Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

08/06/2020 - 04:34 PM
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, giống nòi. Mới đây, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ thị đã chỉ rõ trách nhiệm và nhiệm vụ đối với mỗi cơ quan quản lý, các ngành, các cấp tại địa phương, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong đảm bảo an toàn thực phẩm đến với mọi người dân trong tình hình mới.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm những năm qua ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, được lãnh đạo các cấp quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc Nhà nước ban hành Pháp lệnh về thú y, pháp lệnh về Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật về thủy sản, Pháp lệnh về chất lượng hàng hóa và mới đây Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của UBND các cấp. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được chú trọng hơn; kiến thức, sự hiểu biết của người dân về vấn đề bảo đảm sức khỏe được nâng lên; các nhà sản xuất, kinh doanh cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm làm ra...

Báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2019 của Bộ Y tế cho biết, từ năm 2017 đến 2019, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo chương trình phối hợp, nhất là trong dịp Tết, mùa du lịch, lễ hội… Chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao. Số cơ sở đã thanh tra, kiểm tra; số cơ sở bị xử lý trung bình/năm; số tiền phạt trung bình/năm tăng lên rõ rệt.

Từ năm 2017-2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712,9 nghìn cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011-2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55,2 nghìn cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần).

Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Theo số liệu về tình trạng ngộ độc thực phẩm của Tổng cục Thống kê, năm 2019 trên địa bàn cả nước xảy ra 65 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.765 người bị ngộ độc, trong đó 9 người tử vong. So với năm 2018, số vụ ngộ độc đã giảm 19 vụ, số người bị ngộ độc giảm 1.407 người.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như: Sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017 đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol (một loại hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi), tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, trong giai đoạn trước năm 2016, nông sản thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu (chiếm 90%) tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc... nhưng từ năm 2016 đến nay đã giảm xuống còn khoảng 70%, song song với đó là tỷ lệ nông sản thực phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm đã tăng từ 10% lên 30%.

Các địa bàn trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng đều đã quan tâm phát triển hệ thống thực phẩm sạch an toàn và chú trọng kết nối với các vùng thực phẩm sạch tại các tỉnh lân cận thông qua các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung, dần xóa bỏ các cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong đó đại đa số là sản phẩm thực phẩm nông nghiệp (thực phẩm, đồ uống, thảo dược…) được triển khai đã thu hút sự hưởng ứng của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông thôn trên cả nước. Theo đó, chất lượng của các sản phẩm đã được kiểm soát tốt hơn, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Mặc dù, thời gian qua công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả tích cực, song trước thực tế, nguồn thực phẩm ngày càng đa dạng, cùng với nhịp sống hiện đại, đối với người tiêu dùng, việc nhận biết, phân biệt giữa thực phẩm đảm bảo an toàn với thực phẩm không an toàn là vấn đề hết sức khó khăn. Theo Bộ Y tế, số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm, cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Các vụ ngộ độc thực phẩm đang có những diễn biến phức tạp, có nhiều người tử vong… Sự khác biệt giữa các kết quả phân tích, kiểm tra chất lượng sản phẩm gây không ít khó khăn cho người sản xuất, tạo thêm hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng…

Các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, hàng triệu hộ chế biến kinh doanh thực phẩm). Kèm theo đó chính là nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... Thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn. Thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn nhiều. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý…

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, tại Chỉ thị 17/CT- TTg Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các qui định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm của Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cũng như ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

Tiến hành thí điểm việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thực phẩm tiêu dùng trong nước cũng như thực phẩm xuất khẩu tại các thành phố, đô thị lớn.

Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; quản lý chợ an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt cần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng…

Năm 2020, với quyết tâm thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Theo kế hoạch thời gian triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 từ ngày 15/4 đến 15/5/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Thực chất việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ có thể giải quyết tốt nếu có những biện pháp được triển khai đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng đến ý thức thực hiện sử dụng thực phẩm của mỗi người dân trong cộng đồng... Chính vì vậy, trước những diễn biến phức tạp của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần nỗ lực nhiều hơn, với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa để mọi người dân Việt Nam được sử dụng những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top