng 
thu ngân sách, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn có 5 cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động; 4 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư; trên 30 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đã giúp cho thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán.
 
Qua rà soát theo các quy định đối với đô thị loại IV, đô thị huyện Phục Hòa đạt 75,95 điểm, vượt 0,95 điểm trên thang điểm tối thiểu 75 điểm quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tạo tiền đề để Phục Hòa vững bước trên con đường trở thành đô thị cửa khẩu phát triển của tỉnh.

Một mùa xuân nữa lại về, với bao đổi thay trên vùng đất biên cương Tổ quốc, Phục Hòa đang thực sự chuyển mình cùng những sắc màu đô thị./.

 
Kiều Thị Thủy

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top