SÁCH HAY: Hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu trong thống kê nhà nước

09/12/2019 - 03:23 PM
Thống kê là môn khoa học về dữ liệu và được nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước công nghiệp phát triển, sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và giám sát việc thực hiện các chính sách này đạt được hiệu quả cao nhất chỉ khi được xây dựng dựa trên bằng chứng là số liệu thống kê tin cậy.

Để sản xuất được những số liệu thống kê đảm bảo chất lượng, đòi hỏi trước tiên phải tập trung nghiên cứu phương pháp luận thống kê theo chuẩn mực quốc tế và áp dụng vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu thống kê đối với thống kê nhà nước của mỗi quốc gia, Viện Thống kê Liên hợp quốc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNSIAP) đã biên soạn và phát hành cuốn sổ tay “Introduction to methods for research in offical statistics”, tạm dịch là “Hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu trong thống kê nhà nước”. Sổ tay hướng dẫn được biên soạn dưới sự chỉ đạo của bà Davaasuren Chultemjamts, Viện trưởng Viện Thống kê Liên hợp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNSIAP), sự trợ giúp của ngài Jose Ramon G. Albert và được Viện Khoa học Thống kê chủ trì dịch phát hành.

Sổ tay dày 200 trang, được kết cấu thành 6 chương, bao gồm các nguyên tắc nghiên cứu cơ bản cũng như nhiều phương pháp Thống kê phục vụ cho nghiên cứu. Các chủ đề được đề cập trong tài liệu gồm có: Các vấn đề về thực hiện nghiên cứu, xác định vấn đề nghiên cứu và thiết kế nghiên cứu, phân tích Thống kê, viết và trình bày báo cáo nghiên cứu. Bên cạnh đó, một số Báo cáo tóm tắt, đặc biệt là từ Khóa đào tạo Vùng RbTP đầu tiên do UNSIAP và đối tác khu vực là Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thống kê Philippin thực hiện cũng được đưa ra. Đồng thời, tài liệu cung cấp các thảo luận mở rộng về việc sử dụng phần mềm thống kê STATA (phiên bản 10) cho xử lý và phân tích dữ liệu cơ bản, bao gồm cả việc lập các bảng biểu và đồ thị, chạy và chẩn đoán các mô hình hồi quy cũng như thực hiện các phân tích nhân tố.

Đây là cuốn sổ tay rất có giá trị trong công tác đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích của đội ngũ những người làm công tác thống kê và cải thiện chất lượng số liệu thống kê nhà nước.

Dưới đây, Tạp chí Con số và Sự kiện giới thiệu một phần nội dung của cuốn sổ tay, với phần 1.4. Dự án nghiên cứu thuộc Chương I. Nghiên cứu, nhà nghiên cứu và độc giả.
1.4. Dự án nghiên cứu
Mặc dù không có một công thức đơn lẻ nào để hướng dẫn cho tất cả các nhà nghiên cứu nhưng một dự án nghiên cứu thường bao gồm lập kế hoạch và viết báo cáo nghiên cứu. Bắt đầu từ việc lựa chọn một vấn đề nghiên cứu, xác định các câu hỏi hoặc các mục tiêu nghiên cứu, thu thập dữ liệu thích hợp để trả lời các câu hỏi cho tới phân tích dữ liệu. Phần lớn các ghi chép trong nghiên cứu thường là các ghi chép đơn giản về các thông tin thu thập được.

Khi thực hiện một dự án nghiên cứu, để đưa ra được một báo cáo nghiên cứu có chất lượng, nhà nghiên cứu thường phải tiến hành các bước sau:


1. Xác định và trình bày vấn đề nghiên cứu: a. Đánh giá khả năng nghiên cứu của vấn đề và giá trị của nghiên cứu; b. Xây dựng các mục tiêu nghiên cứu, bao gồm các mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể.

2. Xem xét tài liệu và phỏng vấn các chuyên gia để nắm vững vấn đề nghiên cứu.

3. Xem xét và hoàn thiện các mục tiêu nghiên cứu.

4. Xây dựng khung khái niệm của nghiên cứu (bao gồm các giả định).
 

5. Trình bày các giả thuyết.

6. Xây dựng khung thao tác khái niệm của nghiên cứu.

7. Xác định các trở ngại nghiên cứu có thể xảy ra.

8. Xây dựng thiết kế nghiên cứu: a. Thiết kế mẫu; b. Phương pháp thu thập dữ liệu; c. Các phương pháp phân tích dữ liệu.

9. Thu thập dữ liệu.

10. Xử lý dữ liệu.

11. Tổng hợp dữ liệu.

12. Phân tích và giải thích dữ liệu.

13. Kết luận và kiến nghị.

14. Báo cáo kết quả nghiên cứu.

Tất nhiên, các bước thực hiện trên không phải là một quy tắc và cũng không nhất thiết phải được thực hiện một cách tuần tự và rập khuôn. Tuy nhiên, qua đó chúng ta có thể thấy được một số bước khi tiến hành nghiên cứu cũng như nhận ra một số lỗi phổ biến khi tiến hành nghiên cứu. Asis (2002) đã liệt kê các lỗi phổ biến như sau:

1. Thu thập dữ liệu khi chưa xác định rõ kế hoạch hoặc mục đích sử dụng dữ liệu mà chỉ mong có thể xác định được ý nghĩa của dữ liệu sau khi đã thu thập;

2. Lấy tập dữ liệu có sẵn và cố gắng khớp dữ liệu đó với các vấn đề nghiên cứu;

3. Xác định các mục tiêu nghiên cứu dưới dạng các mệnh đề chung chung và mơ hồ khiến cho các giải thích và kết luận trở nên tùy tiện, vô căn cứ;

4. Thực hiện dự án nghiên cứu mà không xem xét các tài liệu chuyên môn hiện có về đề tài nghiên cứu;

5. Sử dụng các phương pháp nghiên cứu đặc biệt chỉ áp dụng cho một tình huống nhất định mà không cho phép khái quát hóa cho các tình huống khác cũng như không đóng góp vào nội dung chính của nghiên cứu;

1. Không đưa được nghiên cứu vào khung lý thuyết và khái niệm hợp lý, do đó không thể liên kết các thành phần của nghiên cứu với nhau thành một trình tự có hệ thống, đồng thời không thể cung cấp các đánh giá và thông tin phản hồi cho lý thuyết giáo dục;

2. Không đưa ra được các giả định cơ bản và rõ ràng trong nghiên cứu để có thể đánh giá được nghiên cứu trên cơ sở các giả định này;

3. Không nhận ra được các hạn chế tiềm ẩn hoặc rõ ràng trong phương pháp tiếp cận, do đó làm hạn chế kết luận, đồng thời không nhận ra được các hạn chế này trong các trường hợp khác;

4. Không thể dự đoán các giả thuyết đối nghịch khác cũng có thể mang lại kết quả nghiên cứu như vậy, từ đó thách thức các giải thích và kết luận của nhà nghiên cứu.

5. Phần lớn các vấn đề nêu trên có thể giải quyết được nếu trước khi bắt đầu dự án nghiên cứu có thể xây dựng được một đề cương nghiên cứu, từ đó nhà nghiên cứu có thể lập kế hoạch cho quá trình nghiên cứu, tức là tính toán được cần làm những gì, cần đo lường những gì và đo lường như thế nào. Việc thực hiện nghiên cứu phải được tiến hành theo đề cương nghiên cứu. Thông thường, các nhà nghiên cứu cũng viết đề cương nghiên cứu để xin tài trợ hoặc đề nghị các cơ quan xem xét và phê duyệt nghiên cứu theo nguyên tắc. Khi viết một đề cương nghiên cứu nên lưu ý các vấn đề như sau: (xem ví dụ, Hội thảo về các phương pháp nghiên cứu tại Đại học Nam California theo trích dẫn của Asis, 2002):

1. Thách thức cơ bản: Điều gì làm nảy sinh vấn đề hoặc khiến bạn quan tâm tới vấn đề?

2. Lý do nghiên cứu và cơ sở lý thuyết: Vấn đề nghiên cứu có phù hợp với một khung khái niệm rõ ràng nào hay không? Hay nói cách khác, bạn có thể bắt đầu vấn đề từ các khái niệm hợp lý, các mối quan hệ và kỳ vọng dựa trên các tư tưởng hiện thời trong lĩnh vực này không? Bạn có thể xây dựng được một khung khái niệm cho các ý tưởng của mình nhằm đưa ra khái niệm, định hướng và phương hướng cho tư duy hay không?

3. Trình bày mục đích hoặc vấn đề nghiên cứu: Xác định vấn đề nghiên cứu. Bạn dự định nghiên cứu và khảo sát về những vấn đề gì? Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh nào? Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu là gì? Tại sao vấn đề đó lại quan trọng?

4. Những câu hỏi sẽ được nghiên cứu trả lời: Khi hoàn thành nghiên cứu, các câu hỏi nào được kỳ vọng sẽ có câu trả lời hợp lý?

5. Trình bày các giả thuyết hoặc mục tiêu nghiên cứu: Nêu ra các giả thuyết nghiên cứu cụ thể mà bạn sẽ kiểm định hoặc các mục tiêu cụ thể mà nghiên cứu hướng tới. Cần trình bày cụ thể, rõ ràng và đảm bảo chắc chắn rằng mỗi giả thuyết hoặc mục tiêu đều được trình bày dưới dạng các hành vi có thể quan sát được và các hành vi này cho phép đánh giá khách quan về kết quả nghiên cứu.

6. Thiết kế và trình tự nghiên cứu: Nêu rõ các chủ thể nghiên cứu là ai, được lựa chọn như thế nào, các điều kiện thu thập dữ liệu, các biến nghiên cứu được vận dụng, các công cụ đo lường, các phương pháp thu thập dữ liệu khác sẽ được sử dụng cũng như cách thức phân tích và giải thích dữ liệu.

7. Các giả định: Các giả định nào được đưa ra về bản chất của hành vi đang khảo sát, về các điều kiện mà hành vi xảy ra, về các phương pháp và đo lường hoặc về mối quan hệ của nghiên cứu này với các cá nhân và các tình huống khác.

8. Hạn chế: Trong quá trình tiến hành nghiên cứu, những hạn chế nào làm giới hạn các kết luận nghiên cứu? Những hạn chế nào còn tồn tại trong các phương pháp hoặc trong giới hạn của phương pháp tiếp cận mẫu, các biến không thể kiểm soát, thiết bị đo đạc bị lỗi cũng như các yếu tố khác làm tổn hại đến các giá trị bên trong và bên ngoài của nghiên cứu.

9. Các giới hạn nghiên cứu: Bạn đã tự thu hẹp phạm vi nghiên cứu như thế nào? Bạn có tập trung vào các khía cạnh được chọn lọc của vấn đề, các lĩnh vực quan tâm cụ thể, phạm vi giới hạn của đề tài cũng như mức độ phức tạp kèm theo?

10. Định nghĩa các thuật ngữ: Giới hạn và xác định các thuật ngữ chủ yếu sẽ được sử dụng, đặc biệt là các thuật ngữ đa nghĩa. Cần chú trọng vào các định nghĩa thao tác khái niệm hoặc hành vi.
Sau khi nhà nghiên cứu đã có đề cương nghiên cứu và bắt đầu thực hiện nghiên cứu, tiếp đó báo cáo nghiên cứu sẽ được soạn thảo, sửa đổi và hoàn thiện. Do vậy, để tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần phải có một số kỹ năng như sau:

1. Các kỹ năng thực hành: Thiết kế, lập kế hoạch và xác định phạm vi cho công tác nghiên cứu, lập đề cương các báo cáo, định dạng các thư mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên, viết rõ ràng và trình bày kết quả;

2. Các kỹ năng nghiên cứu: Các phương pháp tìm kiếm tài liệu liên quan;

3. Các kỹ năng về nhận thức: Xác định các mục tiêu và giả thuyết nghiên cứu, sắp xếp các ý thành những khẳng định và lập luận chặt chẽ, thực hiện các phân tích và suy luận có căn cứ từ dữ liệu cũng như nhận thức được rằng nghiên cứu khoa học là sự nghiệp tập thể.

4. Bên cạnh đó, sẽ rất hữu ích nếu như nhà nghiên cứu biết được những đánh giá của độc giả đối với báo cáo nghiên cứu. Cuối cùng, không phải ai khác, nhà nghiên cứu chính là người chịu trách nhiệm về các kết quả nghiên cứu cũng như nội dung của báo cáo nghiên cứu./.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top