Tái khởi động nền kinh tế

20/07/2020 - 03:48 PM
Dịch bệnh Covid-19 dù đã được khống chế trong nước nhưng vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và chưa thể dự báo cụ thể thời điểm đại dịch chấm dứt hoàn toàn. Do đó, để đảm bảo việc vực dậy nền kinh tế bị suy yếu do đại dịch, duy trì và nâng cao nguồn nội lực chống dịch, cần kịp thời nắm bắt thời điểm vàng phục hồi, tái khởi động nền kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp để triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường nhưng cần bắt nhịp và thích ứng song song với cuộc chiến chống dịch theo từng giai đoạn.

Đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam
 
Đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng chưa từng có và làm đảo lộn các mục tiêu tăng trưởng của hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới. Dù được cộng đồng thế giới đánh giá cao về khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhưng Việt Nam cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại kinh tế - xã hội nặng nề do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Xét về mặt kinh tế, dịch bệnh đã khiến cho tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, gia tăng khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao và trong ngắn hạn khó có thể phục hồi kinh tế như trước.

 
Tái khởi động nền kinh tế
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Trong quý I/2020, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 0,67% so với dự báo và là mức tăng thấp nhất của quý I trong vòng 10 năm trở lại đây. Bước sang tháng 4/2020, giai đoạn toàn bộ nền kinh tế gần như chững lại do dịch bùng phát mạnh trên toàn cầu và Việt Nam thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch.
 
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp với xu hướng thu hẹp quy mô đđảm bảo an toàn cho nguồn vốn kinh doanh. Có khoảng 85,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong tháng 4/2020 - tháng cao điểm thực hiện các biện pháp chống dịch, cả nước chỉ có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72 nghìn lao động, giảm 46,9% về số doanh nghiệp, giảm 43,8% về vốn đăng ký và giảm 16,4% về số lao động so với tháng 3/2020.
 
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 315,7 nghìn lao động, giảm 13,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
 
Do dịch bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia trong đó có những quốc gia đứng đầu về nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…, vì vậy, các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và dè dặt hơn trong việc sử dụng nguồn vốn. 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Bên cạnh những tổn thất về kinh tế, dịch bệnh cũng tác động đến nhiều mặt của xã hội và là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa tháng 4 năm 2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động). Kéo theo đó là các vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự, làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo và thiếu đói…
 
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động tiêu cực và suy thoái đối với hầu hết mọi ngành nghề, lĩnh vực, cả hai phía cung - cầu, cả từ thị trường tài chính tới nền kinh tế thực. Trong mối quan hệ của chuỗi giá trị toàn cầu, các quốc gia có quy mô kinh tế dù lớn hay nhỏ, đang phát triển hay đã phát triển cũng không tránh khỏi những tác động này.

Chung sức tái khởi động nền kinh tế
 
Trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước và có những biện pháp chặt chẽ để kiểm soát nguồn bệnh từ nước ngoài, việc đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường được đặt ra như một yêu cầu cần thiết và cấp bách nhằm khởi động, phục hồi nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tới doanh nghiệp và người dân cùng các biện pháp quyết liệt về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
 
Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch. Tín hiệu lạc quan đầu tiên cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng bắt tay vào các biện pháp phục hồi là GDP trong quý I đầu năm tuy chỉ đạt mức 3,82% nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và là mức tăng trưởng cao nhất so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì sản xuất kinh doanh không để rơi vào suy thoái, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; tỷ giá thị trường ngoại tệ ổn định; an ninh năng lượng , lương thực được đảm bảo… Với những điều đã đạt được, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao khả năng duy trì tăng trưởng của Việt Nam không chỉ ấn tượng trong khu vực ASEAN mà còn ở toàn châu Á.
 
Mặt khác, trong khi nhiều nền kinh tế còn đang lúng túng, chưa thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh thì năng lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia phát triển thừa nhận. Qua đó, Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với thế giới, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thêm cái nhìn thiện cảm và cảm giác an toàn khi bỏ vốn đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng có thêm động lực, yên tâm và tự tin để bắt đầu khởi động, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới và khôi phục lại doanh nghiệp của mình. Trong tháng 4/2020, cả nước có 3.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều doanh nghiệp cũng dần thích nghi và có các biện pháp chuyển đổi hình thức kinh doanh, cắt giảm chi phí để duy trì doanh nghiệp, chờ cơ hội phục hồi nên số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lần lượt giảm 22,2% và 51,6% so với tháng trước.
 
Đđồng hành cùng doanh nghiệp vực dậy nền kinh tế, ngày 09/5/2020 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 6.000 người tham gia tại các điểm cầu, hơn 800 nghìn doanh nghiệp và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, được tường thuật trực tiếp cho toàn thể người dân theo dõi. Qua Hội nghị này, những kiến nghị, khó khăn từ cộng đồng doanh nghiệp được tổng hợp lại để từ đó, Chính phủ có thể đưa ra những quyết sách quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phục hồi và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 5 phương hướng hành động để dẫn dắt nền kinh tế, đó là: Thu hút đầu tư; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đẩy mạnh xuất khẩu; Đẩy mạnh đầu tư công và Khuyến khích tiêu dùng nội địa với thị trường có gần 100 triệu dân như Việt Nam. Song song với đó, các chủ trương, chính sách, gói tài chính - tín dụng được Chính phủ hỗ trợ và chỉ đạo hỗ trợ từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay không chỉ giúp các doanh nghiệp chống đỡ trong giai đoạn khó khăn mà còn tạo đà để nhiều doanh nghiệp bật dậy phục hồi sản xuất kinh doanh.
 
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cụ thể hóa một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian phục hồi nền kinh tế như: Tập trung phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; kích cầu, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách; thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển...
 
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa XIV ngày 19/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và toàn diện để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
 
Bên cạnh đó, ngày 20/5/2020, Văn phòng chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì làm việc, thống nhất với các Bộ, cơ quan như Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp và rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; rà soát các nội dung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được các cơ quan chức năng thống nhất, bảo đảm đúng quy định, thẩm quyền và hài hòa với khả năng cân đối của NSNN; Xây dựng Đề án về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch COVID-19, song song phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô. Trước đó, Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng bộ chỉ tiêu du lịch an toàn; tổ chức triển khai chương trình du lịch an toàn, tăng cường truyền thông, quảng bá về các địa điểm du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, nhất là trong dịp hè; chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp phù hợp để tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp. Chính phủ cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, ngành hàng nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm đến phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.
 
Tính đến 20/5/2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách tài khóa như: Thực hiện gói vay hỗ trợ doanh nghiệp 285 nghìn tỷ đồng; đưa ra gói giảm thuế và tiền thuê đất với 180.000 tỷ đồng (tương đương 3% GDP, 11,7% thu ngân sách, 10,3% chi ngân sách và 88% mức thâm hụt ngân sách); chi 62.000 tỷ đồng tiền mặt cho an sinh xã hội (giảm giá điện trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng)... Tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam tại thời điểm đó tương đương 4,3% GDP - mức xấp xỉ ngang với các nền kinh tế mới nổi khác cũng như so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng, tạo động lực cho doanh nghiệp tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Có thể nói, việc tái khởi động nền kinh tế ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh trong nước là hành động thực sự cần thiết bởi đây chính là thời điểm vàng để Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi thành công. Đồng thời, với sự phục hồi của nền kinh tế, Việt Nam sẽ được tiếp thêm nguồn lực kinh tế, qua đó làm gia tăng sức mạnh nội lực để tiếp tục cuộc chiến chống dịch lâu dài. Để làm được điều này, Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư… Tuy nhiên, việc khởi động lại nền kinh tế sẽ đi kèm với các hoạt động nới lỏng biện pháp hạn chế và có nguy cơ đối mặt với rủi ro nếu dịch bệnh bùng phát trở lại. Vì vậy, việc phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước cần được thực hiện trên phương thức quản lý với tư duy mới trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu an toàn về phòng dịch, đó cũng là yêu cầu đặt ra đầu tiên và song song với việc phục hồi kinh tế./.

 
ThS. Đặng Thị Lan
 Học viện Ngân hàng

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top