Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý II năm 2021

06/07/2021 - 10:53 AM

 Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước

Bước sang năm 2021, bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều “điểm sáng” hơn bởi các nền kinh tế lớn đã dần hồi phục sau những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Trong quý II, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những nhận định khả quan hơn, Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 5,6% trong năm 2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến GDP toàn cầu sẽ tăng 6% vào năm 2021. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 là 5,8%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc đều có bước phục hồi và phát triển đáng kể.

Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 tạo ra mất thời gian dài nữa mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023. Dự báo “khoảng trống việc làm” do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ đạt đến con số 75 triệu việc làm năm 2021, trước khi giảm xuống còn 23 triệu việc làm vào năm 2022. Dự báo tiến trình phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vắc xin còn gặp nhiều khó khăn và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ.

Ở trong nước, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Kết quả điều tra lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan so với quý I. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước.

Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. 
 
Trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.

Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%.

Gần một nửa (48,1%) tổng số người thất nghiệp cho biết công việc của họ bị bệnh dịch gây hại (tăng 11,8 điểm phần trăm so với quý trước). Khoảng một phần năm (22,6%) số người đang có việc làm cho biết họ chịu tác động xấu bởi đại dịch (tăng 7,1% điểm phần trăm so với quý trước). Cuối cùng, trong số 23,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia hoạt động kinh tế, 3,8% cho biết phải chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch (giảm 0,5 điểm phần trăm so với quý trước).

Hình 1: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực chia theo tình trạng tham gia
thị trường lao động, Quý I và Quý II năm 2021

Đơn vị tính: %

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1]

Lao động có việc làm trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ít chịu tác động xấu của đại dịch nhất, chỉ có với 8,9% lao động trong khu vực này cho biết họ chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng với 24,6% bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ 30,6%.

Hình 2: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực chia theo khu vực kinh tế,
Quý I và Quý II năm 2021

Đơn vị tính: % 

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 1

Trong quý II năm 2021, dân số từ 15 tuổi trở lên tham lực lượng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19.

Đến hết quý 2 năm 2021, tình hình bệnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, đất nước phải trải qua 2 tuần thực hiện “cách ly toàn xã hội” trên phạm vi toàn quốc, hàng loạt các doanh nghiệp yếu kém, không cần thiết buộc phải đóng cửa. Lao động có việc làm phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề và lựa chọn duy nhất của họ là ngừng làm việc vì họ không có ràng buộc gì với nhà tuyển dụng. Họ bị buộc phải rời khỏi thị trường lao động và kết quả là lực lượng lao động năm 2020 bị sụt giảm nghiêm trọng.

Năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng nhưng ảnh hưởng không đồng đều đến các khu công nghiệp. Các lao động chính thức trong khu công nghiệp đã bị ảnh hưởng nhưng hầu hết, mặc dù không phải tất cả, vẫn được chủ sử dụng lao động duy trì hợp đồng công việc. Điều này làm lực lượng lao động quý II năm 2021 không giảm như cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2021 đạt 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người. Nếu so với xu hướng tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi chưa có dịch thì lực lượng lao động thực tế quý II năm 2021 đang thấp hơn trạng thái bình thường là 1,7 triệu người. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu dân số từ 15 tuổi trở lên.

So với quý trước, lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng 354,8 nghìn người) và lực lượng lao động nam (tăng 36,3 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng hơn 1 triệu người) và lực lượng lao động nữ (tăng hơn 1,3 triệu người).

Hình 3: Lực lượng lao động các quý, giai đoạn 2019-2021

Đơn vị tính: Triệu người

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 2

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý II năm 2021 giảm so với quý trước; lao động có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng, đưa quý II năm 2021 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây.

So với quý trước, quy mô lao động có việc làm trong quý II năm nay không đạt được mức tăng trưởng dương như xu hướng thường quan sát được ở những năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý II năm 2021 đạt 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước, trong đó, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 31,8 triệu người, giảm 369,3 nghìn người; lao động nữ là 23,4 triệu người, giảm 110,4 nghìn người.

Quý II năm 2021 cũng ghi nhận mức độ tăng trưởng mạnh về lao động có việc làm (tăng 1,8 triệu lao động) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây không thể được coi là thành quả tăng trưởng ấn tượng vì nó được so sánh với nền sụt giảm quá mạnh của lao động có việc làm trong cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, số người có việc làm quý II năm 2021 vẫn thấp hơn số người có việc làm cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19, thấp hơn gần 500 nghìn người. Nếu giả định dịch được kiểm soát và nền kinh tế được hồi phục hoàn toàn, để đạt được trạng thái bình thường ban đầu, so với cùng kỳ năm trước quy mô lao động có việc làm năm nay cần phải tăng 3,6 triệu người chứ không phải 1,8 triệu người như đã quan sát được. Rõ ràng, sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm.
 
Trong quý II năm 2021, số người có việc làm phi chính thức là 20,9 triệu người, tăng 251,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2021 là 57,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, quý II năm 2021 là quý ghi nhận tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động mà còn đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.

Hình 4: Tỷ lệ lao động phi chính thức các quý, giai đoạn 2019-2021

Đơn vị tính: %
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 3 

Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. So với quý trước, lao động làm việc ở khu vực này sụt giảm cả về số lượng và tỷ trọng, số người thiếu việc làm ở khu vực này tăng cao.

Trong quý II năm 2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, giảm 2,25% so với quý trước và tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,6 triệu người đang làm việc, tăng 3,19% so với quý trước, và tăng 3,64% so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý trước và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trên phạm vi cả nước, thiếu việc làm trong độ tuổi[2] quý II năm 2021 là 1,1 triệu người, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước và giảm 137,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2021 là 2,60%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị[3]. Điều này có nghĩa là, lao động ở khu vực thành thị đang chịu nhiều sức ép về việc làm hơn ở khu vực nông thôn trong làn sóng dịch lần thứ tư.

Trong ba khu vực kinh tế, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực dịch vụ quý II năm 2021 chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,8% (tương đương với hơn 410 nghìn người thiếu việc làm); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35,6% (hơn 407 nghìn người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,6% (hơn 327 nghìn người). So với cùng kỳ năm 2020, số lao động thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ quý II năm 2021 tăng gần 100 nghìn người. Sự bùng phát của đại dịch trong quý II đã làm gia tăng áp lực về nhu cầu làm thêm giờ của người lao động ở khu vực dịch vụ.

Khoảng 879 nghìn người, hay hơn ba phần tư (76,8%) lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2021 không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT). Số lượng và tỷ trọng này ở quý II năm 2020 và 2019 tương ứng là hơn 1 triệu người (83,6%) và khoảng 492 nghìn người (82,5%).

Hình 5: Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật

Đơn vị tính: Nghìn người

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 4

Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,1 triệu đồng, giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Đà phục hồi và tăng trưởng thu nhập bình quân từ công việc chính của người lao động bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,44 lần (7,1 triệu đồng so với 4,9 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,41 lần (7,5 triệu đồng so với 5,3 triệu đồng). Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II năm 2021 đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ quý III năm 2020 đến quý I năm 2021. Quý II năm 2021 ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước.

Trong quý II năm 2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân tháng đạt 6,7 triệu đồng, giảm 464 nghìn đồng, tương ứng giảm 6,5% so với quý trước; lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng, giảm 291 nghìn đồng, tương ứng giảm 3,9%. Riêng thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,7 triệu đồng, tăng 80 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2%, đây là khu vực duy nhất có mức thu nhập bình quân tăng so với quý trước.

Hình 6: Thu nhập bình quân người lao động theo khu vực kinh tế,
các quý giai đoạn 2019 - 2021

Đơn vị tính: Triệu đồng

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 5

Mặc dù so với quý trước, thu nhập người bình quân người lao động giảm, nhưng so với cùng kỳ năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm 2021 đã được cải thiện. Tính chung trong quý II năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ như: Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 14,9%, tăng tương ứng 926 nghìn đồng; xây dựng tăng 11,6%, tăng tương ứng 716 nghìn đồng; thông tin và truyền thông tăng 11,1%, tăng tương ứng 1 049 nghìn đồng và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,2%, tăng tương ứng 441 nghìn đồng.

Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II năm 2021 đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương cao hơn lao động nữ 1,2 lần (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn 1,3 lần so với thu nhập của lao động ở nông thôn (tương ứng 7,7 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước và dao động xung quanh mức 2%.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý II năm 2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm và giảm 0,95 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, tỷ lệ thất nghiệp chung và thất nghiệp của lao động trong độ tuổi vẫn chỉ dao động xung quanh con số 2%. Trên thực tế, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tước đi hy vọng về khả năng tìm kiếm được việc làm của người lao động. Chính vì vậy, khi mất việc, thay vì tích cực đi tìm việc làm khác, người lao động lại tin là không thể tìm được việc làm và chấp nhận tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, trở thành lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế. Điều này làm số lượng người thất nghiệp không tăng tương ứng với số người mất việc, bị đẩy ra khỏi thị trường lao động và khiến tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao, chỉ dao động quanh mức 2% ngay cả khi thị trường lao động gặp nhiều sóng gió.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi có trình độ chuyên môn kỹ thuật quý II năm 2021 đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tỷ lệ này ở nhóm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và từ đại học trở lên giảm so với quý trước lần lượt là 0,38; 0,04; 0,69 và 0,14 điểm phần trăm. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở nhóm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và từ đại học trở lên giảm lần lượt là 1,35; 0,37; 0,47 và 0,09 điểm phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thực trạng này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Hình 7: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi phân theo
trình độ chuyên môn kỹ thuật

Đơn vị tính: %
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 6

Trong cơn bão đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) duy trì ở mức cao. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tiếp tục tăng.
 
Trong quý II năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,47%, cao hơn thời điểm cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) 0,97 điểm phần trăm và cao gấp gần 3 lần tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở khu vực thành thị cao hơn gấp 1,5 lần ở khu vực nông thôn. Nghĩa là, ở thành thị, cứ 100 thanh niên trong độ tuổi 15-24 tham gia hoạt động kinh tế thì có khoảng 10 người thất nghiệp, con số này ở khu vực nông thôn là 6 người.     

Trong quý II năm 2021, cả nước có gần 2 triệu (chiếm 16,7%) thanh niên  15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, tăng 243 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 18,7% so với 13,3% và ở nữ thanh niên cao hơn nhiều so với nam thanh niên, 19,1% so với 14,4%.

Hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[4] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.

Ở các giai đoạn trước, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam chỉ ở mức 4%. Tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, chiếm 4,8% vào quý I năm 2020 và tăng lên mức cao nhất là 6,2% vào quý II năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 4,4% vào quý IV năm 2020. Bước sang năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ ba và thứ tư lan rộng khiến tỷ lệ này tăng lên 5,2% vào quý II năm 2021.

Hình 8: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng các quý, giai đoạn 2019-2021

Đơn vị tính: %
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 7

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II năm 2021 của khu vực thành thị tăng so với quý trước (6,1% so với 5,0%) trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn giảm (4,7% so với 4,9%). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (52,3%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 35,2%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ và trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng nhóm lao động này càng trở nên cần thiết.

Hình 9: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng, quý II năm 2021

Đơn vị tính: %

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 8

 

Trong quý II năm 2021, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ghi nhận mức tăng cao nhất so với nhiều năm trở lại đây.
 
Cả nước hiện có 4,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên là lao động tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 5,7% so với tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II năm 2021 đều tăng, tương ứng là 0,6 và 0,5 triệu người. Hầu hết người làm công việc tự sản tự tiêu ở khu vực nông thôn và 2/3 trong số họ là nữ giới. Lao động tự sản tự tiêu chủ yếu thuộc độ tuổi từ 50 trở lên (chiếm 57,3%). Số liệu cũng cho thấy, trong số 4,2 triệu lao động tự sản tự tiêu, có khoảng 200 nghìn người cho biết họ hiện tại vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 4,4%).

Hình 10: Lao động sản xuất tự sản tự tiêu, quý I và quý II, giai đoạn 2019 - 2021

Đơn vị tính: Nghìn người 

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021[1] 9

Trung bình 1 tuần, lao động tự sản tự tiêu dành 19,4 giờ cho công việc nông nghiệp (tương đương 2,8 giờ/ngày) và 16,6 giờ làm các công việc nhà (tương đương khoảng 2,3 giờ/ngày). Lao động nữ giới tự sản tự tiêu không chỉ tham gia làm việc nhà nhiều hơn nam giới mà số giờ làm việc bình quân của họ cũng cao hơn rất nhiều so với nam giới. Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 19,6 giờ cho các công việc không được trả công trả lương trong gia đình trong khi con số này ở nam giới là 11,5 giờ.
Hầu hết lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 93,4%). Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 bùng phát mạnh ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động sẽ trở nên khó khăn hơn. 

 Kết luận và khuyến nghị

Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý II năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch. Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Cụ thể như sau:

- Tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

- Chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

- Có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không tham gia học tập đào tạo tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.

- Nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

- Tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực; để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội (tệ nạn xã hội, trộm cắp,…).

NGUỒN: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
 

__________________________________

[1] Số liệu các quý từ năm 2020 trở về trước trong báo cáo này được tính toán lại theo khung khái niệm mới của Tổ chức lao động quốc tế, ICLS 19.
 
[2] Trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến 55 tuổi 4 tháng (năm 2021 - theo Bộ luật Lao động 2019).

[3] Quý II năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 2,36%, ở khu vực nông thôn là 3,32%. Quý II năm 2019, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 0,9%, ở khu vực nông thôn là 1,54%.

[4] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top