Tận dụng FTA để tạo bứt phá cho xuất khẩu năm 2021

12/04/2021 - 10:58 AM
Năm 2020 là một năm“thử thách lòng người” với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng. Trong bối cảnh đó xuất khẩu Việt Nam tiếp tục lập nên kỳ tích, tạo động lực để năm 2021 chinh phục những đỉnh cao mới.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu hàng hóa kể từ năm 2016. Mức thặng dư thương mại 19,1 tỷ USD của năm 2020 cao hơn nhiều so với con số 10,87 tỷ năm 2019, gấp tới hơn 9 lần so mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).
 
Theo phân tích của các chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tác động của bảo hộ mậu dịch thương mại, chiến tranh thương mại và đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu năm 2020.
 
Hội nhập quốc tế là một điểm nhấn quan trọng trong năm 2020 vừa qua. Chưa bao giờ, chỉ trong vòng một năm, Việt Nam tham gia 3 Hiệp định thương mại quan trọng, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã kí và đưa vào thực thi lên con số 15.
 
EVFTA là một trong những hiệp định được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020. Sau một thập kỷ nỗ lực không ngừng, năm vừa qua, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, tạo dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Đúng như sự kỳ vọng đặt ra, với kế hoạch thực thi Hiệp định đã được xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU liên tục ghi nhận mức tăng cao mặc dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại EU rất phức tạp. Chỉ sau 5 tháng thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chinh phục được thị trường EU khó tính, điển hình như thủy sản, tôm, gạo… Riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O mẫu EUR.1 đạt tỷ lệ khá cao, chiếm khoảng trên 14% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Cũng theo thống kê, tính đến hết ngày 18/12/2020, các cơ quan tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm cà phê, hàng dệt may, túi xách,… Việc khai thác có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và thực thi đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cả năm 2020 đạt mức 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khu vực và thế giới.
 
Tận dụng FTA để tạo bứt phá cho xuất khẩu năm 2021
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nhờ thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng tích cực bất chấp dịch Covid-19 hoành hành. Canada được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu nhờ khả năng tiếp cận thị trường ưu tiên thông qua 14 hiệp định thương mại với 51 quốc gia và gần 1,5 tỷ người tiêu dùng, tổng GDP là 49,3 nghìn tỷ USD; đồng thời là thị trường có những đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, trong đó tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa lên hàng đầu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang Canada ước đạt tới 4,35 tỉ USD, tăng gần 12% so với năm 2019, chủ yếu là các mặt hàng tôm, cá basa, cá ngừ… Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico cũng tăng trưởng đáng kể, ước đạt 3,17 tỉ USD, tăng 12,2%, chủ yếu là từ các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như điện thoại di động, thiết bị điện tử, giày thể thao, hàng dệt may, nông thủy sản...
 
Trong năm 2020, vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc, đồng thời nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý nội dung của Hiệp định, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để kết thúc 8 năm đàm phán, chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới RCEP vào tháng 11/2020. Hiệp định này được kỳ vọng giúp ổn định thị trường xuất khẩu lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.
 
Bước sang năm 2021, thế giới vẫn đang có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang các năm tiếp theo, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu cùng với vốn đầu tư toàn xã hội và tiêu dùng nội địa vẫn được xác định là “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế, là động lực chính để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Để góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5% như đã đặt ra, ngành Công Thương phấn đấu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, tiếp tục duy trì đà xuất siêu. Để làm được điều đó, một trong những giải pháp ưu tiên được lựa chọn là sẽ tận dụng tốt hơn các FTA, đặc biệt là 2 hiệp định CPTPP và EVFTA, tạo nền tảng vững chắc cho việc doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng cũng như tạo lực đẩy cho xuất khẩu bền vững trong năm 2021.
 
Là một trong những FTA đóng góp lớn trong kết quả năm 2020, EVFTA tiếp tục trở thành kỳ vọng cho xuất khẩu năm 2021 bởi dư địa để xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào EU là rất tốt và các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá tốt và tận dụng được cơ hội từ hiệp định. Những ngành hàng được đánh giá sẽ có lợi thế rất lớn trong năm 2021 tại thị trường EU là nông thuỷ sản, giày dép, dệt may…
 
Kết thúc đàm phán và ký kết chính thức vào những ngày cuối cùng của năm 2020, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ 01/01/2021 cũng được kỳ vọng sẽ cùng với EVFTA là “bệ phóng” cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đi vào thị trường châu Âu và tạo đà bứt phá xuất khẩu trong năm tới. Theo đánh giá của các chuyên gia, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, hiện tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD của quốc gia này. Điều đó cho thấy dư địa xuất khẩu của các sản phẩm hàng hóa nước ta sang thị trường Anh còn rất lớn, nhất là những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh như: Điện thoại, linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và các sản phẩm đồ gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu.... Đặc biệt, đối với ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản, với tuyên bố chung khẳng định, mặt hàng thủy sản của Việt Nam không những không bị gián đoạn xuất khẩu mà còn có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh, nơi có nhu cầu nhập khẩu thủy sản khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm. Các mặt hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá, nhất là cá tra. Với UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam còn đồng thời có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh.
 
Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020 sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo, bởi đây là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có của 15 nền kinh tế, một thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, với những cam kết khác biệt và linh hoạt hơn so các FTA đã ký kết, RCEP sẽ tạo ra khuôn khổ rõ nét về việc đơn giản thủ tục hải quan, thiết lập quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi tự do hóa thương mại.
 
Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năm 2021 cũng sẽ là năm để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa hơn thị trường xuất khẩu trong khối và đạt mức tăng trưởng tốt ở các thị trường như Canada, Mexico, Chi Lê, Peru...
 
Song các chuyên gia cũng chỉ rõ việc các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu lại là việc không đơn giản khi cơ hội và thách thức đang đan xen. Ví dụ như, đối với thị trường Anh và EU, hiệp định EVFTA và UKVFTA đang tạo ra thị trường lớn cho mảng tiêu thụ tôm chế biến của Việt Nam, nhưng các tiêu chuẩn của các quốc gia này còn quá khắt khe, trong khi chúng ta chưa có tâm thế chuẩn bị tốt để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường. Đơn cử là việc cấp mã số vùng nuôi tôm hiện được triển khai rất chậm, nguyên nhân do các quy định, thủ tục đăng ký còn bất cập, trong khi ngành nuôi tôm Việt Nam còn khá nhỏ lẻ, manh mún.
 
EVFTA cũng là cơ hội tốt để ngành dệt may, da giày chuyển hướng qua thị trường EU nhiều hơn mà không bị phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu chủ yếu hiện nay là Mỹ, bởi khi có hiệu lực EVFTA sẽ cho phép các ngành này được hưởng ưu đãi với nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm thời trang cao cấp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chính từ Trung Quốc nên việc hưởng ưu đãi từ hiệp định là không dễ dàng.
 
Để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc thực thi các FTA mới. Với mỗi doanh nghiệp, tận dụng FTA cũng là một phần quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.
 
Trước yêu cầu này, những doanh nghiệp - người làm chủ cuộc chơi, cần chủ động tìm hiểu những quy định mới từ các FTA về các lĩnh vực, ngành hàng mình hoạt động, tự chủ được những khó khăn có thể gặp phải.
 
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng trong quá trình thực thi FTA, nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA, đặc biệt là thông qua Cổng Thông tin điện tử về FTA vừa được khai trương vào cuối tháng 12/2020. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu.
 
Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ chú trọng vào việc tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về các FTA cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó giúp họ có chiến lược tiếp cận thị trường xuất khẩu hiệu quả./.
 
 TS. Đỗ Ngọc Trâm
Học viện Ngân hàng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top