Quảng Bình: Dấu ấn sau 30 năm tái lập

03/09/2019 - 09:56 AM
Những ngày đầu tái lập

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có lịch sử, văn hóa lâu đời và nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội. Nhìn lại lịch sử hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên vào năm 1975, Quảng Bình luôn chung sức, chung lòng cùng toàn tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và từng bước phát triển kinh tế. Đến năm 1989, để phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo và phát huy sức mạnh nội lực của từng địa phương, thực hiện chủ trương mới của Nhà nước, tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của Quảng Bình trên con đường xây dựng và phát triển.
 
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Quảng Bình phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách: Hậu quả chiến tranh vẫn còn nặng nề, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và những yếu tố vật chất bảo đảm cho sản xuất còn thiếu thốn, yếu kém; Địa bàn có điều kiện tự nhiên phức tạp, địa hình kéo dài, bị chia cắt, gây khó khăn cho việc quy hoạch kinh tế ngành và kinh tế lãnh thổ theo hướng sản xuất lớn; Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thất thường; Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nghèo nàn... Tuy nhiên, với chủ trương xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp cũ, chuyển sang nền kinh tế thị trường, Quảng Bình đã tìm cách khắc phục khó khăn, đẩy mạnh khai thác thế mạnh và thuận lợi để phát triển.

Trước hết, để điều hành tốt các hoạt động kinh tế - xã hội của Tỉnh, công tác xây dựng chính quyền được gấp rút thực hiện. Sau một thời gian ngắn, các địa phương trong Tỉnh đã hình thành và ổn định hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn có hiệu lực, hiệu quả, từng bước phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh, làm rõ mối quan hệ giữa Đảng - Chính quyền - Đoàn thể quần chúng. Bên cạnh đó, Tỉnh đã cơ cấu lại hệ thống tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành trên cơ sở kế thừa nguồn cán bộ từ tỉnh cũ, đồng thời mạnh dạn cất nhắc, đề bạt, bố trí cán bộ trẻ vào các cương vị lãnh đạo; quản lý sắp xếp, bố trí biên chế chặt chẽ, phát huy được trách nhiệm và tính chủ động ở mỗi cấp, mỗi ngành đảm bảo sự lãnh đạo, điều hành thống nhất và thông suốt trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các thành phần kinh tế được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tập trung quản lý.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 1991-1995, xác định rõ nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, Quảng Bình đã tập trung mọi nguồn lực phát triển sản xuất, để đảm bảo tăng trưởng cả về sản lượng và năng suất các loại cây trồng, vật nuôi, hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thâm canh, bố trí mùa vụ và cơ cấu giống hợp lý, cũng như bước đầu có những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả. Song song với đó, ngành thuỷ sản của tỉnh tập trung phát huy tiềm năng và lợi thế của nhiều thành phần kinh tế trong khai thác và chế biến hải sản.

Đồng thời, Quảng Bình tập trung nhiều nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngành giáo dục đã từng bước sắp xếp lại mạng lưới; đẩy mạnh chất lượng và xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục và y tế...

Thành tựu sau 30 năm tái lập

Sau 30 năm đổi mới và phát triển, bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Bình được tô điểm nhiều điểm sáng. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt khá. Tính chung giai đoạn 1990-2019, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,3%, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,5%; dịch vụ tăng 8,6%. Giai đoạn 2000-2009 có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất, mức tăng trưởng hai con số được duy trì trong nhiều năm nhờ có sự đóng góp lớn của sản xuất công nghiệp, mà chủ yếu là sản phẩm xi măng, clinker.

 
Quảng Bình: Dấu ấn sau 30 năm tái lập 4
 

Ảnh minh họa, nguồn internet

Quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Bình không ngừng được nâng lên, tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành tăng từ 307,7 tỷ đồng năm 1990 lên 1.955,6 tỷ đồng năm 1999, 10.621,4 tỷ đồng năm 2009 và ước đạt 36.146 tỷ đồng năm 2019 (gấp 117 lần so với năm 1990); GRDP bình quân đầu người tăng từ 0,46 triệu đồng/người năm 1990 lên 40,5 triệu đồng/người năm 2019.

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2019, ngành du lịch của Tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, kéo theo nhiều ngành dịch vụ khác phát triển.
Quảng Bình: Dấu ấn sau 30 năm tái lập 2
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình

 
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 1990-2019 đạt 5,3%; Tỷ trọng quy giá trị sản xuất nội bộ ngành nông, lâm nghiệp thủy sản cũng chuyển dịch  theo xu hướng sản xuất hàng  hóa ngày càng hợp lý và rõ nét, mang lại kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, góp phần giảm chi phí, tổn hao sau  thu hoạch; Kinh tế hợp tác, trang trại được chuyển đổi theo hướng phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường.

Sản xuất công nghiệp chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác có hiệu quả tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản vào phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó sản xuất công nghiệp tăng trưởng với tốc độ khá cao. Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng. Trong 30 năm qua, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 45 lần và đạt mức tăng trưởng bình quân 14,1%/năm. Các ngành công nghiệp có lợi thế sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản... Đáng mừng là nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục, phát triển, góp phần giải quyết nhiều việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Trong đó, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thị trường như: Composite miền Trung, gạch không nung, mây tre đan, nón lá, mộc mỹ nghệ, cơ khí sửa chữa...

Hoạt động thương mại trên địa bàn Tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ: Quy mô thị trường tăng nhanh, kết cấu các ngành, nhóm mặt hàng và phương thức kinh doanh có sự chuyển biến tích cực, từng bước tiếp cận và hoà nhập với kinh tế thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng liên tục qua các năm, dự tính năm 2019 đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, gấp 227,2 lần so với năm 1990. Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã có sự chuyển dịch theo hướng đa thành phần, trong đó kinh tế tư nhân, cá thể là chủ yếu. Nhờ đó, đã phát triển mạng lưới thương mại sâu rộng, khai thác được khối lượng lớn hàng hóa phục vụ nhu cầu xã hội. Đặc biệt, một số sản phẩm hàng hóa không chỉ đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong tỉnh mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Tính chung thời kỳ 1990-2019, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 6,9%/năm. Dự kiến năm 2019, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 70 triệu USD gấp 7 lần năm 1990. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là mặt hàng sơ chế như cao su, gỗ các loại, dăm gỗ, nhựa thông…

Sau 30 năm tái lập, thị trường dịch vụ của Tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân. Đến nay tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ trong cơ cấu GRDP chiếm trên 54,0%, mức tăng trưởng hằng năm đạt trên 6,5%. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với lượng khách trong nước và quốc tế đến tỉnh ngày càng đông đảo. Tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh trong 30 năm qua đạt trên 27 triệu lượt người.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được chú trọng, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện đáng kể. Từ năm 2016 đến tháng 9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 296 dự án (gồm 271 dự án trong nước, 25 dự án FDI). Đến nay, nhiều dự án đã triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, một số dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án may xuất khẩu của Công ty S&D; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn và Shophouse của VinGroup…; đóng góp tích cực cho thu ngân sách tỉnh, góp phần giải quyết việc làm và tạo thêm động lực quan trọng để Quảng Bình phát triển.

Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, Quảng Bình chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin ngay trong các cơ quan nhà nước gắn với cải cách và hiện đại hóa nền hành chính: Phần mềm quản lý giấy phép lái xe được triển khai dịch vụ công mức độ 4; phần mềm quản lý hộ tịch đã triển khai có hiệu quả đến 123/159 xã, phường, thị trấn trên toàn Tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình với 35 trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương được tích hợp; bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin về kinh tế, xã hội và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức và từng bước đẩy mạnh tnh công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động quản lý nhà nước.

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Bình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho những kết quả đáng khích lệ. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, bộ mặt nông thôn đổi mới toàn diện; Các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đạt trung bình 15,2 tiêu chí nông thôn mới/xã; có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45,6% tổng số xã, cao hơn 3,2 % so với mức trung bình chung cả nước; đặc biệt không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46,54%. Sau 30 năm, ngành giáo dục - đào tạo Quảng Bình đã có một vóc dáng mới: Quy mô, mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển; hạ tầng, trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đội ngũ giáo viên, giảng viên ngày càng được nâng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước có sự thay đổi căn bản. Đến nay, 100% trạm y tế xã có trụ sở làm việc khang trang; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, góp phần triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; đã có 145/159 Trạm y tế xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2011-2020 (đạt 91,2%). Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tại Quảng Bình năm 2018 đã hạ xuống còn 17,4% (thấp hơn nhiều mức 49,4% năm 1995). Mạng lưới khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở được mở rộng và củng cố; các cơ sở y tế ngoài công lập đã phát triển về số lượng và có nhiều đóng góp vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Những kết quả đạt được sau 30 năm tái lập là động lực để Quảng Bình tiếp tục phấn đấu trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực trong những năm tiếp theo./.

 
Trần Quốc Lợi 
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top