Tăng giá trị và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhìn từ các hiệp định FTA thế hệ mới

15/05/2020 - 03:05 PM

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương với các đối tác quốc tế, qua đó góp phần giúp Việt Nam tăng giá trị hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (XK) và ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, tham gia vào các FTA cũng đặt ra những thách thức Việt Nam cần vượt qua để nâng cao sức cạnh tranh, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị.

Tăng giá trị hàng hóa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu từ các FTA

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó, 12 hiệp định đang thực thi gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Tham gia vào các FTA, XK của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá đạt 516,96 tỷ USD, trong đó, kim ngạch XK đạt 263,45 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp với mức xuất siêu 9,9 tỷ USD. Riêng quý I năm 2020, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, trong đó, XK hàng hóa đạt 59,08 tỷ USD, xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD.

Về mở rộng thị trường hàng hóa, các doanh nghiệp XK Việt Nam đã tận dụng, khai thác các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA cho hàng hóa XK của Việt Nam khá tốt. Hiện, hàng hóa của Việt Nam đã xuất hiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của TCTK, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch XK năm 2019 đạt 60,7 tỷ USD; tiếp đến là thị trường EU đạt 41,7 tỷ USD; Trung Quốc đạt 41,5 tỷ USD; thị trường ASEAN đạt 25,3 tỷ USD; Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 19,8 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các thị trường Việt Nam ký kết FTA đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng XNK cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi Hiệp định như: Chilê (tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm, tốc độ tăng bình quân 28,9%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân đạt 35,6%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,2%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm, tốc độ tăng bình quân là 20,9%/năm). Riêng đối với CPTPP, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Cùng với mở rộng thị trường XK, cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thực hiện các hiệp định FTA cũng đạt được kết quả tốt. Việt Nam hiện có nhiều mặt hàng XK giữ vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích XK của thế giới như: Dệt may đứng thứ 3 thế giới, da giày đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về XK, thủy sản đứng thứ 4 thế giới, đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam luôn trong nhóm các quốc gia XK lớn nhất thế giới như: Cà phê, hồ tiêu, gạo… Tính riêng năm 2019, Việt Nam có 6 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4% tổng kim ngạch XK, 32 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9%, trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện có giá trị XK lớn nhất đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch XK, tăng 5,3% so với năm trước. Ngoài ra, một số mặt hàng cũng có mức tăng trưởng khá so với năm 2018 như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 35,6 tỷ USD, tăng 20,4%; hàng dệt may đạt 32,6 tỷ USD, tăng 6,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,3 tỷ USD, tăng 11,9%; giày dép đạt 18,3 tỷ USD, tăng 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 18,2%.

Tham gia hiệp định FTA, các doanh nghiệp và hàng hóa XK Việt Nam ngày càng chú trọng, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các thị trường có FTA với Việt Nam, đem lại cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới. Tính đến tháng 11/2019, tỷ lệ sử dụng các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) chiếm 39% tổng kim ngạch XK sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA (khoảng 37% nếu tính cả Hiệp định CPTPP). Nếu xét theo từng mẫu thị trường, Nga có tỷ lệ sử dụng C/O XK tăng 9,1%; Mehico tăng 27,6%; Canada tăng 29,9%; Chilê tăng 19,8%... Năm 2019, trong số 12 hiệp định đang thực thi, ngoài hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018, các hiệp định ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Australia - New Zealand (2022) đang tiến gần thời điểm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế với tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90%.

Có thể thấy, sau 25 năm gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô XK đứng thứ 22 trên thế giới. Những năm gần đây, nhờ những bứt phá, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá XNK hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu và đứng vị trí thứ ba về XNK trong nội khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong thực thi các FTA như: Tỷ lệ tận dụng các cam kết ưu đãi của hàng hóa Việt Nam trong các FTA còn khiêm tốn, tỷ lệ tận dụng của nhiều mặt hàng XK thậm chí chỉ ở mức 1% - 2%; mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng chưa cao; các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe có thể khiến hàng hóa Việt Nam khó vào thị trường các nước đối tác FTA; tăng trưởng XK chưa toàn diện chỉ tập trung ở một số thị trường.

Ngoài ra, năng lực hấp thụ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để tăng năng lực cạnh tranh chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và thiếu thông tin về các các hiệp định FTA. Hệ thống các chính sách pháp luật còn thiếu, yếu và chồng chéo trong thực hiện các cam kết.

Giải pháp gia tăng và đa dạng hóa thị trường từ các Hiệp định FTA

Để tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các Hiệp định FTA mang lại, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Theo mục tiêu Chiến lược, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa bình quân 11-12%/năm trong thời kỳ 2011-2020, trong đó, giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm; Duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030. Giảm dần thâm hụt thương mại, tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030. Về cơ cấu thị trường năm 2020: Châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 46%, châu Âu khoảng 20%, châu Mỹ khoảng 25%, châu Đại Dương khoảng 4% và châu Phi khoảng 5%.

Theo Chiến lược, tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu hàng hóa XK từ 21,2% năm 2010 giảm xuống còn 13,5% vào năm 2020; tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu hàng hóa XK từ 40,1% năm 2010 tăng lên 62,9% vào năm 2020; tỷ trọng nhóm hàng mới trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 12% năm 2010 tăng lên 19,2% vào năm 2020…

Để thực hiện tốt các mục tiêu Chiến lược, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định FTA mang lại. Trong đó:

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước

Một là, phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, khu vực và tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường XK; phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại tại các khu vực thị trường lớn và tiềm năng; tăng cường bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

Hai là, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện rà soát, sửa đổi toàn bộ các điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại giúp doanh nghiệp XK tránh nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng XK giúp bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp XK; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa XK, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

Năm là, đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường XNK cho doanh nghiệp; tăng cường phổ biến các hiệp định FTA Việt Nam đã ký kết tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết trong các hiệp định và các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định.

Sáu là, đổi mới hệ thống đào tạo nguồn nhân lực theo hướng: Đào tạo gắn với yêu cầu, mục tiêu phát triển của từng ngành hàng và có chất lượng, tay nghề cao; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu định hướng của cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp

Cần chủ động nắm bắt nội dung các cam kết trong các Hiệp định FTA liên quan đến lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp để chủ động xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, mở rộng XK; Chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại sát thực, khả thi, hiệu quả; Tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế, hướng mạnh vào XK, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong quốc tế; Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh XK và nâng cao hiệu quả XK hàng hóa sang các thị trường Việt Nam đã ký FTA./.

ThS. Nguyễn Thanh Hòa

Khoa Kinh tế - Trường Đại học Đồng Nai


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top