Tản mạn năm Hợi

17/05/2019 - 04:06 PM
LỊCH SỬ LOÀI HEO

Heo là loài vật sống hoang dã trong thâm sơn cùng cốc và hiện nay còn thấy rất nhiều heo rừng, nhất là tại vùng nhiệt đới. Thuở xưa, khi nhân loại còn sống trong hang động chưa biết trồng cấy, săn bắt là hoạt động chính để kiếm thức ăn. Những con heo rừng bị thương hay bị bắt sống thường được đưa về hang nuôi để làm thực phẩm dự trữ, phòng khi thời tiết mưa gió lạnh lẽo kém thuận lợi, không săn được dã thú. Lâu dần, những con heo chung sống với người này được thuần phục, sinh sôi phát triển trở thành heo nhà. Vì không phải ủi cây cối để kiếm ăn hay chống lại các muông thú khác như khi ở trong rừng, nên da heo cũng mỏng dần, lông thưa thớt đi, răng cũng ngắn lại giống như heo chuồng ngày nay.

 
TẢN MẠN NĂM HỢI

Dựa vào các bộ xương hóa thạch cũng như tranh cổ còn sót trên vách đá của các hang động có người trú ẩn xưa kia, ta biết được heo rừng đã xuất hiện cách đây khoảng 6 triệu năm tại châu Âu và có lẽ tại nhiều nơi khác trên thế giới. Thủy tổ loài heo là những con heo rừng rất hung dữ, da dầy, răng nanh nhọn dài cả tấc, lông rậm và cứng để chống chọi với các dã thú khác cũng như thời tiết khắc nghiệt. Dần dần, heo được gia súc hóa để làm thực phẩm vào khoảng thời Ðồ Ðá cách đây chừng 8000 năm, nhiều nhất tại vùng Cận Ðông và châu Á. Tới thế kỷ thứ XV, heo được đưa qua châu Mỹ trên các tàu buồm của người Tây Ban Nha và Anh khi đi chinh phục thuộc địa. Các thủy thủ đi biển thời đó thường nuôi súc vật sống như heo, dê, cừu để làm thực phẩm dự trữ trong những chuyến hải trình dài. Khi gặp đất liền, họ đưa các súc vật mang theo lên bờ để trao đổi hàng hóa hay định cư; do đó, nhiều súc vật cũng được“nhập cảng” vào vùng đất mới. Về hình dáng, heo rừng trông nặng nề, cục mịch với lông dài đen hoặc nâu mọc dầy trên lưng và hai vai; lông dưới bụng thường ngắn và thưa. Ðặc biệt heo rừng có cặp răng nanh hàm trên rất dài và nhọn dùng để làm vũ khí, có khi dài lộ ra ngoài miệng đến mấy gang tay trông như cặp ngà voi. Nanh hàm dưới ngắn hơn, khoảng bằng nửa nanh hàm trên. Heo rừng rất dữ tợn khi phải chiến đấu tự vệ, ngay cả ác thú như cọp, beo, báo cũng phải kiêng nể. Mõm heo dài và cong lên, tận cùng với hai lỗ mũi lúc nào cũng ướt, là phần nhạy cảm nhất của thân thể, dùng để đánh hơi hay ủi đất. Tai heo khá lớn có thể vểnh lên hay cụp xuống. Ngoài đặc điểm nanh dài, heo còn có biệt tài đánh hơi rất bén nhậy. Với tài đánh hơi, heo rừng không bao giờ thiếu thực phẩm vì có thể tìm được cả những rễ, củ nằm sâu dưới đất. Ngoài ra, heo còn rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Nhiều nông dân cho biết họ có thể đoán trời sắp giông bão khi thấy bầy heo xôn xao bất thường và ủi đất hay bụi cây cỏ để làm chỗ ẩn nấp. Do đó, người châu Âu thời cổ cho rằng heo là hiện thân của thần thời tiết giáng trần để giúp nông dân canh tác. Heo rừng sống thành từng đàn, chừng 5 cặp, không kể heo con. Heo đực chỉ hiếu chiến khi phải chống lại các dã thú khác, trong khi heo nái rất hung dữ khi bảo vệ heo con. Heo mẹ mang thai khoảng ba tháng, sanh mỗi lứa chừng mươi con. Heo con lớn rất nhanh, khoảng nửa năm đã trưởng thành, sẵn sàng sinh sôi thành lứa khác. Heo có thể sống khoảng chừng mười năm.

Tên khoa học của loài heo nói chung được gọi là “Sus scrofa” nhưng được chia thành nhiều chủng loại như heo châu Âu, châu Á, Ấn độ, Indonesia… Nói chung, heo thuộc giống ăn tạp, hầu như loại củ, rễ cây, vỏ cây nào cũng có thể là thực phẩm, ngay cả thịt cá hư thối cũng là thức ăn ngon miệng. Ngày nay, heo được thuần hóa và chăn nuôi công nghiệp để lấy thịt và da, là một loại thực phẩm thiết yếu của con người.

HÌNH TƯỢNG CON HEO TRONG ĐỜI SỐNG VIỆT

Heo là con vật thuộc 12 con giáp, rất quen thuộc và gần gũi với đời sống của người dân quê Việt Nam. Chính sự gần gũi, thân thuộc này mà hình ảnh của chú heo đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là biểu tượng văn hóa của người Việt.

Khi nói về những món ăn quen thuộc như thịt gà, thịt chó, thịt heo... tục ngữ Việt Nam có câu:

“Con gà cục tác lá chanh,
 Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
 Con chó khóc đứng khóc ngồi,
 Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng” .

Nói tới chuyện vợ chồng, đám cưới, cũng có nhiều chuyện liên quan đến heo. Theo tục lệ ngày xưa, mỗi khi cưới hỏi, ngoài tiền sính lễ, nhà trai thường phải mang tới nhà gái heo, gà để làm tiệc đãi quan viên hai họ, các chức sắc, kỳ mục trong làng. Chính vì vậy, trong bài ca dao ”Tát nước đầu đình” có câu:

“…Ðến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm...”

Xôi vò, con lợn béo và vò rượu tăm… là những vật sính lễ của nhà trai mang đến nhà gái trong đám cưới hỏi. Ngoài ra, những người làm mai mối cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ, thường được đôi tân hôn biếu cho chiếc đầu heo để tỏ lòng biết ơn đã giúp đôi trẻ. Vì vậy, những ông Tơ, bà Nguyệt thường được gọi là làm nghề “ăn đầu heo”. Hoặc, sau đêm tân hôn, chàng rể thường phải đưa cô dâu mới về nhà cha mẹ vợ để vấn an nhạc phụ, nhạc mẫu và cũng để người vợ mới cưới đỡ cảm thấy bơ vơ lạc lõng bên gia đình chồng. Trong dịp này, chàng rể thường cho người đội theo một con heo quay để bên vợ đãi tiệc nhị hỉ.

Heo không những được đề cập nhiều trong những câu ca dao, tục ngữ, mà còn thường được nhắc nhở trong những câu phương ngôn, ví von. Ðể xem tướng người, các cụ ta thường nói: “Trông mặt mà bắt hình dong, Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”.

Tục ngữ ta có câu: “Nói toạc móng heo” để diễn tả những câu nói thẳng, không vòng vo tam quốc. Ðây là lối nhập đề “trực khởi’, đi thẳng vào vấn đề không cần rào trước đón sau. Còn những kẻ trung gian, môi giới chuyên mua bán nước miếng được gọi là “mượn đầu heo nấu cháo”.

Bên cạnh đó, trong tiếng Việt hàng ngày, heo cũng thường được nhắc đến. Nào là ”mập như heo”, ”lười như heo”, ”ăn như heo”, ”ngủ như heo”, ”sướng như heo”... Đây là các từ ngầm so sánh để diễn ta một ai đó không làm gì cả, không phải động não, chẳng hề căng thẳng (stress), mà vẫn ”phây phây”, tốt tướng, hưởng thụ, nhàn nhã. Theo quan niệm của người xưa, heo vốn là loài vật nhàn nhã, tròn trịa trù phú, mũm mĩm phồn thực, phúc lộc, nên năm heo sẽ mang nhiều niềm vui, may mắn, tụ tài lộc, lợi nhuận sung túc thoải mái cả tinh thần và vật chất đến với mọi người.

Theo văn hóa Việt Nam hay châu Á, heo là biểu trưng của tiền bạc, sự phồn thịnh, sung túc, tài lộc, nên nhiều nghệ nhân đã sản xuất các sản phẩm liên quan đến heo như: Đúc tượng heo vàng, làm lịch ảnh heo treo tường, heo ống tiết kiệm làm giàu, vẽ tranh dân gian để thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sinh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào phong phú. Những bức tranh heo rất được ưa chuộng trong dịp Tết, trong tranh thường vẽ cảnh một bầy heo gồm heo mẹ và một đàn heo con tròn trịa, mũm mĩm tượng trưng cho cảnh no ấm sung túc, con cái đầy nhà. Bên cạnh đó, heo cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ, cúng bái như sính lễ ăn hỏi, đám giỗ, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sinh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương…

NHỮNG MÓN NGON TỪ THỊT HEO NGÀY TẾT

Thức ăn làm bằng thịt heo rất ngon với muôn hình vạn trạng, mỗi vùng, miền đều món đặc trưng riêng. Tùy theo bản sắc vùng miền, có những món ngon ngày Tết được chế biến từ thịt heo.

Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu. Giò lụa là thịt lợn được giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, hoặc hấp. Giò thái theo khoanh, có màu hồng nhẹ, bày lên đĩa, có thể cắt thành từng miếng, trang trí gọn gàng đẹp mắt.
Giò làm từ thịt đầu heo gọi là Giò thủ. Để làm món này, tai heo, thịt thủ không giã mà thái nhỏ, trộn thêm mộc nhĩ, nước mắm, hạt tiêu rồi xào chín. Xong, gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt rồi ép, dùng 4 thanh tre cặp quanh khoanh giò, cột cho chặt. Khi ăn cũng thái như giò lụa.

Thịt đông cũng là một món ngon ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ miền Bắc. Thịt đông là món đặc trưng riêng thường hay được làm vào mùa đông xuân Bắc bộ. Món này được làm từ thịt ba chỉ, thịt chân giò đôi khi được sử dụng cả ngan, gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ để hong gió sương, thu lấy cái rét mướt từ trời và đất vào mình để sớm hôm sau đã có nồi  thịt đông kỳ diệu. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp váng mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết Bắc. Ngày nay để giản tiện hơn, người ta nấu thịt đông xong thường cho vào tủ lạnh để đông cứng, kết dính.

Nem chua miền Trung, khi khách đến nhà chơi ngày Tết,  người miền Trung  thường mời họ vài chén rượu nhâm nhi với  ”mồi” là những chiếc nem chua. Nem được làm từ thịt heo,  sau khi tẩm ướp gia vị, thịt được gói lại trong lá ổi,  lá chùm ruột để trong vài ngày có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay.

Thịt heo ngâm nước mắm, với người xứ Quảng, món thịt heo ngâm nước mắm đã trở thành món ăn truyền thống ngày Tết. Món thịt này thường được ăn kèm với củ kiệu chua ngọt, dưa món cùng một số loại rau sống khác, mang đến đủ vị mặn ngọt của đất trời.

Thịt kho miền Nam là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, là món thịt kho hay còn gọi là thịt kho hột vịt hoặc thịt kho nước dừa và chỉ có ở miền Nam mới có cách nấu thịt kho ngon, hấp dẫn không đâu sánh bằng. Thịt kho là thịt ba rọi thái miếng to cỡ 3 ngón tay ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành, tỏi, ớt… Thịt sau khi được nấu sôi với nước dừa xiêm thì cho trứng đã luộc chín vào kho chung, ninh đến khi thịt mềm, nước trong nồi có màu vàng cánh gián là được. Món thịt kho này được ăn kèm với cơm trắng và dưa giá sẽ thật rất tuyệt và đưa cơm./.

 
                                                                                                          Thu Hòa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top