Thái Nguyên: tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng

22/10/2020 - 07:00 AM
Tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 187,36 nghìn ha rừng, trong đó có gần 76,5 nghìn ha rừng tự nhiên; 110,9 nghìn ha rừng trồng; ngoài ra, diện tích quy hoạch phát triển rừng gần 43,2 nghìn ha. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được đặc biệt chú trọng từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Kiểm lâm Thái Nguyên đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ vững chắc diện tích rừng hiện có, không để xảy ra các tụ điểm phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép; đồng thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương trồng và nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển.
 
Thái Nguyên: tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng
Ông Vũ Văn Phán – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: Phát huy vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng ở các địa phương, lực lượng Kiểm lâm đã tích cực chủ động tham mưu đề xuất giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đã trồng được gần 5.400 ha rừng tập trung, gồm hơn 400 ha rừng phòng hộ và gần 5.000 ha rừng sản xuất. Trồng cây phân tán đạt hơn 682.000 cây. Khoán bảo vệ rừng hơn 32.400 ha; chăm sóc rừng trồng hơn 1.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tổ chức triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn 3 huyện: Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ với tổng diện tích 83 ha.
 
Thái Nguyên: tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng 1
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên tặng lẵng hoa chúc mừng đơn vị nhân Kỷ niệm 46 năm ngày thành lập
lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2019)

Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực PCCCR vào những tháng mùa khô, kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Nội, Vĩnh Phúc. Chi cục đã tổ chức 02 cuộc diễn tập PCCCR cấp Chi cục tại huyện Phú Lương và Đại Từ. Tổ chức 01 cuộc diễn tập PCCCR cấp cơ sở tại Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc đạt kết quả tốt.
 
Thái Nguyên: tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng 2
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức diễn tập PCCCR

Song song đó, Chi cục đã tổ chức 195 lớp tuyên truyền tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, quản lý giống cây trồng lâm nghiệp với gần 9.000 lượt người tham gia. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an tỉnh Thái Nguyên) tổ chức 7 lớp tập huấn về công tác PCCCR, sử dụng trang thiết bị phòng cháy tại các huyện, thành phố, thị xã, với 420 người tham gia, chủ yếu là kiểm lâm địa bàn, phó ban lâm nghiệp xã, tổ bảo vệ rừng cơ sở và các chủ rừng.
 
Thái Nguyên: tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng 3
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân
trong công tác PCCCR

Ngoài ra, Chi cục còn triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, PCCCR; tổ chức cho người dân ký cam kết, xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng; phân công lực lượng thường trực 24 giờ/ngày, thường xuyên ứng trực, phát hiện sớm các vụ cháy rừng, tham mưu có hiệu quả cho chính quyền địa phương trong công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn và duy trì hoạt động của các tổ bảo vệ rừng, PCCCR cấp xã, thôn…
 
Thái Nguyên: tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng 4
Chi cục trưởng Vũ Văn Phán (thứ 2 từ trái sang) thăm và tặng quà gia đình liệt sĩ  Lê Văn Phượng 
 
Mặt khác, Chi cục đã phê duyệt 12 phương án truy quét; kiểm tra việc triển khai thực hiện 26 kế hoạch truy quét của các đơn vị; tổ chức thanh tra chuyên ngành 2 cuộc tại Hạt Kiểm lâm TX. Phổ Yên và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ về thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Kết quả, năm 2019, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 167 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 35,76% so với năm 2018; tịch thu 246,510 m3 gỗ quy tròn các loại, 14 phương tiện các loại, thu nộp NSNN 1,1 tỷ đồng.
 
Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu nâng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt khoảng 560 tỷ đồng. Ổn định độ che phủ rừng trên 46% (tiêu chí mới) và 53% (tiêu chí cũ). Tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án đã được phê duyệt. Tập trung tuyên tuyền, hướng dẫn người dân triển khai trồng rừng gỗ lớn, thâm canh rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Phấn đấu năm 2020, mỗi huyện, thành phố, thị xã có ít nhất 1-3 mô hình trồng rừng gỗ lớn với diện tích 5ha/mô hình...
 
Thái Nguyên: tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng 5
Giao ban toàn đơn vị chào mừng Kỷ niệm 47 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam
(21/5/2073 – 21/5/2020)

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện tốt các Chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tăng cường ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời, ngành Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội, các cơ quan có liên quan trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương án “4 tại chỗ”; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Lạng Sơn trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, do kinh phí để đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng, nên có trường hợp 1 cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách từ 2-3 xã, do vậy, chưa tham mưu quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng của một số chính quyền cấp xã chưa cao. Một số chủ rừng chưa quản lý chặt chẽ diện tích rừng được giao còn để xảy ra việc khai thác trái phép…
                                                                                                
 Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top