Tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới

21/10/2019 - 11:20 AM
 Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là xu hướng tất yếu mở ra con đường rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng đứng trước những thách thức khi kiểm soát lượng hàng hóa nhập khẩu mạnh mẽ vào thị trường trong nước thông qua các FTA. Vì vậy, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ được coi là chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu, nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo được quyền và lợi ích của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới.

Phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 12 FTAs đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực (EVFTA) và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Trong 13 FTA đã ký kết và thực thi, có 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN, gồm: 1 FTA thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN, 6 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc - ACFTA, Hàn Quốc - AKFTA, Ấn Độ - AIFTA, Nhật Bản - AJCEP, Australia và New Zealand - AANZFTA, Hồng Kông - AHKFTA); 6 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập (Chile - VCFTA, Nhật Bản - VJEPA, Hàn Quốc - VKFTA, Liên minh kinh tế Á Âu - VN-EAEUFTA, FTA với Liên minh châu Âu - EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP; 3 FTA còn lại đang trong quá trình đàm phán, bao gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA với Israel và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA). Trong số các FTA nêu trên, CPTPP và EVFTA được coi là FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực phi thương mại. Các FTA thế hệ mới có 4 đặc trưng cơ bản sau: Thứ nhất là mức độ cam kết rộng nhất, bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà không có loại trừ; Thứ hai là mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm thuế gần như về 0% hết mà không có loại trừ (có thể có lộ trình); Thứ ba là cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ; Thứ tư là các FTA thế hệ mới bao gồm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, công đoàn, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cam kết phát triển bền vững…

 
Tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Khi tham gia vào các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới, các quốc gia đều cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Các biện pháp bảo hộ thương mại truyền thống như thuế nhập khẩu sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia. Tuy nhiên, căn cứ từng FTA cụ thể mà các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được quy định ở các mức độ và loại hình khác nhau. Các cấp độ thông thường của các biện pháp phòng vệ thương mại được quy định tại các FTA bao gồm:

Đối với biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp: Cấp độ của các quy định chống bán phá giá và trợ cấp trong FTA nói chung và FTA thế hệ mới nói riêng được phân loại như sau: (i) Không chấp nhận biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp áp dụng đối với thành viên của FTA; (ii) Quy định một cách không cụ thể; (iii) Quy định cụ thể biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp áp dụng đối với thành viên FTA và đối với một số FTA như: EVFTA còn quy định chi tiết một số điều khoản WTO+; CPTPP quy định các thông lệ khuyến khích thành viên tuân thủ nhằm tăng tính minh bạch của các cơ quan điều tra, áp dụng biện pháp.

Đối với biện pháp tự vệ: Các FTA thường phân loại biện pháp tự vệ làm hai nhóm: (1) Biện pháp tự vệ song phương hoặc trong khuôn khổ FTA; (2) Biện pháp tự vệ toàn cầu. Trong đó, nhóm (1) chỉ được áp dụng đối với các thành viên của FTA nhằm ứng phó với hệ quả khi thực hiện cam kết trong hiệp định như: Giảm thuế, hàng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Nhóm (2) là biện pháp tự vệ theo ý nghĩa của điều XIX - GATT và hiệp định tự vệ của WTO. Cấp độ của biện pháp tự vệ cũng được phân loại tương tự chống bán phá giá và trợ cấp gồm: Không cho phép, quy định không cụ thể và quy định chi tiết.

Tác động tích cực của các biện pháp phòng vệ thương mại trong FTA thế hệ mới

Công cụ hiệu quả bảo vệ ngành sản xuất trong nước

Trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới, tự do hóa thương mại sâu rộng, hàng hóa trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu, gây ra những tác động tiêu cực và khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Trước tình hình đó, việc quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới sẽ là cơ sở để Việt Nam điều tra, áp dụng các biện pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi của ngành sản xuất trong nước. Một trong các nội dung quan trọng nhất về phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới chính là các quy định rất cụ thể về biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp. Thời gian chuyển tiếp được áp dụng biện pháp này đối với từng FTA và từng sản phẩm là khác nhau dựa trên các cam kết và lộ trình giảm thuế cụ thể.

Các doanh nghiệp Việt muốn hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình cần ý thức toàn diện và sâu sắc về các công cụ phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới. Qua đó, doanh nghiệp hiểu được các bước trong quy trình điều tra, điều kiện cần đáp ứng, quyền và nghĩa vụ của mình… để có thể đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong trường hợp khởi kiện.

 
Tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Động lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng vệ thương mại

Sự ra đời của các FTA luôn là thời điểm tạo ra cơ hội để Nhà nước rà soát, chỉnh sửa lại các văn bản pháp luật có liên quan cho phù hợp với xu thế mới. Hiện, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thực thi FTA.

Kể từ năm 2018, hệ thống pháp luật Việt Nam gồm 3 văn bản chính, đảm bảo cơ sở để thực thi các điều khoản PVTM trong FTA gồm: Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM; Thông tư  số 06/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 20/4/2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM.

Tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới

Để tăng cường quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam đã kịp thời ban hành Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” theo Quyết định số 824/QĐ-TTg. Đề án được xây dựng dựa trên mục tiêu nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới, các FTA đã ký kết. Các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án gồm có:

Thứ nhất: Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, trong đó:

- Đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững;

- Thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian  lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời;

- Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện các quy định về quy tắc xuất xứ nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường đàm phán trong các khuôn khổ đa phương và các Hiệp định thương mại tự do để thống nhất các quy tắc xuất xứ cụ thể, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc cấp C/O;

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài (kể cả sáp nhập, mua lại) và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

- Tăng cường nguồn lực, năng lực theo dõi, cảnh báo, ứng phó với tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Thứ hai: Nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó:

- Nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính;

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chính sách và quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng tuân thủ, ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài điều tra, cũng như chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định pháp luật;

- Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, xác minh;

- Hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực với các đối tác và các tổ chức quốc tế liên quan đến các biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

 
Thứ ba: Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Thứ tư: Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa./.
 
Duy Hưng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top