Rủi ro thiên tai đe dọa kinh tế khu vực ven biển Việt Nam

24/03/2021 - 03:00 PM
Kinh tế khu vực ven biển đang trên đà phát triển và trở thành một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng đã gây nên những tác động nặng nề, khiến cho nền kinh tế của khu vực ven biển Việt Nam phải đương đầu với những rủi ro ngày càng lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách cần có các phương án, giải pháp mang tính toàn diện, bền vững để giải quyết vấn đề.

Việt Nam có diện tích trên 331,2 nghìn km2, đường bờ biển trên 3,4 nghìn km trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với diện tích vùng biển khoảng 1 triệu km2. Cả nước có 28/63 tỉnh, thành phố có biển, trong đó có hơn 100 đơn vị hành chính cấp thành phố, thị xã, huyện có đường bờ biển. Khu vực ven biển tập trung các ngành kinh tế năng động tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu cư dân các tỉnh ven biển. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ 28 tỉnh, thành ven biển sẽ đóng góp từ 65-70% tổng GDP cả nước, tập trung vào phát triển kinh tế biển. Các khu kinh tế ven biển của Việt Nam thể hiện tương đối rõ nét 2 mô hình phát triển đó là: (1) Mô hình khu kinh tế dựa vào phát triển công nghiệp, dịch vụ, có cảng biển nước sâu, gắn với hệ thống giao thông đường bộ liên kết vùng kinh tế trọng điểm, có khả năng thu hút các dự án kinh tế động lực; (2) Mô hình khu kinh tế dựa vào phát triển du lịch biển đảo và dịch vụ, được hình thành trên các hòn đảo ngoài khơi, có tiềm năng lớn về du lịch và dịch vụ. Một số ngành kinh tế tại các khu vực ven biển đã cho thấy sức phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế then chốt và là động lực đi đầu trong tăng trưởng kinh tế khu vực ven biển, trong đó phải kể đến nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, ngư nghiệp và thủy sản, dịch vụ hàng hải, dầu khí, năng lượng tái tạo...

Với vị trí địa lý, điều kiện thuận lợi, khu vực ven biển đang ngày càng phát huy thế mạnh sản xuất thủy sản nhờ có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú, đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của vùng ven biển. Năm 2020, ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng 3,08%, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt trên 8,4 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn; trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 8,38 tỷ USD. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đóng góp 80-90% sản lượng nuôi trồng cả nước.

 
Rủi ro thiên tai đe dọa kinh tế khu vực Việt Nam
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, trong làn sóng đầu tư chuyển dịch về Việt Nam, các khu vực ven biển mà cụ thể là các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển dự kiến sẽ tiếp tục phát huy tiềm lực công nghiệp sẵn có để đón nhận thêm nhiều đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn đa quốc gia. Trong số các ngành kinh tế đóng góp lớn cho sự phát triển của khu vực ven biển không thể thiếu du lịch. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 18 tỉnh, thành phố ven biển đã đóng góp hơn 70% vào tổng sản phẩm ngành du lịch trong năm 2017.

Khu vực ven biển cũng được đánh giá là nơi thu hút dân số từ khu vực nông thôn và các vùng lân cận. Đây cũng chính là khu vực được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng và tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước. Các huyện ven biển đang tự khẳng định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Tiềm năng phát triển kinh tế tuy rất lớn, nhưng đây cũng là khu vực phải đón nhận những rủi ro do thiên tai nhiều nhất cả nước. Một trong các nguyên nhân khiến rủi ro thiên tai có xu hướng gia tăng là do tác động của biến đổi khí hậu. Là quốc gia nằm trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của biến đổi khí hậu, với kịch bản nước biển dâng trung bình 30cm vào giữa thế kỷ và hơn 70cm vào năm 2100, dự báo sẽ gây ngập lụt ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người dân sinh sống hiện nay, tương đương gần một phần tư dân số và 7% đất nông nghiệp; đồng thời có thể làm tăng đáng kể cường độ và tần suất của các hiện tượng thiên tai như: Bão biển Đông, áp thấp nhiệt đới, triều cường, lũ, sạt lở bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn… Bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng cũng tác động không nhỏ góp phần làm gia tăng rủi ro thiên tai cho khu vực ven biển. Do đó, khu vực ven biển chính là nơi đầu tiên gánh chịu và cũng là khu vực dễ bị tổn thương bởi những ảnh hưởng của thiên tai.

Trong một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) và Quỹ Giảm nhẹ Rủi ro Toàn cầu (GFDRR) cho thấy, thiên tai đã gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho Việt Nam với mức tổn thất trung bình hàng năm vào khoảng 8,1 tỷ USD (tính theo sức mua tương đương - PPP), tương ứng khoảng 2,7 tỷ USD tính theo giá trị thực. Những con số trên đã đủ lớn nhưng chưa nói hết được bức tranh tổn thất do những ảnh hưởng về sau ước tính còn lớn hơn rất nhiều. Theo Worldbank, tác động của thiên tai được tính bằng tổn thất và thiệt hại bao gồm cả năng lực ứng phó và phục hồi của các hộ gia đình. Bằng cách tính đó, ước tính tổn thất hàng năm của Việt Nam có thể chiếm 1,5 đến 2,07% GDP, mức chi phí xã hội của thiên tai ở Việt Nam vào khoảng 11 tỷ USD theo PPP, cao hơn khoảng 35% so với tổn thất tài sản trực tiếp.

Gần đây nhất là các số liệu về thiên tai của năm 2020 do Tổng cục Thống kê ghi nhận. Theo đó, trong năm qua đã có 14 cơn bão trên Biển Đông; 265 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long… Thiệt hại được tính có đến 379 người thiệt mạng, tăng 187,1%, 1.060 người bị thương, tăng gấp 5 lần; 4,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tăng gấp 2,5 lần; 594,0 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tăng gấp 8,6 lần; gần 269 nghìn ha lúa và 134,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 38,6 nghìn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 39,1 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần năm 2019, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 32,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 82,8% tổng giá trị thiệt hại). Đặc biệt là 2 cơn bão lớn trong tháng 10 và tháng 11/2020 đổ bộ vào khu vực miền Trung gây ảnh hưởng và thiệt hại kéo dài đến các tỉnh ven biển.

Đánh giá các tác động trực tiếp từ những rủi ro thiên tai đe dọa đến con người và các ngành kinh tế của khu vực ven biển Việt Nam, Worldbank cho biết, có khoảng 11,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ; trên 35% khu dân cư ven biển nằm trong khu vực rủi ro do sạt lở bờ biển; rủi ro do lũ đối với khu vực phát triển cao gần gấp đôi so với khu vực phát triển thấp; có đến 1 triệu USD GDP nông nghiệp và 1,5 triệu nông dân ảnh hưởng trực tiếp do lũ; 1,1 triệu tấn thủy sản có nguy cơ ảnh hưởng, trị giá tương đương 935 triệu USD xuất khẩu; 42% khách sạn ven biển nằm trong khu vực bị sạt lở. Ngoài ra, một nửa trên tổng số các khu công nghiệp, 22% trường học, 26% cơ sở y tế đứng trước các nguy cơ ảnh hưởng do lũ lớn. Ngành vận tải cũng có khả năng chịu nhiều thiệt hại khi bão với tốc độ gió lên tới 200 km/h có thể làm tê liệt hệ thống đường bộ dẫn đến thiệt hại trung bình từ 114-324 triệu USD/ngày; 36% đường dây tải điện nằm trong rừng với nguy cơ cây đổ do bão ảnh hưởng đến ngành năng lượng và dự báo 52/63 tỉnh, thành có thể gặp phải vấn đề cạn kiệt nguồn nước ở các lưu vực sông đến năm 2030 gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

Tính theo địa phương, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… chính là những địa phương có tỷ lệ rủi ro cao do lũ từ biển. Trong đó, hai đồng bằng lớn nhất cả nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là 2 khu vực có nguy cơ rủi ro cao nhất. Ảnh hưởng của thiên tai không chỉ đối với kinh tế mà còn gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, nguồn nước, tác động sâu và trực tiếp đến đời sống của người dân, đặc biệt đe dọa đến công cuộc xóa đói giảm nghèo của các khu vực này.

Những con số trên đã cho thấy vai trò quan trọng của nền kinh tế các tỉnh ven biển trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cùng những khó khăn mà khu vực này phải gồng mình gánh chịu trước rủi ro thiên tai. Đồng hành cùng các địa phương, Chính phủ đã thực hiện nhiều hành động để giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai trong nhiều năm qua và chuẩn bị các kế hoạch cho tương lai. Công tác quản lý rủi ro thiên tai được dựa trên 3 chức năng chính, đó là: Xác định rủi ro với dữ liệu và các công cụ ra quyết định; Giảm nhẹ rủi ro thông qua biện pháp xây dựng khả năng chống chịu; quản lý rủi ro thông qua việc quản lý các rủi ro còn lại.

Tuy nhiên, dù trên thực tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong khu vực về cơ sở hạ tầng, năng lực và nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai nhưng vẫn còn những hạn chế đáng kể; vẫn tồn tại nguy cơ lớn cho cộng đồng khi vùng ven biển phát triển nhanh, cộng với sự gia tăng nguy cơ theo thời gian do biến đổi khí hậu. Theo đó, các thông tin về thiên tai và rủi ro hiện nay được cho là còn rải rác và không đầy đủ, việc sử dụng công cụ ra quyết định hiệu quả mạnh vẫn còn hạn chế dù có yếu tố chưa chắc chắn trong dự báo. Các chính sách và thể chế trong quản lý vùng ven biển còn thiếu trong khi việc thực thi cũng là một thách thức lớn, quy hoạch không gian biển dù đang được thực hiện nhưng tiến độ còn chậm. Cơ sở hạ tầng phát triển còn thiếu quy hoạch dựa trên phân tích rủi ro và bảo trì hệ thống, tiêu chuẩn an toàn bắt buộc đang ở mức thấp nhưng vẫn chưa được thực hiện triệt để. Trong đi đó, hệ sinh thái bảo vệ đang chịu áp lực ngày càng tăng do phát triển và khai thác quá mức dẫn đến mất đa dạng sinh học và giảm vai trò phòng hộ của các công cát ven biển đối với bờ biển. Đặc biệt, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai còn gặp nhiều hạn chế về năng lực, các hệ thống cảnh báo sớm chưa hiệu quả, thiếu kinh phí.

Đứng trước thiên nhiên, con người thật nhỏ bé, nhưng nếu như bắt tay vào thực hiện những kế hoạch, chiến lược dài hơi và mạnh mẽ, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chúng ta vẫn có khả năng giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Việt Nam cần mạnh tay hơn nữa để các địa phương ven biển có thể tiếp tục tăng trưởng xứng đáng với tiềm năng lợi thế của khu vực, phát huy vai trò của khu vực kinh tế năng động./.

 
 Duy Hưng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top