Thái Bình khai thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

20/09/2022 - 12:02 PM

Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của Thái Bình gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Thái Bình đã nhanh chóng triển khai các giải pháp hồi phục kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình này, ngành tài chính Thái Bình đã tham mưu đắc lực để Tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường tiềm lực tài chính, từ đó, đảm bảo đủ nguồn lực cho các chương trình, chính sách quan trọng của địa phương.

Duy trì và phát triển các nguồn thu


Ngay từ những tháng đầu năm 2022, Sở Tài chính đã chủ động phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan, các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, khích lệ và động viên kịp thời các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch an toàn, vừa ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời đôn đốc thu kịp thời số thuế phát sinh không được gia hạn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà chúc mừng cán bộ
nhân viên ngành Tài chính tỉnh hoàn thành nhiệm vụ

 

Đồng thời, các đơn vị trong ngành Tài chính cũng triển khai các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế (nhất là thuế bảo vệ môi trường) không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế; rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra... tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Song song, Cục Thuế tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến và tiến độ các khoản thu ngân sách nhà nước, nhất là các khoản thu cân đối ngân sách địa phương; tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp; tập trung thanh, quyết toán và tổ chức thực hiện thu nộp số thuế chuyển tiếp, số thuế nợ đọng, các khoản thu hồi theo kết luận của thanh tra, kiểm toán nhà nước...; tiến hành xử phạt các đơn vị vi phạm về chính sách thuế đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN.

Để khơi thông và tạo sức bật từ nguồn lực đất đai, ngành Tài chính cũng khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tồn tại trong việc giao đất, đấu giá, đấu thầu các khu đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai các thủ tục để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất đã đăng ký thực hiện với UBND tỉnh song vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đất đai và quản lý tài sản công.

Mặc dù, trong năm 2022, Thái Bình đang triển khai các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí nhưng với sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng các doanh nghiệp nên số thu nội địa của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 57,1% dự toán năm, 14/16 khoản thu đạt kết quả cao so với dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng thực hiện 14.302,2 tỷ đồng, đạt 79,5% dự toán năm, bằng 123,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương 6 tháng thực hiện 11.625,1 tỷ đồng, đạt 76,5% dự toán năm, bằng 117% so với cùng kỳ năm 2021.

Đảm bảo các nguồn lực cho các chương trình, đề án trọng điểm

Nhờ thu ngân sách đạt khá, các nhiệm vụ chi được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ đời sống nhân dân.

Nỗ lực đảm bảo các nguồn lực để triển khai các dự án giao thông huyết mạch.
Trong ảnh: Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đang thi công các hạng mục quan trọng

 

Phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2015-2020, chi ngân sách địa phương đạt được kết quả đáng khích lệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bước vào giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương được giao (tập trung chính vào chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới), ngành Tài chính Thái Bình đã tham mưu để tỉnh bố trí đối ứng khoảng 931 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Với việc 100% các xã trong tỉnh đã được công nhận chuẩn quốc gia nông thôn mới, nguồn lực này sẽ khuyến khích và hỗ trợ các địa phương trong tỉnh nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, đối với thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được HĐND tỉnh thông qua là 15,4 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là: 5.249 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh là: 10.151 tỷ đồng. Từ những nguồn lực này, Tỉnh tập trung bố trí cho một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm để thu hút đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình là 1.975 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong khu kinh tế Thái Bình là 1.700 tỷ đồng, dự án cải tạo, tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn là 784,67 tỷ đồng, tuyến đường thành phố Thái Bình đi Cồn Vành là 300 tỷ đồng...

Đặc biệt, dự án Đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định – Thái Bình - Hải Phòng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 80km và đoạn qua tỉnh Thái Bình dài khoảng 33km vừa được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Thái Bình triển khai các thủ tục đầu tư. Đây là một dự án giao thông quan trọng của khu vực, hứa hẹn mở ra khả năng kết nối, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư cho các địa phương. Thời gian tới, việc huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành Tài chính và các Sở, ngành có liên quan để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trịnh Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top