Sản xuất xanh - Mắt xích quan trọng để tăng trưởng xanh

03/11/2021 - 09:02 AM
Một xu hướng toàn cầu…
Sản xuất xanh là quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho con người. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh môi trường… bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt,… làn sóng tiêu dùng xanh đang lan rộng trên toàn cầu thì sản xuất xanh là xu thế tất yếu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh. Dựa trên những cách tiếp cận nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh khác nhau, mỗi quốc gia xây dựng những mô hình, cách thức sản xuất xanh khác nhau cho từng lĩnh vực, ngành kinh tế.

Là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh”, Mỹ từ sớm đã thúc đẩy một nền sản xuất xanh hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo. Chính phủ Mỹ áp dụng hạn ngạch khí thải và cho phép các doanh nghiệp xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết cho các công ty khác. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải, như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. Đáp ứng yêu cầu này, một hãng xe danh giá của Mỹ là Ford đã áp dụng quy trình sản xuất xanh như sử dụng các nguyên liệu tái chế nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường và cho sản xuất những dòng xe thân thiện với môi trường.

Còn tại các nước châu Âu, sản xuất xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu để xanh hóa nền kinh tế. Một quốc gia trong EU là Thụy Điển cũng đã tuyên bố sẽ hoàn toàn không sử dụng dầu mỏ, đồng thời loại trừ sử dụng than đá và năng lượng hạt nhân ra khỏi quy trình sản xuất. Với tham vọng trở thành“quốc gia xanh” nhất tại châu Âu và trên thế giới, Đan Mạch xây dựng chiến lược năng lượng đến năm 2035, sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu tái tạo. EU còn liên tục thông qua và xây dựng những tiêu chuẩn về khí thải ô tô cho các nước trong khu vực như Euro 5, Euro 6, làm cơ sở để các nước cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường. Đây là động lực để một ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô là BMW của Đức đã cho ra mắt mẫu ô tô điện BMW i3 được sản xuất theo quy trình tiết kiệm 50% năng lượng và 70% nước, 95% kết cấu xe có thể tái chế trong thời gian gần đây.

Sản xuất xanh không chỉ được thúc đẩy phát triển trong ngành công nghiệp lớn mà còn lan rộng sang nhiều ngành kinh tế khác. Ví dụ trong ngành thời trang, nhiều thương hiệu toàn cầu như Nike, Adidas, Zara, H&M, Levi’s… đã đồng loạt có những hành động hướng đến sản xuất xanh. Điển hình là Nike cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy vào năm 2025; Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ hoặc tái chế để làm quần áo; H&M đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chỉ dùng loại nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm.

… lan tỏa đến Việt Nam

Cũng như nhiều nước trên thế giới, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh. Đồng thời lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…

 
Sản xuất xanh  - Mắt xích quan trọng để tăng trưởng xanh
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Sản xuất xanh thường được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp với sự tham gia của cả người dân và doanh nghiệp. Trong những năm gần đây tại Việt Nam đã hình thành nên các trang trại xanh, có phương án sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt; phát triển sản xuất gắn liền với tạo lập môi trường sinh thái bền vững, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân tại các địa phương đã tham gia các hợp tác xã sản xuất rau sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Đến nay sản xuất xanh đã và đang lan tỏa sang nhiều các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, thương mại… mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình.

Trong hơn 3 năm qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo… Vitas đồng thời phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may.

Hiệp hội ngành gỗ cũng đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ theo hướng phát triển bền vững, kiên quyết không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp; đồng thời chính thức cho ra mắt Quỹ “Việt Nam xanh”.

Hiện không ít doanh nghiệp ngành F&B (Food and Beverage Service, là ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống) cũng ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần…
Năm 2018, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST - một thành viên của Tập đoàn Vingroup ra mắt các sản phẩm xe đạp điện và các mẫu thiết kế cho dòng xe ô tô điện cũng đã đánh dấu bước đột phá mới cho xu hướng sản xuất xanh của ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam.

Theo đuổi chiến lược sản xuất xanh, các doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp cụ thể như: Tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng, sản xuất giúp giảm chi phí điện năng, (cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt, máy biến tần…); đồng thời sử dụng hệ thống điện mặt trời giúp tận dụng nguồn năng lượng sạch, tạo điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng, tiết kiệm nước. Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, mỗi năm doanh nghiệp có thể tiết kiệm lên đến hàng tỉ đồng. Điều này cho phép các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá.

Tiêu dùng xanh, sống xanh đã và đang là một xu hướng phát triển trong thời gian qua và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, sản xuất xanh còn giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể trong kết quả kinh doanh. Chứng minh là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, sản xuất xanh đang giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, duy trì hoạt động ổn định, tạo cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

 
Sản xuất xanh  - Mắt xích quan trọng để tăng trưởng xanh
Ảnh minh họa, nguồn Internet

 
Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế (như Tiêu chuẩn ISO 14000) để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và hưởng thuế các suất ưu đãi. Bởi trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… ngoài những cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa, dịch vụ, thì môi trường hay phát triển bền vững là những nội dung không thể thiếu. Ví dụ như Hiệp định CPTPP có một chương riêng về môi trường với các cam kết liên quan tới chính sách pháp luật về môi trường, trong đó có điều khoản liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên và xử lí chất thải từ quá trình đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Việc áp dụng mô hình sản xuất xanh rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản đáp ứng được các cam kết trên, mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu. Hay đối với ngành gỗ Việt Nam, việc Hiệp hội ngành gỗ ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ theo hướng phát triển bền vững, không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp đang giúp các doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn các quy định nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Sản xuất xanh còn yếu tố tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế bởi sản xuất bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng để họ lựa chọn đối tác. Chẳng hạn như Adidas - một trong các đối tác lớn nhất của doanh nghiệp dệt may, da giầy Việt Nam - áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về các chỉ số xanh, quy định mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch, khí thải CO2.

Tuy nhiên, sản xuất xanh là một bài toán không dễ dàng, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay giải quyết. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, tạo các hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững. Đồng thời, cần siết chặt các tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường trong sản xuất nhằm nỗ lực gìn giữ môi trường, để các nguồn tài nguyên thiên nhiên có cơ hội và thời gian tái tạo. Ở góc độ người tiêu dùng, cần ý thức rõ nhu cầu sử dụng sản phẩm “xanh” của mình để mở ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận và khai thác.

Bên cạnh những yếu tố trên, việc xây dựng một nền sản xuất xanh chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất. Họ cần phải có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dành nguồn lực vốn đáng kể cho quy trình sản xuất xanh. Làm được những điều trên, Việt Nam sẽ có được một mắt xích vững chắc để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững./.

 
Ngọc Linh
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top