Tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản

16/01/2020 - 03:14 PM
Việt Nam có tiềm năng tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại, với các nhóm khoáng sản năng lượng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, đã góp phần đưa khai khoáng trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên trữ lượng hầu hết các loại khoáng sản của Việt Nam không nhiều, cộng với nhiều loại tài nguyên khoáng sản đã và đang được khai thác triệt để dẫn đến không còn nhiều dư lượng trong tương lai. Chính vì vậy, cần tăng cường chiến lược quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản để sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng bền vững của đất nước.

Hiện trạng sử dụng tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam

So với các nước khu vực Đông Nam Á và thế giới, Việt Nam có diện tích đất liền không lớn, nhưng có vị trí địa chất, địa lý thuận lợi cho sự hình thành và phát triển khoáng sản; một số loại khoáng sản có trữ lượng đáng kể. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam khá đa dạng và phong phú với trên 5000 mỏ, điểm quặng của khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau nằm phân bố rải rác tại 46/63 tỉnh thành trên cả nước. Một số địa phương có trữ lượng khoáng sản đa dạng về chủng loại được cấp phép khai thác như: Thái Nguyên (có 19 loại khoáng sản rắn), Sơn La (14 loại), Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Hải Phòng, Yên Bái... Ngoài ra, còn có 18 khu vực có lượng khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên tổng diện tích 182,7 ha phân bố tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam.

 
Tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo thống kê Tài nguyên khoáng sản Việt Nam năm 2013, tài nguyên khoáng sản Việt Nam được chia thành 4 nhóm. (i) Nhóm khoáng sản năng lượng gồm: Dầu khí, than khoáng, urani và địa nhiệt. Trong đó, tiềm năng và trữ lượng dầu khí có khả năng thu hồi của các bể trầm tích Đệ tam của Việt Nam đạt khoảng 4,300 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng phát hiện đạt 1,208 tỷ tấn và trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn dầu quy đổi; đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về sản lượng khai thác dầu khí hàng năm, sau Indonesia Malaysia. Trong khi đó, than khoáng cũng là nguồn tài nguyên tiềm năng với trữ lượng có thể đạt đến 210 tỷ tấn than biến chất thấp tại độ sâu 3.500 m ở phần lục địa trong bể than sông Hồng; 80 triệu tấn than biến chất trung bình (bitum); trên 18 tỷ tấn than biến chất cao (anthracit), trong đó, bể than Quảng Ninh với trữ lượng trên 3 tỷ tấn được khai thác từ hơn 100 năm nay đã phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. (ii) Nhóm khoáng  sản  kim  loại tại Việt Nam có đa dạng chủng loại như: Sắt, mangan, crôm, titan, đồng, chì, kẽm, cobalt, nickel, nhôm, thiếc, vonfram, bismut, molybden, lithi, đất hiếm, vàng, bạc, platin, tantal-niobi v.v… Trong số khoáng sản kim loại kể trên, có các loại tài nguyên trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới như: Gilsit bauxit có nguồn gốc phong hóa từ đá bazan, phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên với trữ lượng đạt gần 2,1 tỷ tấn, đứng thứ 3 thế giới sau Guinea 7,4 tỷ tấn và Australia 6,2 tỷ tấn; Đất hiếm tập trung chủ yếu ở Tây Bắc Bộ với tổng tài nguyên trữ lượng đạt gần 10 triệu, tấn đứng thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc (36 triệu tấn) và Mỹ (13 triệu tấn)… (iii) Nhóm khoáng chất công nghiệp ở Việt Nam có: Apatit, phosphorit, baryt, fluorit, pyrit, serpentin, than bùn, sét gốm sứ, magnesit, dolomit, felspat, kaolin, pyrophylit, quartzit, cát thuỷ tinh, disthen, silimanit, sét dẻo chịu lửa, diatomit, graphit, talc, atbest, muscovit, vermiculit, bentonit, thạch anh tinh thể. Các khoáng chất công nghiệp đã được đánh giá và nhiều mỏ đã được khai thác phục vụ cho các ngành công, nông nghiệp. Đáng chú ý là: Apatit phân bố dọc bờ phải sông Hồng, từ biên giới Việt Trung ở phía Bắc đến vùng Văn Bàn, dài trên 100 km, rộng trung bình 1 km, được đánh giá có tài nguyên đến độ sâu 100m, với 2,5 tỷ tấn và trữ lượng đã được thăm dò đạt 900 triệu tấn. Baryt phân bố chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, thường đi kèm với quặng Pb-Zn và đất hiếm có tổng tài nguyên dự báo đạt 25 triệu tấn (trong tụ khoáng Đông Pao, Lai Châu có 4 triệu tấn). Graphit có ở Lào Cai, Yên Bái và Quảng Ngãi với tổng tài nguyên và trữ lượng đạt gần 20 triệu tấn. (iv) Nhóm vật liệu xây dựng cũng phong phú với các mỏ sét gạch ngói, sét xi măng, puzzolan, cát sỏi, đá vôi, đá hoa trắng, đá ốp lát, đá ong đã và đang được khai thác phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài các loại khoáng sản kể trên, từ năm 1987 chúng ta đã phát hiện nhóm đá quý ruby, saphia, peridot, ... nhưng trữ lượng không lớn. Riêng ruby ở Yên Bái và Nghệ An có chất lượng cao được thế giới đánh giá đạt chất lượng quốc tế, tương đương với ruby nổi tiếng của Myanmar.

Những năm qua, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Trung bình mỗi năm ngành khai khoáng cung cấp trên 100 triệu tấn đá vôi xi măng, trên 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 40 triệu tấn than sạch, trên 3 triệu tấn quặng sắt… đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu khoáng cho các ngành kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2018, ngành công nghiệp khai khoáng đạt trị giá 408,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,17% về trị giá so với năm 2017, đóng góp 7,38% vào tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành. 10 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành khai khoáng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia khoáng sản đánh giá, Việt Nam không có tiềm năng lớn về các khoáng sản do trữ lượng không đủ để khai thác lâu dài và điều kiện khai thác gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dầu khí được coi là “vàng đen”, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế toàn cầu, là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho các quốc gia đang sở hữu và tham gia trực tiếp kinh doanh nguồn tài nguyên này. Theo thống kê, Việt Nam có trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn dầu quy đổi. Trong khi đó, tính đến ngày 2/9/2009, tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đạt mốc khai thác 300 triệu tấn dầu quy đổi, như vậy trữ lượng dầu khí chỉ đảm bảo khai thác được khoảng vài chục năm nữa. Than biến chất thấp ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng tuy dự báo có tài nguyên lớn đến vài trăm tỷ tấn nhưng ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn và phức tạp cả về công nghệ và đảm bảo an sinh xã hội, an toàn môi trường. Một số ít khoáng sản kim loại như bauxit, đất hiếm, ilmenit Việt Nam có nhiều thì thế giới cũng có nhiều nhưng nhu cầu hàng năm không lớn nên không thể trở thành nguồn lực cho ngành khai khoáng. Các khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng tuy phục vụ tốt cho phát triển kinh tế đất nước và có thể xuất khẩu nhưng lại không có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác tại các mỏ khoáng sản của Việt Nam đã và đang tồn đọng nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội. Khai thác khoáng sản là một trong những nguyên nhân gây ra những tác động môi trường nghiêm trọng bao gồm: Xói mòn, sạt lở đất, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước ngầm và nước mặt do hóa chất từ chế biến quặng. Một số nơi, rừng ở vùng lân cận còn bị chặt phá để lấy chỗ chứa chất thải mỏ; tại những vùng hoang vu, khai khoáng có thể gây hủy hoại hoặc nhiễu loạn hệ sinh thái và sinh cảnh, còn ở nơi canh tác thì hủy hoại hoặc nhiễu loạn đất trồng cấy và đồng cỏ… thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân địa phương. Đặc biệt, hoạt động khai thác ồ ạt, thiếu quy hoạch còn là nguyên nhân trực tiếp góp phần dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.

Sự cần thiết và cấp bách trong tăng cường quản lý nhà nước

Nguồn tài nguyên khoáng sản là những tài nguyên hóa thạch được hình thành qua hàng triệu năm và không thể tái tạo trong thời gian ngắn, trong khi việc thăm dò tìm kiếm các nguồn dự trữ gặp nhiều khó khăn, hạn chế, vì vậy, để đảm bảo nguồn tài nguyên quốc gia, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng cần có sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương trong việc quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên cũng như hoạt động khai khoáng tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.

 
Tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet

 
Năm 2010, Luật Khoáng sản ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 với nhiều quy định đổi mới đã giúp cho việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, trong đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự quản lý của Trung ương trong việc cấp phép thăm dò và khai thác. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản (gồm giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản). Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại khu vực có tài nguyên khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ… nhưng không phải trên tất cả các khu vực của địa phương mà chỉ được cấp phép dựa trên những khoanh định và công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy định này nhằm phát huy vai trò quản lý của UBND tỉnh, thành phố, đồng thời, tận dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản ở các địa phương. Các khu vực còn lại do Bộ Tài nguyên và Môi trườngcấp phép, được cụ thể hóa trong Điều 82, Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010.

Đến nay, tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan, không có quy hoạch trong giai đoạn trước năm 2011 đã được khắc phục; số lượng giấy phép khai thác cấp mới hàng năm chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước năm 2010; ngành công nghiệp khai khoáng đã có xu hướng phát triển từ lượng sang chất, từ “bề rộng” sang “chiều sâu”, khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu khoáng sản để đem lại giá trị cao hơn. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lũy kế đến hết năm 2016, Việt Nam có gần 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.071 Giấy phép do cơ quan Trung ương và các địa phương cấp phép. Trong năm 2018, có 48 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (12 giấy phép thăm dò, 36 giấy phép khai thác) và 42 giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp (14 giấy phép thăm dò, 28 giấy phép khai thác).

Bên cạnh đó, quy định mới của Luật Khoáng sản 2010 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã góp phần giảm thiểu tiêu cực, đem lại sự cạnh tranh công bằng, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực thực sự tham gia giúp hoạt động khai thác tài nguyên hiệu quả và tiết kiệm hơn. Mặt khác, việc đấu giá quyền khai thác còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản; góp phần nâng cao năng lực của các chủ thể trong lĩnh vực khoáng sản do tính cạnh tranh cao trong quan hệ đấu giá và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản… Trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tập trung hoàn thiện thể chế quản lý khoáng sản, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản của đất nước theo hướng công khai, minh bạch. Điển hình như Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, trong đó, đã điều chỉnh số lượng tối thiểu tổ chức tham gia đấu giá từ 3 xuống 2 tổ chức; đồng thời, quy định vốn chủ sở hữu bằng 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác mỏ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Ngoài ra, công tác tính phí cấp quyền khai thác khoáng sản cũng đã được chỉ đạo khẩn trương và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trung bình mỗi năm, phí cấp quyền khai thác khoáng sản đã đem lại nguồn thu từ 4.000-5.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên phạm vi cả nước.

Sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, đến nay đã có 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 thông tư, thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 7 Nghị định (trong đó có 2 Nghị định thay thế, 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều) nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và sử dụng khoáng sản.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước và các cơ quan liên quan cần liên tục nâng cao năng lực quản trị tài nguyên khoáng sản, thực hiện tốt Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để giao cho địa phương quản lý; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tính phí cấp quyền khai thác khoáng sản, phí sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản cần được đẩy mạnh; tiến hành thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại trên toàn quốc một cách chính xác và hiệu quả và lập bảng báo cáo thống kê theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BTNMT, ngày 08/11/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường./.
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top